Vị ngọt tôm đầm

01/11/2024 13:26

Sáng sớm, chị đã làm tôi ngạc nhiên khi nói sẽ đưa đi ăn đặc sản “bún tôm quê mình” ngay tại “phố núi” Kon Tum. Hai chị em chạy xe vài phút đến một quán ăn nhỏ nằm gần cầu Đăk Bla.

Có vẻ chị là khách quen của quán, vì tôi đang còn quan sát bài trí trong quán thì chị chủ quán đã mang ra tô bún tôm thơm nức để trên bàn, xởi lởi chào hỏi. Không cần gọi sao- tôi hỏi nhỏ. Chị cười: Quen rồi. Với lại ở đây chỉ bán bún tôm, loại tôm đầm nước lợ ở quê mình ấy. 

Chị chủ hẳn là dân “xứ nẫu” như em rồi- tôi nửa hỏi, nửa khẳng định. Chị chủ cười vui khi thấy tôi đoán đúng. Rồi chị giải thích thêm, cũng vì nhớ quê, vì “nghiện” món bún tôm đầm mà chị mở quán, lấy tôm từ dưới quê lên đây để chế biến món ăn phục vụ thực khách.

Nói về tôm đầm, từ lâu đời được xem là sản vật nổi tiếng ở quê tôi. Tôm được đánh bắt ở những đầm nước lợ tự nhiên. Đây là những đầm nước hình thành từ đầm nước mặn có dòng nước ngọt chảy vào khá lớn, làm loãng nước biển thành nước lợ. Điều này thường xảy ra ở thượng nguồn đầm lầy nước mặn tại các cửa sông ven biển hoặc gần cửa sông ven biển với lượng nước ngọt lớn trong điều kiện thủy triều thấp.

Cũng chính vì đặc điểm này mà đầm nước lợ đã sinh ra hệ sinh thái đặc trưng, độc đáo, với những loài thủy sản ngon, có hương vị không lẫn vào đâu được.

Những con tôm đầm nhỏ và tươi roi rói cũng gần giống tôm sông. Ảnh: TT

 

Tôm đầm được đánh bắt bằng dụng cụ riêng gọi là rọ tôm (dẹp) làm bằng tre. Khi trời vừa chập tối, ngư dân chèo xuồng đi thả rọ, mỗi người thả hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chiếc rọ xuống đầm. Rọ được cột trên dây dừa, thả treo lưng chừng mực nước, trong rọ có mồi nhử. Đến tờ mờ sáng hôm sau, mọi người lại hối hả gọi nhau đi trút rọ để kịp cho buổi chợ sớm.

Đợt nào thời tiết thuận lợi, người dân cũng trút được kha khá. Nhưng nếu vào những ngày nắng hạn, nước rút, tôm ít, trút chỉ được vài lạng là nhiều.

Tôm đầm nhìn bề ngoài giống hệt tôm đồng, chỉ những người thật tinh ý mới có thể phân biệt được. Tôm có kích thước khá nhỏ, chỉ tầm ngón tay út trở xuống, nhưng thịt đầy, vỏ rất mỏng và mịn hơn so với tôm đồng. Còn khi chế biến món ăn thì hương vị của cũng khác biệt nhiều. Tôm đầm thịt ngọt, chắc, thơm, mang hương vị rất đậm đà, rất đặc trưng.

Tôm đầm còn xuất hiện trong bữa cơm hàng ngày của người dân quê tôi. Chỉ là những món ăn đơn giản, mộc mạc như tôm rim, tôm kho đậu hủ, tôm kho thịt ba chỉ, canh tôm nấu với bầu, lá cải hay lá giang mà ngon thôi rồi.

Mỗi lần mẹ tôi đi chợ về, trong giỏ xách thể nào cũng có vài lạng tôm đầm tươi rói, nhảy tanh tách. Mấy chị em tôi không quên xin mấy con, xỏ que, rồi vào bếp gắp ít lửa than ra sau nhà nướng. Mùi tôm đầm nướng thơm nức mũi, vị ngọt ngon vô cùng.

