11/01/2025 06:08
Dù cuối năm bộn bề công việc, nhưng chị cũng cố gắng dành thời gian đi tìm mua cho con bộ đồ mới để đón Tết; rồi còn mua đồ mới cho cả hai vợ chồng chị nữa.
Cũng hiếm khi chị có thời gian dạo xe trên phố như vậy, nhất là vào dịp cuối năm. Ngắm hàng tết xếp tràn ở các cửa hiệu, mọi người rộn ràng mua sắm mà thấy háo hức, thấy vui. Tiếng nhạc từ một cửa hiệu nào đó vang lên “Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi. Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi. Đàn em thơ khoe áo mới. Chạy tung tăng vui pháo hoa” mà chị thấy lòng chộn rộn. Lại mơ màng nhớ về thời thơ ấu, mỗi năm gần đến Tết cứ chực chờ được mẹ chở đi chợ mua đồ Tết.
Đó là những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ của mấy chị em chị. Đó là những cái Tết mà chị chẳng thể nào quên. Dẫu Tết khi ấy chẳng có điều kiện như bây giờ, nhưng không khí Tết luôn tràn ngập.
Gần đến Tết, đi đâu cũng được các bà, các bác trong xóm hỏi câu quen thuộc “mẹ đã mua sắm đồ mới cho con chưa”. Tất nhiên là đứa trẻ nào cũng trả lời là “có”, vì con nít mà, ngoài bánh mứt, lì xì thì đồ mới là không thể thiếu để làm nên cái Tết trong tâm trí con trẻ. Có quần áo mới mặc thì mới đúng là Tết.
Nói là mua đồ mới, nhưng đúng hơn là may đồ mới. Vì ngày ấy, đồ mua là một điều gì đó rất xa xỉ, chỉ có may mới rẻ và bền.
|
|
Chị nhớ, đồ mới đón Tết của chị năm nào cũng là một bộ quần xanh áo trắng, giống như chuẩn bị bước vào năm học mới vậy. Mẹ nói, may đồ đồng phục vậy để sau mấy ngày Tết còn đi học được. Còn mấy chị em chị thì miễn có đồ mới là được, chứ không quan trọng đó là màu gì.
Mẹ đạp xe đạp chở các con đi chợ, ghé vào hàng vải, đo cắt xong là mẹ lại chở về tiệm may của một chị trong xóm. Gần Tết, nhiều người may đồ mới nên chị hàng xóm tranh thủ may ngày may đêm cho kịp. Vì gần nhà nên mấy ngày lại qua hỏi “đồ em may xong chưa”, làm bà chị thợ may cũng sốt cả ruột. Nhưng hiểu niềm vui và sự háo hức của trẻ con mà nên chị chủ tiệm luôn cố gắng hoàn thành sớm nhất có thể.
Chị nhớ như in cảm giác được chị chủ tiệm may gọi qua thử đồ mới. Mùi vải mới thơm làm sao. Khoác bộ đồ mới trên người, cứ thấy lâng lâng, thấy như Tết đến rồi, chỉ muốn tung tăng đi khắp làng, khắp xóm khoe cùng đám bạn.
Bây giờ, gia đình chị toàn mặc đồ may sẵn. Cứ đến đầu tháng Chạp, chị lại chạy qua cửa hàng quần áo quen thuộc ở thị trấn để lựa chọn theo kích cỡ, sở thích của từng thành viên trong gia đình. Chị chủ tiệm quần áo cũng dễ tính, cứ lựa, cứ mua, về mà không vừa thì giữ nguyên tem, mác để mang ra đổi lại.
Được cái là từ chồng đến con chị ai cũng dễ tính, miễn có đồ mới là được, nên năm nào mua đồ mới cũng hài lòng, cũng vui vẻ đón nhận, không phải đổi qua đổi lại.
Đếm ngược thời gian, chỉ còn vài chục ngày nữa là đến Tết rồi. Sáng nay, chị về bên nội nhìn thấy đứa cháu mới mồ côi mẹ thì liền hỏi: “Con có đồ mới chưa?”. Cháu gái trả lời: “Dạ, ngoại và mấy dì con đã mua cho con rồi”. Chị thấy ấm áp phần nào, nhưng rồi chị vẫn quyết định đo kích cỡ để mua thêm cho cháu bộ áo dài để động viên.
Bây giờ không phải may nữa, nên việc mua sắm đồ mới cho ngày Tết cũng tiện lắm, chỉ cần vài ngày là đã có hàng giao tận nhà. Và chỉ mới ba ngày thôi, cháu gái đã sung sướng cầm trên tay bộ áo dài mới. Tự tay mặc chiếc áo dài mới cho cháu, chị vui vì kích cỡ vừa y, còn cháu gái thì vẻ mặt rạng ngời vì đúng gu mình thích.
Mặc bộ áo dài xúng xính, cháu gái bỗng nói: “Hồi trước, mỗi khi Tết đến mẹ cũng hay mua áo dài cho con”. Chị nghe thấy thế mà nhoi nhói trong tim nhưng chị nhanh chóng gạt đi những điều không vui để an ủi cháu: “Bởi vì mẹ muốn con luôn xinh đẹp và cô cũng vậy”. Nhìn cháu nở nụ cười, chị thấy việc làm của mình thật ý nghĩa. Hy vọng một mùa Xuân mới với bộ áo dài thật đẹp này cháu sẽ giúp cháu quên được phần nào những nỗi buồn- chị nghĩ.
Trong câu chuyện áo mới ngày xuân cùng chị, tôi thấy nhớ bà ngoại của mình thật nhiều. Hồi ngoại còn sống, gần đến Tết là má tôi thường tặng ngoại mấy xấp vải may áo bà ba. Ngoại có rất nhiều áo bà ba với đủ sắc màu, nhưng Tết đến là má vẫn không quên mua vải may cho ngoại thêm mấy chiếc áo mới để đi lễ chùa, đi chúc Tết bà con hàng sớm cho mới mẻ, tươm tất.
Ngoại lớn tuổi rồi mà mỗi lần được may áo mới ngoại cũng vui lắm. Ngoại ngắm nghĩa mấy xấp vải má mua không biết bao nhiêu lần, rồi nâng niu mãi trên tay. May xong lấy đồ về nhà là ngoại mặc vào khoe hết đứa con này rồi đến đứa cháu kia. Giặt xong, ngoại gấp cẩn thận, đúng sáng mùng một Tết là ngoại mặc áo mới chờ con cháu về mừng tuổi, chúc Tết xong thì đi chùa, đi thăm nhà bà con họ hàng.
Bây giờ ngoại không còn, nhưng mỗi khi nhắc đến quần áo mới cho ngày Tết thì hình ảnh ngoại nâng niu xấp vải mới lại hiện lên.
Đó mãi là một phần ký ức đẹp mà tôi không thể nào quên!
SÔNG CÔN