07/09/2018 13:10
Hồ Đăk Yên có dung tích chứa 6,45 triệu m3, phục vụ tưới tiêu cho 350ha hoa màu. Có 3 nhánh suối chính dẫn nước về để đảm bảo dung tích. “Mỗi năm cát đá đọng gây chặn nguồn, bồi lấp từ 20-30m, dẫn đến tình trạng nước khó chảy về hồ” - ông Phước nói.
Theo quan sát của phóng viên, tại nhánh suối Đăk Yên (dòng chính), lượng cát, đá chảy về, bồi cao, thu hẹp dòng chảy. Anh Nguyễn Thanh Sang, hộ dân tại thôn 2, xã Hòa Bình cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa lượng nước chảy mạnh kéo theo đất đá tràn về gây tắc dòng.
|
“Trước mắt bà con chúng tôi vẫn đủ nước phục vụ sản xuất, nhưng cứ đà này, không được nạo vét, lòng hồ sẽ ngập cát, đá, rất khó đảm bảo nước” – anh Sang nói.
Không riêng công trình thủy lợi Đăk Yên, hồ chứa Ia Bang Thượng trên địa bàn xã cũng chung tình trạng. Hồ chứa này có dung tích khoảng 2,13 triệu m3, phục vụ cho 180ha hoa màu. Cũng như hồ Đăk Yên, vì không được nạo vét nên mỗi năm 3 dòng suối chính dẫn nước về hồ đều bị cát, đá, sỏi bồi lấp thu hẹp dòng chảy.
“Mỗi năm, các dòng suối đều bị bồi lấp khoảng 20m, có dòng bị bồi hơn 100m. Nếu không có kế hoạch nạo vét, về lâu dài rất dễ bị thiếu nước” – ông Nguyễn Hải Quang – Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình cho biết.
Ngoài hồ chứa Đăk Yên và Ia Bang Thượng, hồ ông Đồ (người dân hay gọi đập ông Đồ) đang có nguy cơ bị cát, đất, đá bồi lấp.
Theo lời người dân nơi đây, công trình này được bà con nhân dân cùng làm với mực nước sâu khoảng 4m để phục vụ cho việc sản xuất lúa nước trong khu vực. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, lượng đất, đá, cát sỏi tràn về, bồi lấp, gần san bằng lòng hồ.
“Mùa nắng năm nào cũng thiếu nước nên người dân trên địa bàn thôn được khuyến cáo chỉ được sản xuất 1 vụ đông xuân. Không chỉ vậy, trong mùa mưa, lượng nước cũng không đảm bảo gây khó khăn cho việc sản xuất. Nhiều hộ dân vì giành nước dẫn vào ruộng mà xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi” – ông Từ Văn Dần – thôn trưởng thôn 1, xã Hòa Bình cho biết.
Trước tình trạng các hồ chứa thủy nông đang bị đất đá bồi lấp, ảnh hưởng đến việc sản xuất, người dân cũng như chính quyền xã Hòa Bình như “ngồi trên đống lửa”.
Ông Dần bày tỏ: Bà con chúng tôi tự vận động nạo vét, tuy nhiên, việc nạo vét cũng chỉ được phần nào. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ để đảm bảo lượng nước sản xuất.
Năm nào UBND xã cũng vận động người dân ra quân nạo vét, tu sửa kênh mương; tuy nhiên, ông Phước cho biết, việc nạo vét cát, sỏi ở các dòng chính dẫn xuống các hồ đập rất khó khăn vì đòi hỏi nhiều nhân công, trong khi không có kinh phí hỗ trợ.
Trước thực trạng trên, ông Phước bày tỏ: Chúng tôi mong muốn các cấp, các cơ quan chức năng có định hướng, tạo cơ chế cho người dân tận thu khai thác cát ở những khu vực được phép. Như vậy, vừa giúp người dân có cát xây nhà, làm các công trình có ích, vừa khơi thông được dòng chảy.
Ông Nguyễn Hải Quang – Bí thư Đảng ủy xã cũng chung ý kiến. Ông cho rằng, việc xem xét, tạo điều kiện cho người dân tận thu, khai thác cát ở những khu vực đầu dòng dẫn nước giúp giảm bớt chi phí xây dựng cho nhân dân và tạo nguồn thu cho ngân sách.
Bình An