Bây giờ mỗi lần về thăm nhà, mẹ tôi hiểu ý, hôm nào mẹ cũng đi chợ mua mớ tôm tươi, rửa sạch rồi bỏ vào cối giã, nếu giàn bầu có quả vừa tới thì mẹ sẽ có món canh tôm bầu thơm phức. Không có bầu thì mẹ lại ra vườn hái ít lá giang hoặc rau cải, rau dền cơm dại để cho ra tô canh mát lành cho con gái. Có khi mẹ làm món tôm rim với ít dầu phộng, nước mắm, hành tím, hạt tiêu; không nêm đường, bột ngọt gì cả để giữ độ ngọt tự nhiên của tôm đầm.

Đấy là mẹ nấu theo sở thích của tôi chứ mẹ thì chỉ thích rim tôm đầm với mỗi nước mắm. Mẹ bảo "ngày xưa ngoại toàn rim tôm với nước mắm nhĩ thôi, nhưng như thế mới là ngon nhất, mới cảm nhận hết được vị thơm ngon của loại tôm này”.

Thơm ngon bún tôm. Ảnh: T.T

 

Từ con tôm đầm, người dân quê tôi còn chế biến ra món bún tôm. Thật ra, đây là món ăn rất đỗi dân dã, giản đơn, chỉ gồm bún tươi ép và tôm. Nhưng chính cái dân dã ấy lại “khoe” được hết sự tinh túy của món ăn.

Những con tôm tươi rói cho vào cối cùng ít muối hột, quả ớt kim, nếu ai thích đậm đà hơn thì thêm tý bột ngọt, giã thật nhuyễn, quyện dẻo tôm và gia vị lại với nhau. Dùng muỗng phết một ít tôm giã nhuyễn ấy cho vào tô, múc nước ép bún nóng hổi trên bếp vào rồi dùng đũa khuấy đều, sau đó cho bún vừa mới ép và ít hành lá xắt nhỏ là có ngay tô bún nóng hổi, ngon lành, không cần nhiều gia vị như các món bún khác.

Có lần, tôi dẫn bạn ở phố về chơi, đứa nào cũng mê ngất ngây ngay từ lần đầu thưởng thức. Tôi nhớ, lúc ấy 2 đứa bạn to cao trong nhóm thách đấu xem ai là người ăn được nhiều tô bún tôm nhất và kết quả là có đứa ăn hết hẳn 8 tô trước sự ngỡ ngàng của chủ quán và thực khách. Đến giờ, mỗi lần về quê tôi chơi là bạn lại đòi đưa đi ăn bún tôm.

Thời còn học đại học, mỗi lần từ quê lên phố sau kỳ nghỉ Tết hay nghỉ hè, từ sáng đến tối, tôi đều tranh thủ ăn món bún tôm cho đã cơn thèm. Khi rời nhà vào lại trường, bao giờ trong túi đồ ăn ba mẹ chuẩn bị cho tôi mang theo cũng có 1 gói tôm đầm rim. Vào thành phố rồi thì tôi dùng để ăn cơm mỗi ngày, có khi dùng nấu canh lá giang hoặc nấu bún tôm ăn cho đỡ ghiền.

Người dân quê tôi luôn có tình yêu và sự gắn bó đặc biệt với con tôm đầm. Vậy nên mỗi khi có bạn bè, người thân ở xa về chơi họ lại chiêu đãi những món ngon từ tôm nào là bánh xèo tôm, bánh canh tôm, tôm rim.

Nhưng thế nào cũng không thể thiếu món bún tôm trứ danh. Để rồi khi đi xa ai cũng nhớ về tô bún tôm thơm nức và ngọt ngào ấy!

Chị chủ quán bún tôm nghe tôi kể chuyện về tôm đầm, chị thấy vui lắm vì gặp được người hiểu món ăn mà mình chọn để phục vụ cho thực khách ở “phố núi” Kon Tum này.

Trang Thảo

Chuyên mục khác