11/09/2021 13:13
Nói mượn từ của nhà văn Chu Lai thì ba đang “ăn mày dĩ vãng”, còn dân dã hơn thì ba đang tìm lại ký ức tuổi thơ, tìm lại hương quê, vị nhớ vẫn luôn hồi cố trong ba, không chỉ bây giờ mà cả sau này vẫn thế.
Con thấy không, ba ít nói và đặc biệt rất ít nói về mình. Nếu có kể về mình, về chuyện quê lần nào ba cũng kể về tuổi thơ triền miên những bữa cơm chỉ độc dĩa rau muống, nước rau luộc dầm trái sấu, ít muối lạc nữa. Vậy mà ba có thể liền tù tì ăn bảy chén cơm khiến cô em gái út sau mấy năm vào Tây Nguyên ở với cậu trở về ngồi xới cơm cho anh mà mắt tròn mắt dẹt. Mà cũng phải thôi con, trong những ngày cơm thua gạo kém, ông bà nội lo no cái bụng cho những đứa con háu ăn đã khó, lấy đâu mà mơ tưởng đến thịt, cá. Vậy mà cảm giác ngon miệng, háo hức đợi chờ những bữa cơm đạm bạc và nói theo ngôn ngữ của thời hiện đại thì quá ư là thiếu chất dinh dưỡng tới tận bây giờ vẫn vẹn nguyên với ba.
Ba kể hồi nhỏ trước sân nhà ba có cây sấu. Ba chẳng biết trồng từ khi nào nhưng khi ba tầm 9, 10 tuổi, cây đã cao lớn rồi, tỏa che bóng mát cho cả góc sân. Tầm sau tết nguyên đán, khi miền Bắc tiết trời ấm áp thì trên những cành lá xanh mơn mởn bắt đầu xen những chùm hoa sấu trắng muốt. Qua xuân đến hạ, chớm thu, quả sấu đến độ chín. Tầm tháng 7, tháng 8, mấy anh chị em ba lại trèo lên cây, hái quả sấu cho vào từng rổ, phần mang ra chợ bán, phần cho bà con láng giềng. Tiền bán sấu cũng chẳng được bao nhiêu, bà để cho mấy anh em ba mua thêm cuốn vở, cây bút cho năm học mới.
|
Ngày ấy chẳng có tủ lạnh để cấp đông, sấu sẵn vườn nhà, bà nội tỉ mẩn cạo vỏ sấu rồi xếp lớp ngâm đường hẳn trong chiếc vại lớn, để dành uống được cả năm. Nhưng không phải hôm nào cũng được uống đâu, cả nhà chỉ được thưởng thức vào những dịp lễ tết, khi ai đó ốm đau hay những ngày làm đồng vất vả… Vị ngọt của đường, vị chua chua thanh thanh của sấu vẫn mát ngọt theo ba đến tận bây giờ.
Nhưng ba vẫn thích nhất là món canh rau muống luộc dầm quả sấu. Bỏ khoảng 4-5 quả sấu vào nồi nước luộc rau muống, khi ăn dầm trái sấu chín mềm ra. Rau muống luộc cùng quả sấu bao giờ cũng xanh tươi. Nước rau muống dầm sấu cũng khác hẳn với nước rau muống vắt chanh, vị chua thanh nhẹ. Ngày hè nóng bức, lam lũ ruộng đồng, bữa cơm có nước rau muống dầm quả sấu, ba bảo “trôi cơm” lắm.
Luyến lưu vị xưa, đã có lần ba cất công mang giống cây sấu vượt hơn nghìn cây số về trồng ở căn nhà cũ. Nhưng có lẽ không hợp với thời tiết, thổ nhưỡng nên cây sấu chẳng ở lại với nhà mình. Để đỡ thèm và cả để nhớ, về quê đúng dịp mùa sấu, thể nào ba cũng mua vài cân mang vào. Năm nay dịch bệnh, chẳng thể đi lại, kiếm được ít sấu, ba mừng lắm, mấy hôm liền cứ nhắc mẹ đi chợ mua rau muống…
Thích vầy nhưng lần nào ba cũng bảo mẹ luộc rau, dầm sấu không giống với bà nội. Mẹ biết khó mà giống được. Ẩm thực được tạo nên một phần bởi thói quen. Mà con cũng biết đấy, món ngon với không ít người là những món ăn quen thuộc ngày thơ bé. Cũng giống như con, biết đâu sau này lớn lên, cũng luyến lưu, cũng tìm kiếm, cũng nhớ nhung hương vị món bún riêu cua mà mẹ vẫn hay nấu cho cả nhà thưởng thức vào mỗi dịp cuối tuần. Nên cái mà ba thấy không giống ấy chính là cảm giác ríu rít, hồn nhiên thơ trẻ bên mâm cơm những ngày khó khổ, thiếu thốn đủ bề. Cũng dĩa rau muống luộc đó, cũng tô nước rau dầm sấu đó, nhưng làm sao giống được khi bữa cơm lại thiếu đi hương sen ngan ngát vào ngày hè, hương lúa mới nồng nồng vụ chiêm… Giống sao được khi thiếu đi hương làng, vị quê, thiếu đi những bước nhảy chân sáo của tuổi thơ, cả những chan chứa yêu thương những ngày bé dại.
Sau này để mở rộng sân vườn cho chăn nuôi, ông nội đành phải chặt bỏ cây sấu trong sự nuối tiếc của cả gia đình. Ba vì mưu sinh lập nghiệp xa quê hơn cả ngàn cây số, ít có dịp thưởng thức vị sấu gắn bó cả một thời thơ ấu. Nên khi vô tình gặp lại, bao kỷ niệm xưa bên cây sấu, vị sấu lại trở về… Ba nhớ cây sấu trước sân. Nhớ hoa sấu, lá sấu và cả quả sấu. Nhớ mùi hoa sấu thoang thoảng theo gió đưa hương. Nhớ tô canh rau muống dầm sấu, nhớ ly nước sấu và cả nhớ những bữa lâu thật lâu mới được ăn sang là món vịt ngày mùa om sấu… mà vị beo béo của vịt, vị thanh thanh của sấu vẫn theo ba tới tận bây giờ.
Và ba lại bồi hồi theo dòng ký ức. Vị sấu, vị nhớ ơi!
NGUYÊN PHÚC