Vị ngọt sâm dây

07/01/2021 13:02

Đêm, lướt vội facebook, bất chợt gặp chị đang phát trực tiếp làm mứt sâm dây. Đôi tay chị đảo nhanh, mẻ mứt sâm dây đang ở giai đoạn sền sệt. Vị ngọt tự nhiên của sâm dây đang hòa lẫn, kết dính vị ngọt của đường thành một màu vàng nhạt… Chỉ nhìn qua hình ảnh mà chao ôi, sao lại ngon, lại thơm, lại thèm đến thế. Một điều gì đó bỗng cựa trỗi, một cảm giác pha trộn khó gọi tên, mừng vui, tự hào, và cả thân thuộc nữa.

“Mứt sâm dây đẹp mắt quá. Em cảm thấy hương thơm và vị ngon mứt sâm dây như đã lan tỏa khắp không gian chị à”. “Ngọt và thơm lắm. Khách quen đặt hàng Tết số lượng nhiều. Người thì thích mứt sâm dây rim với đường kính, người thích với mật ong, người lại thích với đường phèn… Chị làm đủ các vị nên rất nhiều mẻ em à, phải tranh thủ rim mứt cả vào ban đêm. Vất vả  một chút nhưng chị mừng lắm. Mừng cho chị, cho mẹ chị, cho người dân vùng núi rừng Ngọc Linh”…

Chị sinh ra và lớn lên ở vùng núi Ngọc Linh quanh năm mây mù bao phủ. Từ nhỏ, chị đã quen với sâm dây và những món ăn được chế biến từ sâm dây. Nhớ những bữa cơm với canh lá sâm dây. Không có tôm cũng chẳng thịt, mẹ chị chỉ nấu suông với chút muối, bột ngọt… mà vị ngọt của lá sâm vẫn theo cả mấy chị em chị đến tận giờ. Nhớ những lần mấy chị em theo mẹ lên rẫy. Thấy các con cặm cụi cuốc đất, làm cỏ trong nắng xế chiều, mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm cả vai áo bạc màu, mẹ lại đi vòng quanh đào ít củ sâm dây. Rửa vội qua chút nước, mẹ phát cho mỗi chị em một củ. Dựa lưng vào gốc cây, cả mấy mẹ con nhấm nháp, tận hưởng hương vị ngọt ngào, bổ dưỡng của đồng đất quê hương như một cách xua tan đi những gian khó, mệt nhọc… Dư vị ngọt ngào của củ sâm dây ngày ấy vẫn theo chị cho đến tận bây giờ.

Ngon, lạ mứt sâm dây. Ảnh: X.B

 

“Hữu xạ tự nhiên hương”, hương vị thơm ngon và cả những công dụng bổ dưỡng của sâm dây núi rừng Ngọc Linh quê chị dần dà được nhiều người biết, tìm mua. Được cán bộ hướng dẫn, người dân quê chị đã đưa sâm dây từ vùng sâu về trồng rẫy nhà. Nhà chị cũng vậy, trên rẫy năm xưa chỉ biết trồng mì nay đã chuyển đổi sang trồng sâm dây. Mỗi lần muốn nấu canh sâm dây hay muốn dùng ít củ sâm dây, mẹ chị không phải đi vòng quanh rẫy, quanh rừng để kiếm như trước nữa. Mẹ chị, và một số bà con trong làng còn liên kết lại với nhau chuyên canh thành vùng trồng sâm dây rộng hàng chục héc ta. Thu lá, bán lá; thu củ, bán củ.

Mà sâm dây đâu chỉ dừng lại nấu canh, nhúng lẩu hay nấu nước uống, ngâm rượu như xưa nữa, những người con của núi rừng Ngọc Linh như chị đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau: mứt sâm dây, trà sâm dây hòa tan, nước sâm dây đóng hộp… Thấy vậy người dân vùng núi rừng Ngọc Linh càng thêm động lực. Cần mẫn cuốc xới, làm cỏ… Được trời phú cho khí hậu mát mẻ, trong lành, chỉ sau vài hôm cấy trồng, cây sâm dây đã âm thầm chắt chiu vị ngọt ngào của đất đai, dịu dàng vươn lên giữa mưa mù giá lạnh. Dù mọc hoang ngoài bìa rừng, bìa rẫy hay đã được bà con đưa vào trồng thành hàng, thành lối, vài tháng sau, sâm dây bò lan ra mặt đất, phủ một màu xanh mơn mởn,  bình thản đơm lá, kết củ nơi miền rừng núi thẳm.

Theo đơn đặt hàng từ phố, mẹ chị cũng phân chia rõ ràng, khoảnh để bán lá, khoảnh để dành lấy củ. Mà nào riêng mẹ chị, bà con trong vùng trồng sâm dây đều theo kế hoạch rõ ràng. Sản phẩm làm ra tới đâu bán tới đó. Những hôm mưa gió, đường sá chênh vênh, trơn trượt, không thể vào rẫy, bạn hàng gọi réo liên tục, mẹ chị ngóng đợi trời hửng lên một chút là tranh thủ sắp xếp. “Uy tín là số một mà em!”, chị nhắn - kèm theo bình luận là sticker hình trái tim nhấp nháy trên màn hình.

Hành trình kỳ diệu của cây sâm dây ở vùng núi rừng Ngọc Linh, từ chỗ chỉ là những bữa canh mát dạ đưa cơm, nay không chỉ từ làng về phố, mà còn trở thành loại hàng hóa, thực phẩm được nhiều người ưa chuộng, săn đón… đã giúp nhà nào nhà nấy khấm khá lên. Nhà nọ mới mua chiếc ti vi đắt tiền để cả nhà sau cả ngày lam lũ ruộng rẫy cùng sum vầy giải trí; nhà kia cũng nhờ đó mà lo cho các con ăn học đàng hoàng… Nên chị có nề hà gì đâu những hôm cùng mẹ cắt lá bán; những hôm tranh thủ được nắng phơi cả mấy tạ củ; những hôm giáp Tết Nguyên đán, chuẩn bị đủ thứ hàng, từ lá sâm, sâm củ khô, sâm củ tươi, sâm ngâm rượu đến làm mứt sâm dây.

Mải chuyện với chị chẳng hay đêm đã khuya tự khi nào. Mẻ mứt sâm dây đường phèn cũng đã được chị làm xong đặt ngay ngắn trên bàn để chuẩn bị cho công đoạn đóng gói sản phẩm… Nhìn chị làm, nghe chị kể chuyện, bỗng rộn ràng niềm vui khó tả. Mừng cho chị, cho mẹ chị, cho người dân vùng núi rừng Ngọc Linh, nhờ sâm dây, nhờ biết hưởng lộc rừng, lại chăm chỉ, biết giữ gìn, sáng tạo mà ngày càng ấm no, đổi mới.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác