Xây dựng ý thức tiết kiệm

09/10/2021 06:36

“Tiết kiệm” là từ mà tôi nghe rất nhiều trong những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Từ những lao động phổ thông đến người làm “nhà nước”, ai nấy đều gặp khó khăn, mất thu nhập hoặc thu nhập bị giảm sút, buộc phải dùng đến số tiền tiết kiệm dành dụm được để trang trải chi tiêu trong thời buổi khó khăn.

5 tháng qua, kể từ đợt dịch thứ 4 bùng phát, thu nhập của bạn tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm hẳn. “Nhà có đến 4 miệng ăn, vợ chồng bạn làm gì xoay sở”- tôi hỏi thăm bạn. “Thì phải dùng tiền tiết kiệm để trang trải chi tiêu, nhưng mọi thứ đều phải thật tiết kiệm mới có thể đảm bảo được”- bạn rầu rĩ nói.

Bạn kể, vợ chồng bạn là những người làm công ăn lương nên để kiếm được đồng tiền nơi thành phố lớn như vậy là không dễ, trong khi phải chi tiêu rất nhiều, nhất là khi con cái ngày càng trưởng thành, thì nhu cầu chi tiêu càng cao hơn. Vì vậy, gia đình bạn luôn xây dựng ý thức cần kiệm, mục tiêu là có khoản tích cóp để sau này cho con cái được học hành đàng hoàng, và có chút tiền để lo cho bố mẹ già ở quê.

Có mục đích rõ ràng nên không chỉ vợ chồng bạn nêu cao ý thức tiết kiệm mà còn rèn cho con cái cũng phải ý thức theo.

Khi được hỏi, làm gì để tiết kiệm, bạn tôi rất thoải mái chia sẻ cách cô ấy thường làm: Mọi chi tiêu đều có kế hoạch chứ không tùy tiện, đồ dùng cá nhân thì mua sắm theo định kỳ, những gì tận dụng được thì tận dụng. Điều đặc biệt nữa là, những thứ gì thật sự cần chi, cần mua thì mới chi, mới mua; chưa thật sự cần thì sẽ có tính toán cho phù hợp, tránh để lãng phí.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Bạn nói, tiết kiệm chứ không phải “keo kiệt”, nên phải làm sao để mọi người trong gia đình cùng dựng xây ý thức tiết kiệm, tránh tạo cảm giác bức bí hay gò bó quá mức. Và cái gì đáng tiết kiệm thì tiết kiệm; còn thứ gì cần dùng, cần mua thì mua cho thích đáng, để tránh đầu tư mua sắm nhiều lần cho một món đồ.

Bạn đưa ra ví dụ, để mua một vật dụng thật cần thiết cho gia đình mà cả nhà ai cũng cần dùng đến, bạn thường đầu tư những món đồ chất lượng, vì bạn luôn nghĩ “tiền nào của đó”, tránh ham rẻ mà mua phải đồ kém chất lượng rồi lại phải mua sắm nhiều lần, như vậy càng lãng phí hơn. Hay như bữa ăn gia đình cũng vậy, tiết kiệm nhưng vẫn phải đảm bảo chất dinh dưỡng, để đảm bảo sức khỏe cho mọi người, chứ không phải qua loa, đại khái.

Bạn nói, may mà ngày thường đã biết tiết kiệm, nên khi dịch bệnh kéo dài, gia đình mình cũng không đến mức thiếu trước hụt sau, phải thắt chặt chi tiêu. Và dù tiền lương hai vợ chồng có bị sụt giảm, nhưng mọi chi tiêu trong gia đình vẫn được đảm bảo nhờ số tiền tiết kiệm dành dụm được.

Không chỉ bạn tôi, đọc báo, xem đài, tôi thấy nhiều người cho biết, cũng nhờ có được khoản tiết kiệm mà họ mới có thể trang trải cho gia đình trong những tháng dịch bệnh kéo dài. 

Điều đó cho thấy tiết kiệm và xây dựng ý thức tiết kiệm trong mỗi người, mỗi gia đình quan trọng biết chừng nào. Nếu không biết tiết kiệm và xây dựng cho mình ý thức tiết kiệm thì khi gặp sự cố hay biến cố gì trong cuộc sống sẽ rất khó để xoay sở.

Ngày trước, khi về cơ sở viết bài về các mô hình tiết kiệm của các tổ chức đoàn thể hay thôn, xóm, khu dân cư, như mô hình “hũ gạo tiết kiệm”, “ống tiền tiết kiệm”, tôi rất trân quý tấm lòng của bà con tham gia những mô hình ấy. Dù là nông dân, đời sống cũng chưa khá giả gì, vất vả làm lụng quanh năm, nhưng ai cũng sẵn lòng đóng góp. Mỗi ngày góp một vốc gạo hay vài ngàn đồng thôi, nhưng nếu tiết kiệm nhiều ngày sẽ được nhiều, sẽ giúp được nhiều người và dùng vào những việc rất có ích. Đã nhiều năm trôi qua, thật vui khi giờ đây, những mô hình ấy vẫn lan tỏa ở nhiều nơi, nhiều khu dân cư, có lẽ vì có ý nghĩa và đem lại hiệu quả thiết thực.

Hiện tại, tôi đang ở vùng an toàn, bởi chưa có ca Covid-19 cộng đồng nên cảm thấy mình thật may mắn. Nhưng nhìn hình ảnh từ bạn bè chia sẻ về bữa cơm gia đình đơn giản, đạm bạc, hay những hoàn cảnh khó khăn trong vùng dịch, tôi luôn nhắc mình cần phải xây dựng ý thức tiết kiệm hơn.

Với người thu nhập cao thì tiết kiệm nhiều hơn, người thu nhập thấp thì tiết kiệm ít hơn. Tiết kiệm cho bản thân, tiết kiệm để san sẻ khó khăn với gia đình và cộng đồng.

Tú Quyên

Chuyên mục khác