Xe đạp ơi!

02/09/2022 13:09

Chiều mưa, nghe câu hát du dương “nhớ khi xưa bao mộng mơ, trên chiếc xe đạp cũ” của nhạc sĩ Ngọc Lễ mà bồi hồi nhớ về một thời xe đạp thân thương. Nếu như ca khúc “Xe đạp ơi” của nhạc sĩ Ngọc Lễ kể về mối tình “thời xe đạp” với bao mộng mơ thì tôi lại nhớ đến chiếc xe đạp thân yêu gắn với thời thơ ấu và năm tháng sinh viên nhiều kỷ niệm của mình.
Tôi luôn nhớ đến chiếc xe đạp thân yêu gắn với thời thơ ấu của mình.  Ảnh: Hồng Lam

 

Ngày ấy, phía trước nhà tôi là con đường đất, có con dốc thoai thoải. Khi học lớp 2, lớp 3, lũ trẻ con trong xóm tôi thường ra đường tập xe đạp vào mỗi buổi chiều. Bọn trẻ truyền tai nhau, chỉ cần ngồi trên sườn xe đạp, xổ xuống con dốc thoai thoải kia, chịu ngã đau vài lần, là biết chạy xe đạp ngay.

Lạ làm sao, tôi “thực hành” theo cách ấy mà đã biết chạy xe đạp từ năm học lớp 2. Không biết thì thôi, chứ đã biết rồi thì mê lắm. Hôm nào ba má được nghỉ là mấy chị em tôi lại có cơ hội “rèn luyện” tay lái.

Khi tôi học cấp ba, trường ở xa nhà, má quyết định nhường chiếc xe đạp của mình cho tôi. Chiếc xe đạp tuy đã cũ, nhưng được ba sơn sửa lại nên trông “mới cứng”. Ba động viên tôi: “Con cố gắng nhé! Vào đại học, ba má sẽ mua cho con chiếc xe đạp đẹp hơn”.

Tôi gìn giữ chiếc xe rất cẩn thận, như báu vật vậy, không phải vì kỹ tính, mà vì tôi tâm niệm đây là chiếc xe của ba má nhường lại cho mình.

Dù chạy không còn êm, mẫu mã không đẹp như những chiếc xe hiện đại, lại hay bị hư hỏng phụ tùng, nhưng chiếc xe đạp ấy gắn bó với tôi suốt 3 năm học cấp ba.

Ngày tôi vào đại học, thực hiện đúng lời hứa, ba má mua cho tôi một chiếc xe đạp mới. Có lẽ với nhiều bạn, đó chỉ một chiếc xe đạp bình thường, nhưng với tôi, nó là chiếc xe đạp đẹp nhất. 4 năm đại học, nó đã cùng tôi đi qua từng con đường, góc phố; cùng tôi trải qua bao niềm vui, nỗi buồn của những năm tháng sinh viên sống xa nhà, với bao khó khăn, thiếu thốn không thể nào quên.

Thế hệ 8X của chúng tôi ngày ấy từ quê lên thành phố học đa số đều chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển từ nơi trọ đến trường. Không phải tiện lợi gì, mà hẳn vì xe đạp là phương tiện ít tốn kém nhất. Thường xe chạy một thời gian khá lâu lốp mới hư hỏng, lâu lâu cán trúng đinh thì đi vá, tốn vài ngàn đồng. Thường thì mỗi ruột xe vá từ năm đến bảy lần mới thay nên có khi mấy năm mới thay ruột xe đạp một lần, cũng chỉ tốn vài chục ngàn đồng.

Thời sinh viên, trên chiếc xe đạp ấy, tôi và những đứa bạn thân trong lớp sau mỗi giờ tan trường thường tung tăng dạo phố, khi thì ghé siêu thị, hàng hoa, hàng sách để chọn mua quà tặng sinh nhật bạn, hoặc mua đồ dùng phục vụ cho việc học tập của mình; khi thì lặn lội đi tìm những món ăn bình dân, phù hợp với túi tiền của sinh viên.

Nhớ những buổi đi học về muộn, trời đổ mưa, xe đạp đã cùng tôi ướt đẫm nước khi đi trên những cung đường quen thuộc. Ảnh: Quang Vinh

 

Nhớ những buổi đi học về muộn, trời đổ mưa, xe đạp đã cùng tôi ướt đẫm nước khi đi trên những cung đường quen thuộc. Giữa phố xá thênh thang, mưa gợi cho tôi nhớ đến tuổi thơ; mưa gợi lên trong tôi nỗi nhớ quê, nhớ nhà da diết.

Xe đạp đã cùng tôi đến những lớp học thêm ngoại ngữ, tin học. Thành phố về đêm luôn nhộn nhịp, nhiều buổi tan học, đường phố kẹt xe, tôi chạy xe đạp luồn lách trong những con hẻm nhỏ. Cũng nhờ xe đạp mà chẳng bao lâu tôi “quen mặt nhớ tên” nhiều tuyến phố, nhiều con hẻm. Và cũng nhờ đạp xe rong ruổi khắp nơi mà tôi biết được nhiều hơn những món ăn bình dân, vừa với túi tiền sinh viên để giới thiệu cho bạn bè cùng thưởng thức.

Có lần, nhỏ bạn rủ cả nhóm bạn thân về quê nó ở miền Tây chơi cho biết nhà. Chúng tôi háo hức đạp xe ra tận Bến xe miền Tây, rồi năn nỉ bác tài “lai” cả mấy chiếc xe đạp thân thương về quê bạn. Khi chiếc xe đò dừng lại ở ngã ba đường vào nhà bạn, cả nhóm hồn nhiên đèo nhau tung tăng trên con đường làng nơi miền sông nước với bao kỷ niệm, mơ ước về tương lai tươi đẹp được thổ lộ, đến nay vẫn không thể phai mờ trong tâm trí.

Mười mấy năm về tỉnh sinh sống, làm việc, có dịp trở lại thành phố, tôi vẫn nhớ như in những con đường, góc phố mình đã đi qua. Bây giờ, trên phố xá nhộn nhịp, hối hả, thật khó để tôi tìm thấy bóng dáng của xe đạp.

Cuộc sống phát triển, sự vắng bóng dần của xe đạp âu cũng là lẽ thường tình! Nhưng sao vẫn thấy chạnh lòng tưởng nhớ!

Trở lại mái trường nơi tôi đã từng học, giờ đây nơi bãi đậu xe cũng không còn những chiếc xe đạp xếp cạnh nhau như thuở nào. Trong yêu thương tìm về, nhớ sao những đứa bạn thân thương cùng chiếc xe đạp đứng chờ nhau nơi cổng trường sau mỗi giờ tan học.

Càng thấy nhớ, thấy thương một thời xe đạp.

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác