Xốn xang chợ chiều

10/12/2020 06:01

Bạn sẽ thắc mắc, rồi lẩm bẩm trách móc cái ông viết chi lạ, chẳng phải người ta thường nói buồn như chợ chiều hay sao, vậy mà viết xốn xang, như vui vẻ lắm, hào hứng lắm. Nhưng bạn cứ bình tĩnh mà đi theo tôi sẽ thấy, không phải cứ chợ chiều là phải buồn.

Đã gọi là chợ chiều thì nhất định là chỉ họp vào buổi chiều rồi.

Chợ mới hình thành chưa được 3 năm, cách Quốc lộ không xa, khoảng dăm chục mét, dọc theo bờ kênh nước trong văn vắt rì rầm chảy quanh năm, tưới tắm cho những cánh đồng lúa màu mỡ, những vườn cà phê xanh tốt. Ban đầu, chợ không có tên, dần dần được gọi là chợ chiều, có lẽ vì chỉ họp vào buổi chiều chăng.

Tôi thì thích gọi là chợ quê hơn.

Bởi chợ nhỏ nhoi, khiêm tốn, với những mái tranh lụp xụp, những tấm dù rách tướp, những rổ rá xếp trên dệ cỏ hay những tấm nilon, bao bố trải trên nền đất. Đậm chất quê.

Bởi sự hiền lành, chân chất và lam lũ của những người họp chợ. Không phải là tiểu thương “lành nghề” bán buôn, họ là những nông dân thực thụ, bày bán những thứ quê kiểng, lượm lặt trong vườn, trên ruộng. 

Nhưng tôi tin rằng, bất cứ ai đã đến chợ một lần sẽ nhận ra, chợ chiều có cái hồn sâu lắng, mênh mông lắm, nên người ta nhắc nhớ hoài, thương hoài, như thương về một miền quê bình dị, thân thiết mà ai cũng có vậy.

Chợ bắt đầu từ khoảng 2 giờ chiều mỗi ngày, bằng những bao nilông trải ra nền đất. Rồi bàn tay nào bày ra đó mấy trái bí xanh mỡ màng; mấy túm măng khô vàng sậm như mật; mấy buồng chuối bắt đầu chín tới. Rổ trứng gà gác lên trên sọt rau muống, rau lang mướt mát, lồng vịt con đặt bên cạnh là vừa đủ chỗ.

Tôi thích nhất là dạo chợ lúc bắt đầu dọn hàng, tất bật đấy nhưng tươi tắn và nhiều màu sắc.

Như chiều nay vậy. Tôi ngồi ở một bờ đất, ngắm những chiếc xe máy chở hàng lặc lè, ậm ì từ nhiều hướng đổ về chợ; tò mò nghe mấy bà, mấy chị trò chuyện, hỏi thăm nhau; ngậm ngùi với những đôi tay oằn, đôi chân mỏi bởi gánh hàng nặng trĩu trên vai.

Cũng có chiếc xe đạp chở đôi sọt tre nặng rau cải, rau muống, khổ qua, cà chua lầm lũi đi vào... Trải vội tấm ni lông ra nền đất, bàn tay thấm nước tái nhợt của một chị có con mới vào đại học lóng ngóng dọn “hàng” đã được cắt lặt, bó lại gọn gàng. Cứ nhìn kiểu ngồi nép vào bờ đất là biết, chị chưa quen chuyện chợ búa. 

Chuẩn bị hàng cho phiên chợ chiều. Ảnh: H.L

 

Ánh mắt tôi bị hút theo một bé trai gầy gò giống hệt tôi hồi nhỏ, cả nước da đen, cả cái xương vai nhô lên. Một tay cậu níu áo mẹ, một tay ôm chú chó con, mặt mày hớn hở. Nhìn nét mặt háo hức ấy, tôi dám chắc rằng cậu ta sẽ vụt chạy chơi khắp chợ, nếu được phép.

Nhìn cậu bé líu ríu theo mẹ mà tôi nhớ quá nhớ chừng những buổi chợ ngày xưa. Cái thời thơ dại, mỗi lần được theo bà ngoại đi chợ mừng thôi là mừng. Sợ bị bỏ lại, nên tôi dậy theo bà từ ba giờ sáng, lăng xăng phụ bà nhúng nước ít bó rau muống hái chiều qua; lấy lá chuối bọc dăm bó mùng tơi; kiểm tra lại mớ cua đồng đang lào xào trong giỏ tre. Rồi khi trời hửng sáng thì hớn hở níu tay bà đi trên con đường đất khấp khểnh vết chân trâu ra chợ.

