Xe đạp ơi!

14/11/2019 13:08

Bao năm trôi qua, khi cuộc sống đã đủ đầy hơn, đã đôi ba lần tôi “lên đời” xe gắn máy, chiếc xe đạp ngày xưa với tôi đã trở thành hoài niệm. Nhưng mỗi lần thấy được những vòng xe đạp lướt qua, trong tôi vẫn cứ thấy thương, thấy nhớ về những ngày tháng êm đềm cùng chiếc xe đạp thân thương.

“Xe đạp ơi” là tựa đề ca khúc rất được nhiều người ưa thích của nhạc sĩ Ngọc Lễ nói về những kỷ niệm ngày xưa với chiếc xe đạp cà tàng của mình. Chiếc xe đạp mang những cuộc tình thơ dại đáng yêu của tác giả với người yêu cũ, một hoài niệm với bao ký ức thân thương đã tạo nên cảm xúc rất tuyệt vời cho nhạc sĩ sáng tác nên bài hát này: “Nhớ khi xưa anh chở em/ Trên chiếc xe đạp cũ/ Áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè/ Nhớ khi xưa bao mộng mơ/ Trên chiếc xe đạp cũ/ dưới cơn mưa cùng nhau dắt qua cầu/ Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu...”

Cũng như nhạc sĩ Ngọc Lễ, chiếc xe đạp ngày nay đã trở thành ký ức với biết bao người. Từ bao đời nay, chiếc xe đạp là phương tiện phổ biến của nhiều thế hệ. Tôi nhớ vào những năm thời bao cấp, ba tôi chắt chiu lắm mới dành dụm được ít tiền mua cho mẹ tôi một chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Chiếc xe đạp lúc đó giá trị lắm. Tôi không biết là bao nhiêu tiền, nhưng chỉ biết cả xóm chỉ mỗi một mình mẹ có được chiếc xe đạp đó. Hôm ấy, mẹ tôi đi chợ, vì sơ ý, quên khóa, vậy là mất luôn cái xe.  Mẹ tôi vì tiếc của mà ốm mấy ngày. Cho đến tận bây giờ tôi cũng không thể nào quên được cái cảm giác hụt hẫng của mẹ tôi lúc đó.

Xã hội ngày càng phát triển, những chiếc xe đạp ngày càng được cải tiến và phong phú hơn. Mỗi lần đi ngang qua các cửa hàng bán các loại xe dành cho trẻ em là những ký ức về những ngày ấu thơ cùng chiếc xe đạp lại ùa về trong tôi.

Từ bao đời nay, chiếc xe đạp là phương tiện phổ biến của nhiều thế hệ. Ảnh: Internet

 

Hồi ấy, trẻ em muốn tập đi được chiếc xe đạp là kỳ công lắm, nhất là những đứa có thân hình bé nhỏ, chân còn ngắn, không ngồi hẳn lên yên được mà cứ nhấp nhổm theo những vòng quay của bánh xe. Có đứa còn nằm dài trên chiếc xe để cho dễ đạp. Thậm chí, có đứa còn phải vẹo hẳn lưng sang một bên để đạp xe nhưng vẫn hăng say tập. Ngày ấy mà thả dốc là vui lắm,  cái chuyện lao vào hàng rào, té trầy chân, u đầu là thường tình…

Vào những năm 90, cơ quan tôi ngày ấy, chỉ lác đác vài người có xe gắn máy, còn lại hầu như xe đạp là phương tiện chính. Với đặc thù là tỉnh miền núi, đường sá với nhiều dốc, nên việc đạp xe cũng “áo ướt đẫm mồ hồi những trưa hè”. Và có những con đường chúng tôi phải xuống xe dắt bộ vì dốc cao quá xe đạp không nổi…

Tôi nhớ có thời điểm phong trào học ngoại ngữ ở tỉnh đang rầm rồ, mọi người theo học khá đông. Ngày ấy tôi có quen một người bạn, nhà ở tận xã Hòa Bình, vậy mà tối nào người bạn ấy cũng đạp xe qua trung tâm ngoại ngữ ở thị xã Kon Tum để học, đến 9 giờ tối mới đạp xe về... Người bạn ấy kiên trì đạp xe đi học như vậy trong 3 năm. Giờ đây khi đã trưởng thành trên đường đời, mỗi lần gặp nhau, bạn ấy luôn nhắc lại những ngày trời mưa tầm tã với chiếc xe đạp cũ kỹ mà vẫn đến lớp đều... như một ký ức không bao giờ quên.

Theo dòng chảy của thời gian, cuộc sống đã phát triển và thay đổi nhiều, phương tiện đi lại ngày nay hầu hết là xe gắn máy, ô tô... Xe đạp ngày càng vắng bóng trên những đường phố đầy hối hả và tấp nập. Những hình ảnh ông bố, bà mẹ đầy những giọt mồ hôi vì gồng mình chở con đi học trên những con đường đầy dốc thưa dần. Và “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” có lẽ cũng dần đi vào ký ức trong tâm tưởng của mỗi người.

Bao năm trôi qua, khi cuộc sống đã đủ đầy hơn, đã đôi ba lần tôi “lên đời” xe gắn máy, chiếc xe đạp ngày xưa với tôi đã trở thành hoài niệm. Nhưng mỗi lần thấy được những vòng xe đạp lướt qua, trong tôi vẫn cứ thấy thương, thấy nhớ về những ngày tháng êm đềm cùng chiếc xe đạp thân thương như lời bài hát của nhạc sĩ Ngọc Lễ “Xe đạp ơi, những vất vả ngày ấy/Cho lòng tôi, nhớ thương hoài chẳng nguôi...”.

Hạ Mi

Chuyên mục khác