Vu lan này không còn ba

01/09/2020 13:01

Vẫn biết rằng, sinh lão bệnh tử là quy luật của cuộc sống, không ai có thể tránh khỏi. Vậy mà bao đêm bần thần nhớ, bần thần nghĩ... tôi vẫn còn chưa hết cảm giác cô đơn, lạc lõng với bao niềm hối tiếc khi nhớ về ba.

Tới giờ, tôi vẫn chưa quen cảm giác mất ba, vì thế vẫn không tránh khỏi cảm giác bơ vơ, trơ trọi như đứa trẻ lạc đường, vuột mất một bàn tay yêu thương, che chở, mất luôn cả phương hướng cho mình.

Ba tôi ngã bệnh gần 10 năm. Thời điểm ấy, ngày nào tôi cũng về chăm sóc cho ba, kể chuyện công việc hay về gia đình nhỏ của mình cho ba nghe như một thói quen ăn sâu vào bản thân mà không hề muốn thay đổi.

Nhưng càng về sau này, tần suất ba vào viện càng nhiều hơn. Cho đến một đêm, bác sĩ thông báo ba tôi không thể qua khỏi... Ba mất, thói quen về thăm ba vẫn hiện hữu trong tôi. Mỗi lần trở về, đứng bên bàn thờ, nhìn lên di ảnh của ba, tôi lại khóc vì nhớ, vì thương ba vô cùng. Cả đời, ba hy sinh vô điều kiện cho con cháu mà không cần báo đáp.

Ba sống chắt chiu, tằn tiện với bản thân, nhưng với con, với cháu thì thật hào phóng. Một mình vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi 4 con ăn học thành người. Dựng vợ, gả chồng cho các con xong, tưởng ba sẽ thảnh thơi, an nhàn; nhưng không, khi có cháu, ba lại quay về cuộc sống như cũ, lại vất vả, lại tất bật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Tôi nhớ, khi con trai đầu lòng của tôi hơn một tuổi, thường xuyên đau ốm, có thời điểm cháu đau gần hết cả tháng, lúc đó ba tôi không may bị tai nạn gãy chân, phải bó bột nằm một chỗ, vậy mà vẫn bảo tôi mang cháu đến để ba chăm. Biết ba không đi lại được, nhưng tôi cũng không thể nghỉ làm mãi, vì thế vẫn phải nhờ đến ba. Ba tôi trông cháu bằng cách ngồi một chỗ trên giường, đặt cháu nằm trên võng, đung đưa suốt cho đến khi tôi đi làm về. Giờ nghĩ lại tôi cứ thấy cay cay nơi sống mũi, tôi thật ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình, đáng ra, thời điểm đó ba tôi mới là người cần được các con quan tâm, chăm sóc đặc biệt.

Rồi khi tôi bị tai nạn, gãy xương đòn gánh, phải nằm một chỗ, ngày nào ba cũng đến nhà giúp tôi nấu cơm và bữa cơm nào cũng làm riêng cho tôi một bát canh cua đồng. Ba bảo tôi cố ăn vào cho mau liền xương. Khoảnh khắc ấy tim tôi đau thắt lại. Tôi tự hỏi trong lòng, có phải những bậc làm cha làm mẹ trên đời này đều như vậy hay không? Quả nhiên, chưa được một tháng, xương vai tôi đã lành, tay tôi đã cử động và đi làm lại sớm hơn dự định.

Những gì ba tôi làm cho các con và các cháu không thể nào kể hết được. Tôi nghĩ, chắc trên đời này những đấng sinh thành đều như thế cả, song cách họ thể hiện mỗi người mỗi khác và tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Chẳng hạn như câu chuyện về cậu con trai đến thăm mẹ đang hấp hối ở Viện dưỡng lão mà khi đọc xong tôi cứ bị ám ảnh mãi. Chuyện là, khi người cha mất, người con trai đã có gia đình riêng, vì vậy cậu ta đã đưa mẹ mình vào Viện dưỡng lão, lâu lâu cậu ta mới đến thăm mẹ của mình, rồi vội vội vàng vàng rời đi, vì bận mưu sinh. Người mẹ nhớ con, nhớ cháu nhưng không dám nói sợ làm phiền. Rồi một ngày, sức khỏe bà cụ yếu dần. Người con nhận được cuộc gọi của mẹ mình từ Viện dưỡng lão, vội vã chạy vào và thấy tình hình của mẹ mình khó mà qua khỏi được. Đến lúc này, anh ta mới nhận ra mình là kẻ vô tâm đến nhường nào. Hai hàng nước mắt anh tự dưng lăn xuống, anh quỳ gối bên người mẹ già ốm yếu của mình, rồi hỏi bà có cần gì không? Người mẹ nắm chặt tay con trai và nói: Hãy cho người lắp quạt ở Viện dưỡng lão, vì ở đây không có quạt, nóng lắm. Ngoài ra, bà còn nói cậu ta mua một chiếc tủ lạnh rồi chất đầy đồ ăn vào đó, vì có nhiều hôm bà đã phải đi ngủ với cái bụng đói. Nghe những lời này, người con trai vừa đau lòng, vừa ngạc nhiên nên đã hỏi lại mẹ, sao giờ mẹ mới nói? Giờ mẹ nói những điều này thì còn có ích gì nữa? Bà mẹ nhẹ nhàng trả lời: Vì bà có thể chịu nóng, chịu đói khát, chịu đau đớn bởi bà không muốn làm phiền con, nhưng khi cậu con trai của bà già đi, các con của anh ta cũng sẽ đưa vào đây, thì bà sợ rằng, con trai của bà sẽ không chịu được!

Câu nói “Giữa cuộc đời vạn biến, có một thứ luôn bất biến mang tên tình yêu của bố mẹ” quả thật không sai, cha mẹ yêu con vô hạn, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con, nhưng con cái cứ mãi làm việc của chúng, mấy ai toàn tâm, toàn ý được với cha mẹ già. Tôi cũng vậy, khi trái gió trở trời, ba khó ở thì con gái của ba cứ mải bận rộn với gia đình nhỏ của mình, với cuộc mưu sinh, đã quên mất mình còn có cha già cô đơn đang mỏi mòn trông ngóng và sẵn sàng hy sinh tất cả mọi thứ vì con, vì cháu. Nghĩ lại thật hối hận, giờ tôi muốn làm rất nhiều việc mà trước kia chưa làm được thì đã không còn ba trên đời này. Nhớ ba, tôi chỉ biết sống thật tốt, quan tâm thật nhiều đến mọi người xung quanh, học cách cho nhiều hơn nhận.

Mùa Vu lan đã về. Sáng nay, như mọi ngày, tôi lại về thăm ba. Đứng trước bàn thờ ba, nước mắt tôi cứ tuôn trào, cổ họng nghẹn lại bởi bao ký ức về ba ùa về trong tôi. “Ba ơi, vậy là đã hơn một năm ba rời xa chúng con. Mùa Vu lan này lòng con thật trống trải”.

Mong cho những ai còn được vinh hạnh cài bông hồng màu đỏ thì hãy trân quý những gì mà mình đang có, đừng vì quá bận rộn với công việc ngoài xã hội mà quên đi mái ấm gia đình, với những người thân yêu luôn mong ngóng, chờ đợi chúng ta. Đừng để đến một ngày người yêu thương ta nhất cũng rời bỏ cuộc đời, nước mắt mới bất chợt vỡ oà trong hối hận cũng không còn ý nghĩa nữa.

Gia Thịnh

Chuyên mục khác