Vui mà không vui

27/12/2020 13:04

Tết sẽ không bình yên, sẽ không vui nếu như còn có người đốt pháo trái phép khắp nơi. Chính vì thế, cùng với cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tự nhận rõ những hiểm họa từ việc đốt pháo, nêu cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không mua bán, sử dụng pháo, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, để Tết an vui đến với mọi nhà.

Tôi mắt tròn mắt dẹt khi nghe mấy thanh niên ngồi bàn bên rôm rả bàn chuyện “mua pháo đốt chơi” vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Mà có lẽ không chỉ riêng tôi, nhiều người trong quán cà phê đều chú ý đến câu chuyện của họ.

Và tôi chợt nhớ lại Tết năm ngoái. Gần Tết, đêm nào ở khu phố tôi sống cũng bị làm phiền bởi tiếng pháo đì đùng. Mà chẳng riêng gì nơi tôi ở, thời điểm ấy, trên nhiều nẻo đường, mọi người đều nghe tiếng pháo nổ. Đặc biệt, trong đêm 30 Tết, khi pháo hoa chưa bắn, pháo đã nổ đì đùng cả tiếng đồng hồ.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y phối hợp kiểm tra các phương tiện vận tải hàng hóa từ khu vực biên giới vào địa bàn. Ảnh: H.T

 

Cách đây 26 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406 – TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Chỉ thị nghiêm cấm việc nhập khẩu các loại pháo, thuốc pháo và nguyên liệu làm pháo từ nước ngoài vào Việt Nam. Chỉ thị được nhân dân cả nước đồng tình hưởng ứng và thực hiện nghiêm minh. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, một số người xem đốt pháo là vui, là hình thức để thể hiện đẳng cấp. Chính vì vậy, nhiều trường hợp, đặc biệt là lớp thanh niên, vẫn bất chấp các quy định, lén lút chơi pháo. Thậm chí, có nhiều người còn đùa quá trớn, ném pháo khi có người khác đi qua.

Vui nhưng không vui. Đốt pháo đã biến thành mối nguy hiểm cho những người xung quanh và chính người thực hiện hành vi ấy. Bởi nếu sơ suất, người đốt pháo có thể bị pháo nổ gây tổn thương. Thực tế, năm nào, bệnh viện cũng có trường hợp vào cấp cứu do đốt pháo. Những tổn thương do phỏng thuốc pháo thường gây phù nề tiến triển nhanh, gây suy hô hấp; không ít các trường hợp gánh chịu những hậu quả nặng nề về sức khỏe, thậm chí dẫn đến mất mạng.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, việc mua, bán, tàng trữ trái phép pháo nổ gây mất trật tự an toàn xã hội. Nhiều người có tiền, muốn thể hiện đẳng cấp chơi pháo, nhưng cũng có trường hợp phải đi ăn trộm, ăn cắp, cướp giật để có tiền phục vụ thú vui của mình. Rồi vì lợi nhuận, nhiều người bất chấp pháp luật, vượt biên để mua bán, tàng trữ pháo trái phép.

Hàng năm, cứ vào dịp gần Tết, tình hình tội phạm về pháo nổ lại có chiều hướng gia tăng. Liên tiếp các tháng cuối năm, lực lượng chức năng thường xuyên bắt giữ, xử lý các vụ vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép chất pháo nổ. Bên cạnh việc xử phạt hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng cũng tích cực tuyên truyền về tác hại của việc đốt pháo, lợi ích của việc cấm đốt pháo đến người dân.

Năm nào, tỉnh ta cũng lên kế hoạch, thực hiện chương trình văn nghệ với rất nhiều tiết mục đặc sắc để tạo không khí vui tươi khi Tết đến xuân về. Đặc biệt, tại thời khắc giao thừa, tỉnh ta tổ chức bắn pháo hoa để người dân hân hoan đón năm mới. Những màn pháo hoa đặc sắc, thu hút người dân khắp mọi nơi về xem, như vậy đã thấy không khí rộn ràng, hà cớ gì phải bất chấp quy định của pháp luật, lén lút đốt pháo để gây nguy hiểm cho mình và người khác.

Tết sẽ không bình yên, sẽ không vui nếu như còn có người đốt pháo trái phép khắp nơi. Chính vì thế, cùng với cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tự nhận rõ những hiểm họa từ việc đốt pháo, nêu cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định  của pháp luật, không mua bán, sử dụng pháo, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, để Tết an vui đến với mọi nhà.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác