17/10/2021 06:06
Mảnh vườn nho nhỏ nhưng được bàn tay khéo léo, đảm đang của chị trồng đủ thứ rau. Nào là rau lang, rau muống, rau cải; nào là mồng tơi, rau đay… Và đặc biệt, một loại quả mà gần như có mặt quanh năm trong góc vườn nhà chị- đó là bầu.
Chị nói, thiếu rau củ gì thì thiếu, chứ nhất định không thể thiếu dây bầu. Vì lẽ, nhà chị ai cũng thích các món chế biến từ quả bầu, giản đơn nhất là bầu luộc, bầu nấu canh tôm, bầu xào tép, cầu kỳ hơn là cá lóc hấp bầu… Bầu vừa có thể chế biến được nhiều món ngon, vừa có thể làm giàn che mát nhà cửa; từ khi trồng đến cho quả cũng nhanh (chừng hơn 2 tháng), trong khi thời gian cho thu hoạch cũng khá dài (chừng 2 tháng nữa).
Ngày mới làm nhà, mẹ chị từ quê ra phố mang cho con gái ít hạt bầu giống. Lụi cụi cuốc hố, bỏ phấn, gieo hạt, những mầm non nhú lên, mẹ che chắn gốc kỹ lưỡng rồi về. Dù ở quê, nhưng mẹ vẫn thường nhắc nhở chị chăm sóc cho chúng. Khi dây bầu bắt đầu vươn những tay leo rờ rẫm tìm chỗ bám, mẹ hướng dẫn chị đóng trụ, dùng mấy cây tre gác dọc, gác ngang để nối ngọn bầu với giàn leo. Do chỉ có được khoảnh đất nhỏ, nên giàn bầu của gia đình chị cũng không rộng như ở quê, nhưng cũng đủ tỏa bóng mát cho sân. Bầu ra hoa, đậu trái, chừng mươi ngày là đã có thể thu hoạch. Giống bầu mẹ chị trồng là bầu hồ lô, trái nào trái nấy trông thật dễ thương, chế biến món ăn lại rất thơm ngon.
|
Mùa nắng, gia đình chị hái bầu nấu canh tôm. Ông bà xưa thường nói: "Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon" thật chẳng có sai. Chưa vội bàn đến ý nghĩa mà ông bà muốn truyền dạy về đạo vợ chồng, nghĩa phu thê, mà đúng là vị mát lành của bầu kết hợp với vị ngon ngọt của tôm tạo ra món canh thật tuyệt vời.
Có khi khách đến nhà, chồng chị chế biến món bầu hấp cá lóc, hay bầu nấu trứng cút lộn, bầu xào tép… Bầu dù nấu với nguyên liệu nào cũng đều tạo ra món ăn ngon, bởi bản chất của trái bầu đã có vị ngọt, mát, lành.
Mẹ chị mát tay lắm, nên mấy dây bầu mẹ trồng, dây nào cũng trĩu quả. Nhà không thể dùng hết, chị mang biếu hàng xóm, bạn bè. Mấy tháng liền, dây bầu vẫn còn lủng lẳng trái non. Mẹ chị nói quá lứa rồi, trái bầu sẽ không to và ngon nữa, nên dỡ giàn để trồng dây bầu khác.
Lúc này chị mới tiếc hùi hụi. Bởi chị quên lời mẹ dặn chọn trái to làm giống. Chị đành tìm mua giống bầu trên mạng về trồng tiếp. May sao, sau 2 tháng gieo trồng, chăm sóc, giàn bầu lại xanh tốt, tỏa bóng mát rười rượi trên sân. Chị vui mừng ra mặt, ưng bụng lắm. Bởi lần đầu tiên tự tay chị trồng được giàn bầu thật đẹp, không kém những dây bầu mẹ chị đã xuống giống trước đó. Chỉ có điều không phải giống bầu hồ hồ, mà cho trái thuôn dài, dù không đẹp mắt bằng, nhưng chất thì cũng ngon ngọt không kém.
Mặc cho phố xá náo nhiệt, mỗi buổi chiều đi học, đi làm về, cả nhà chị lại ra ngắm giàn bầu. Anh săm soi dây bầu để bắt sâu, mẹ con chị nâng đỡ từng ngọn dây bầu nối với giàn leo để giúp dây leo khắp giàn, hy vọng cho nhiều quả. Nhìn những quả bầu lủng lẳng treo trên giàn, các con chị thích thú khoe với bà ngoại qua điện thoại rằng mẹ chúng cũng mát tay trồng cây y như bà. Những lúc như thế, mẹ chị lại khen “hóa ra mẹ cháu vẫn còn giữ được gốc nhà nông”.
Cũng có khi ăn bầu miết ngán, nên cả nhà chị quyết định tìm các giống cây trồng khác để thay đổi, như mướp, khổ qua, su su... Nhưng rồi, chỉ được một mùa, sau đó chị lại trở về với dây bầu quen thuộc.
Chiều nay, chị thật vui khi những hạt bầu gieo mấy ngày trước bắt đầu nhú lên những mầm xanh. Cứ tưởng mấy ngày mưa dầm, hạt đã hư hết. Chỉ ít ngày nữa thôi, khoảnh sân nhỏ lại xanh mát những dây bầu, đem lại nét quê cho ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị.
Và mỗi lần ngắm giàn bầu xanh mướt, chị như thấy thấp thoáng bóng dáng mẹ đang lúi húi nhổ cỏ, bắt sâu.
Trong dáng mẹ tảo tần ấy có cả quê hương!
SÔNG CÔN