Việc làm nhỏ, hiệu quả lớn

09/07/2019 13:04

“Không có lăng quăng, bọ gậy sẽ không có sốt xuất huyết”. Có lẽ ai cũng thuộc lòng nguyên tắc vô cùng đơn giản nhưng rất hiệu quả ấy trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết, nhưng không phải ai cũng làm được…

Chị hàng xóm nhà tôi vốn quanh năm suốt tháng “đầu tắt mặt tối” với việc ruộng vườn, chợ búa, chẳng lúc nào ngơi nghỉ. Thế mà hôm nay tự dưng chị ấy dành hẳn một ngày nghỉ ở nhà để dọn dẹp nhà cửa. Chị quét dọn trong ngoài, gom hết những vỏ chai lọ từ trong bếp ra đến ngoài vườn; mấy cái chum, vại thường ngày chị hay để muối dưa, đựng đủ thứ linh tinh cũng được chị lau rửa, phơi khô.

Đặc biệt, xung quanh nhà, chỗ nào có nước đọng chị đều dọn sạch hết. Mấy bụi cây mọc um tùm trước cổng hay vạt cỏ bên vệ đường cũng được chị phát tỉa gọn gàng…

Thấy vậy, tôi ngạc nhiên lắm. Lựa lúc chị ngừng tay, tôi đùa: “Hôm nay trời đi vắng, hay sắp có sự kiện trọng đại gì mà bác dọn nhà sạch thế?”.

Chị liền phân trần: “Chẳng là, tôi nghe xóm bên kia đường có 2 cháu nhỏ mới bị sốt xuất huyết. Thấy mấy cô y tế bảo rằng không có lăng quăng, bọ gậy sẽ không có sốt xuất huyết, mà cái giống ấy chỉ sống được ở những nơi nước đọng, ẩm thấp thôi, mình dọn sạch sẽ để chúng không có nơi trú ngụ, sinh sản nên tôi làm theo. Cô xem, như vậy vừa để phòng bệnh cho cả nhà, vừa an toàn cho khu dân cư”.

Rồi chị lại tất bật bắt tay vào công việc, không quên dặn lại tôi: À, mà lát nữa, tôi đi mua thuốc diệt muỗi về phun, nếu cô muốn, cứ dọn dẹp nhà cửa đi, tiện thể tôi phun giúp cho.

Nghe chị nói, tôi bỗng dưng thấy xấu hổ về sự vô tâm của mình trong việc chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng. Đúng là nguyên tắc vô cùng đơn giản nhưng rất hiệu quả ấy có thể giúp phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả cho mỗi gia đình và cả cộng đồng. Nhiều người thuộc lòng nó nhưng không phải ai cũng thực hiện được.

Dọn dẹp nhà ở và môi trường sống thường xuyên là cách tốt nhất để phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh internet

 

Theo đánh giá của ngành Y tế, hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là số người mắc và gặp phải những biến chứng nặng tăng nhanh trong cả nước. Ở tỉnh ta, tình hình bệnh sốt xuất huyết cũng đang có chiều hướng gia tăng, dẫn đến nguy cơ cao bùng phát thành dịch.

Dịch bùng phát, người dân chịu thiệt thòi đầu tiên, ngành Y tế căng mình chống dịch, các cấp chính quyền cũng lao đao theo; tốn kém, mệt mỏi, thậm chí có thể là mất mát là điều khó có thể tránh khỏi.

Nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết đã được ngành Y tế chỉ ra. Ngoài yếu tố khách quan (mưa nắng thất thường, là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết bùng phát) còn có nhiều yếu tố chủ quan, như ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, nhất là trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nhằm hạn chế mầm gây bệnh; thậm chí có hộ dân không hợp tác với cán bộ y tế khi triển khai phun hóa chất, xử lý các ổ dịch, khiến cho nguy cơ dịch bệnh tăng cao và khó khống chế…

Để hạn chế, ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức 233 đợt phun hóa chất; các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng bọ gậy, thành lập các đội xung kích phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phun hóa chất để diệt muỗi trưởng thành chỉ là giải pháp tình thế; còn diệt lăng quăng, bọ gậy mới thực sự là giải pháp căn cơ. Nếu ai cũng có ý thức tự giác và trách nhiệm như chị hàng xóm nhà tôi thì hẳn rằng công tác phòng, chống dịch sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.

Tất nhiên, biện pháp trên cần được thực hiện ở mọi chỗ, mọi nơi và duy trì thường xuyên, liên tục chứ không thể theo phong trào hay ra quân một lần rồi dừng hẳn.

Trở lại với câu chuyện của chị hàng xóm. Ngay hôm sau, chị đã hồ hởi thông báo “kết quả 1 ngày lao động của chị khá rõ cô ơi. Hôm nay trong nhà gần như không có muỗi”. Xem ra việc làm nhỏ của chị đã đem lại hiệu quả lớn trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng.

Thùy Hương

 

.

Chuyên mục khác