Dân quê, bòn mót trong vườn được mớ rau, nải chuối, rổ khoai; dành dụm được ổ trứng gà; nụm nịu nuôi được mấy con vịt, bà đem đi chợ bán, mua mắm muối, bột ngọt, dầu thắp đèn… Có nhiều người y chang bà ngoại, đều là những người gắn bó máu thịt với chợ quê này, không chỉ vì mưu sinh mà là mối liên hệ kỳ lạ. Không có rau, không đi chợ, đâm... buồn. Có người lặn lội đi bán vài nải chuối vàng hươm, “miễn sao là được đến chợ, ở nhà buồn tay buồn chân”…

Cứ thế, chợ chiều được lấp đầy bởi những sọt, những gánh, những thúng... Dù có đủ loại hàng hóa, nhưng chủ lực vẫn là các loại nông sản tươi, những thứ rau, trái, vật nuôi của nhà. Người đem hàng ra chợ chiều bán đều đến từ các thôn, làng xung quanh, vốn nặng nợ với ruộng đồng và đặc biệt hiếu khách, hào sảng, rộng rãi, sẵn lòng mời bạn nếm thử miếng dưa ngọt lừ, hay múi cam ngọt thanh.

Phải chăng chính những tâm hồn cởi mở, chân chất, hiền hậu ấy làm nên hồn cốt của chợ quê, khiến tôi mê mẩn?

Dù ngày nắng chang chang hay mưa tầm tã thì chợ vẫn họp, vẫn mua bán nhộn nhịp. Nói không ngoa, dường như tất cả rau trái ở quê mình có, thì chợ chiều đều có. Từ rau muống, rau lang, mồng tơi, bồ ngót đến lá chuối xanh, lá dứa, bó sả, nhúm ớt... Rồi cá, rồi gà, vịt, heo, cá, cua, ốc... Mùa nào thức ấy.

Không gian sống động đến nỗi tôi có thể cảm nhận được “mùi vị” của chợ. Mùi thơm của thúng bánh cam chiên vàng, điểm những hạt mè li ti, chỉ nhìn thôi đã muốn nuốt nước miếng; tiếng cá quẫy trong những xô, những chậu; bầy gà, vịt ơ hờ ngủ vật ngủ vờ trong lồng, bỗng kêu toáng lên khi có người hỏi mua.

Nào đâu có cảnh “ế ẩm như chợ chiều” mà người ta hay ví von?  

Người mua cũng đông dần. Chen vai thích cánh, chào hỏi rộn ràng, rì rầm trao đổi, tịnh không có những lời rao chát chúa, chèo kéo nài nỉ hay “cò kè bớt một thêm hai”. Chợ họp vào buổi chiều mà vẫn có nhiều bà nội trợ mê đi chợ. Bởi ở đây họ mua được rau tươi, hành tươi, cá tươi với giá bán buôn và với lòng tin những người nông dân chân chất.

Cũng có bà, có chị vừa lựa rau vừa trò chuyện. Cô ạ, mấy vạt rau nhà tôi nát hết cả, lựa mãi mới được từng này, khách chê quá trời. Mưa dài quá mà- khách an ủi- nhưng ít hàng thì được giá bà ơi.

Được gì đâu cô. Chỉ mua đi bán lại mới tăng giá. Đấy cô xem, người trồng rau như tôi đây có quyết định được giá cả đâu. Vẫn rẻ hều mà. Có tiếng thở dài.

Cứ thế, chợ chiều tấp nập, rộn ràng từ khi những mớ rau, con cá đầu tiên được bày ra cho đến 8-9 giờ đêm. Chỉ có vậy mà những nội trợ đảm đang mê đắm mê đuối chợ này. Họ mua được nhiều rau tươi, cá tươi, giá lại rẻ do gần như người bán chỉ lấy công làm lời. Họ mua được đầy ắp lòng tin từ bàn tay cần cù của những tấm lòng nông dân chân chất.

Rồi người mua tất bật đi. Người bán tất bật bán. Đêm phủ xuống, chợ chiều cũng dần tan. Các bà, các chị vội vã về nhà, lại tảo tần tay dao tay cuốc ra vườn loay hoay cả ngày để những chuyến hàng lại ra chợ vào chiều mai. Cắt, lặt, rửa, bó lọn... loay hoay cũng đến tận chiều. Bàn tay thấm nước, nhăn nheo lần đếm những đồng tiền lẻ, rồi vuốt lại cho đến khi chúng thật phẳng phiu.

Những đồng tiền nhỏ nhoi nhưng đầy niềm vui bởi nó được làm ra từ giọt mồ hôi mặn chát, từ tấm lòng lương thiện, thẳng ngay.

Hồng Lam

Chuyên mục khác