17/01/2023 13:08
Về quê đón Tết. Chỉ mới nghĩ thôi mà con đã cảm nhận rõ như đang về với những bình yên sau cả năm trời tất bật bươn chải mưu sinh, như đang được thủ thỉ cùng mẹ cha những câu chuyện buồn vui thường nhật.
Con biết, về quê đón Tết là được về với ngôi nhà ba gian nép mình trong ngõ nhỏ, nơi con bước những bước đi chập chững đầu đời, nơi cất chứa kho báu ký ức của cả tuổi thơ con. Con về để được tự tay thắp cho ông bà tổ tiên nén tâm nhang. Về để được cúi đầu trước dáng cha còng lưng, dáng mẹ tất tả. Về để được tận mắt ngắm nhìn những nếp nhăn như thành sóng trên gương mặt cha, được sờ vào mái tóc bạc trắng chất chứa bao lo toan trĩu nặng cả cuộc đời của mẹ.
Về quê đón Tết vì con biết, hơn tất cả, nơi ấy, từng ngày, từng ngày, mẹ cha luôn ngóng đợi con về. Dẫu lúc nào cũng ngay ngáy lo xe cộ ngày Tết đông đúc, cháu con đi lại vất vả, nhưng chỉ cần biết con về, mặc cho mưa rét, cha vào ra ngõ, hết ngóng lại trông; còn mẹ thì mua cái này, sắm cái kia, món nào cũng tăng thêm một chút. Riêng món mứt gừng con mê, mẹ rim sẵn từ sớm, buộc thành túi to, túi nhỏ, túi dâng cúng ông bà tổ tiên, túi tiếp khách mấy ngày Tết, túi cho các con mang về phố chút quà quê.
|
Về quê đón Tết, con sẽ được được đi trên cánh đồng làng ngắm nhìn ruộng lúa xanh rì như đang reo hát. Con được dạo bước trong căn vườn xưa, được ngửi mùi ngai ngái của đất đai quê nhà, được nghe mùi hương thanh tao của hoa bưởi nở sớm. Cả đại gia đình sẽ cùng nhau gói bánh tét, cùng nhau nấu bánh tét. Mùi lá chuối, mùi gạo nếp thơm đến tứa nước miếng trong chiếc nồi to sôi ùng ục. Bên thân tình ấm áp, bên ánh lửa chập chờn nhảy múa, những câu chuyện buồn vui cả năm cứ thầm thĩ gọi tên.
Và đôi khi về quê ngày Tết chỉ là để được ngập tràn trong mùi bếp, mùi ngòn ngọt của bánh thuẫn, mùi cay nồng của mứt gừng, mùi nồng nồng của dưa hành dưa kiệu. Về để con được sống lại với cảm giác hăm hở, ríu rít, chia chác từng đồng quà tấm bánh bên mẹ cha như năm nảo năm nào. Về để sớm mai thức giấc, lặng yên trong chăn ấm lắng nghe tiếng chim hót, tiếng gió mùa đông bắc thổi, tiếng lá vườn nhà xào xạc và cả tiếng lách cách của mẹ nơi góc bếp cho thỏa khoảng cách giữa hai đầu nỗi nhớ bấy lâu.
Con biết, năm tháng không bao giờ quay trở lại nên có những thứ nếu không cùng nhau gìn giữ, vun đắp, dựng xây thì chỉ mãi mãi còn trong ký ức. Chẳng phải Tết năm trước đi sang Tết năm nay nhanh như cơn gió, nhẩm tính như cây mấy lần trổ hoa, mấy lần con thay áo. Chẳng phải có những khoảnh khắc, những âm thanh, những mùi hương luôn làm đầy thêm nỗi khắc khoải nhớ thương. Chẳng phải lần nào nước mắt con cũng như trào ra khi nghe câu hát “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần” từ nhà bên vọng lại. Nên trong sâu thẳm, mẹ cha, quê hương, ngày Tết vẫn mãi là miền nhớ, níu giữ, quấn quýt con trở về.
Chỉ nghĩ thế thôi mà con đã háo hức đếm ngược từng ngày. Còn mấy đứa nhỏ vài ba hôm lại hỏi thăm, mẹ ơi còn bao nhiêu hôm nữa được về quê đón Tết. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, con ghé chợ mua sắm vài ba thứ làm quà ngày Tết. Tết ở quê năm nào cũng rét, vòng khắp chợ con chọn cho mẹ chiếc áo len mới khoác ngoài, mua cho cha chiếc áo len ghi lê màu xám mặc bên trong bộ đồ vest để đi thăm bà con xóm làng mấy ngày Tết. Gì thì gì, con phải mua ít cân măng khô, ít cân cà phê làm quà, thảo thơm tấm lòng bà con lối xóm chung vui.
Càng đi xa, càng có tuổi, hoài niệm về mẹ cha, về những ngày Tết đã qua càng đằm sâu, da diết. Con cứ nghĩ mãi về tình cảm ngày Tết, như gợi một sự trở về, đoàn tụ và chứa chan thật nhiều hoài niệm ngay cả trong ngày mới, năm mới bắt đầu. Nơi ra đi sẽ là chốn trở về ngày Tết. Vì nơi ấy, có mẹ cha ngóng đợi. Vì nơi ấy, con được sống với những cảm xúc của chính mình từ một món ăn, một tiếng nói, một nụ cười thân thương mà chẳng phải nhọc công tìm kiếm.
Chỉ mới vậy thôi mà con đã xốn xang, đã rộn ràng. Ngày mai thôi, chẳng phải là sớm đâu, con sẽ bắt đầu gói ghém, sắp xếp cho hành trình về quê đón Tết.
Nguyên Phúc