Về nguồn

30/01/2020 06:01

60 năm đã trôi qua kể từ ngày khu căn cứ Tỉnh ủy ra đời tại Măng Ri, hôm nay, trong khu vực rừng nguyên sinh cách đấy không xa, đã có những vườn sâm Ngọc Linh - loài “thuốc giấu” quý hiếm của đồng bào Xơ Đăng được khoanh vùng để trồng và chăm sóc, đánh thức một tiềm năng phát triển của người dân địa phương trong quá trình hội nhập và đi lên.

Vốn không còn xa lạ với Măng Ri nữa, nhưng mỗi lần tới nơi đây, trong lòng chúng tôi vẫn trào dâng cảm xúc thật khó tả. Cuối năm dương lịch, lúa đã gặt xong trên những thửa ruộng bậc thang chập chùng đồi núi. Đất khô khan đang chờ một mùa cuốc vỡ và gieo sạ mới. Trời rét, làng Ngọc La mây mù, nhưng tạnh ráo. Ấy vậy mà chỉ vừa băng qua con dốc dài, đến chân đồi chuẩn bị lên Khu di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum thì thời tiết dường như đã khác. Vượt qua hàng trăm bậc tam cấp rêu đá và những đoạn dốc cao, vòng cua để đến khu di tích, càng ngạc nhiên hơn vì trời mưa. Mưa núi cuối mùa không ầm ào dữ dội, chỉ rỉ rả thôi cũng đủ ướt sũng và lạnh tê người.

Khu di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum nằm về phía Đông Bắc xã Măng Ri, ở độ cao 1.900m so với mặt nước biển, giữa quần thể núi Ngọc Chao Chang, Ngọc Kô Chi, Ngọc Roong… trùng điệp của huyện Tu Mơ Rông. Sau gần 1 tiếng rưỡi cuốc bộ leo dốc, đến nơi, chúng tôi lọt thỏm giữa một vùng rừng núi. Giữa rừng cây hoang sơ, già tuổi là những mái lán tre, nhà nứa… đơn sơ. Cảnh quan, không gian làm việc của Tỉnh ủy Kon Tum ở khu căn cứ ngày nào đã được phục dựng ở đây.

A Duân - già làng Pu Tá dẫn đường cho chúng tôi đến với nơi này. Sắp tròn 70 mùa rẫy, người thấp nhỏ, nhưng già vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát. Leo lên đến khu căn cứ, chúng tôi đã mệt nhoài, còn ông vẫn tỉnh bơ, nói cười vui vẻ. Nhiều đoạn, ông cố đi chậm lại, lùi về phía sau để “ trông chừng” cho chúng tôi, vì e “các cháu không quen đường này, nhỡ xảy chuyện gì… Chứ già thì đã quen rừng quen rẫy từ hồi nào đến giờ rồi…” - ông nói nhỏ nhẻ.

Khu căn cứ Tỉnh ủy là điểm du lịch lịch sử ở Tu Mơ Rông. Ảnh: Văn Phương  

 

Già A Duân sinh ra và lớn lên ở làng Pu Tá của xã Măng Xăng, H80 ngày trước; nay là xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Tháng 8/1959, Ban cán sự Tỉnh ủy Kon Tum tiếp thu Nghị quyết 15 của Trung ương và chỉ đạo của Khu ủy Khu 5, xác định “Xây dựng tỉnh Kon Tum thành một tỉnh căn cứ Cách mạng, xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng vũ trang, bố phòng, chống địch càn quét, diệt ác ôn đầu sỏ, tổ chức học tập toàn đảng bộ và động viên chính trị trong tầng lớp nhân dân”. Cuối năm 1959, Ban cán sự Tỉnh ủy chuyển cơ quan từ Nước Chè (H29) về H80, chọn vùng núi gần suối Đăk Y Hai thuộc xã Măng Xăng làm nơi đứng chân, xây dựng căn cứ với vị trí chiến lược quan trọng.

Sau khi căn cứ Tỉnh ủy được chuyển về đây, tháng 4/1964, chàng trai A Duân xung phong đi thoát ly, làm liên lạc cho Tỉnh ủy, Tỉnh đội Kon Tum. Khu làm việc của Tỉnh ủy là nơi ông tiếp nhận và chuyển công văn, giấy tờ chỉ đạo của tỉnh đến các đơn vị, cơ quan, tổ chức đoàn thể ở vùng căn cứ. Công văn chỉ đạo của Trung ương, Khu ủy Khu 5 cũng được ông tiếp nhận và chuyển đến Tỉnh ủy, Tỉnh đội. Rừng núi hiểm trở, xa xôi, đi lại vất vả, khó nhọc; nhiều khi chân trần bùn đất, ông vẫn hăng say đi - về như con mang, con sóc, kịp thời chuyển công văn, giấy tờ đầy đủ, an toàn. “Mình nghe lời cán bộ, mình tin tưởng vào Bác Hồ vậy thôi. Còn sống thì còn tham gia cách mạng, không sợ cái chết đâu. Làm được việc gì cho cách mạng, cho cán bộ thì đều tình nguyện hết, mong sao đánh đuổi ngoại xâm, để cho nước nhà độc lập. Nhà mình có anh có em theo cách mạng, hy sinh rồi; còn mình, không xông pha thì ai tiếp bước đây...” - già A Duân chia sẻ.

 Căn cứ Tỉnh ủy tại Măng Ri được duy trì hoạt động liên tục trong 12 năm (1960-1972). Tại đây, Ban cán sự Đảng Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo bố trí lực lượng, gây dựng phong trào, tiến hành công tác và chỉ đạo tổ chức bốn kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Trong đó, hai lần đại hội được tổ chức tại chính vùng căn cứ này: Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I được tổ chức tại khu vực dưới chân núi Ngọc Ang gần làng Mô Gia vào ngày 9/3/1960 và Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II được tổ chức vào tháng 10/1965, tại làng Đăk Viên.

Căn cứ Tỉnh ủy có vị trí, vai trò chiến lược hết sức quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Bắc Tây Nguyên, góp phần tổ chức, xây dựng, củng cố lực lượng góp phần vào chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, giải phóng thị xã Kon Tum; góp phần đi tới Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975 đại thắng, thống nhất đất nước.

Thầy trò Trường TH-THCS Măng Ri về thăm khu căn cứ. Ảnh: Thanh Như

 

Tháng 8/2007, khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum đã được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Ngày ấy, để chào mừng sự kiện đáng nhớ này, Huyện đoàn Tu Mơ Rông đã tổ chức chương trình “Về nguồn” đầy ý nghĩa, thăm lại di tích lịch sử năm xưa. Ông Nguyễn Văn Hay - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Măng Ri kể: Lúc đó, điều kiện còn hết sức khó khăn, chúng tôi vẫn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên trong huyện hành quân “Về nguồn”, nhằm giáo dục truyền thống, phẩm chất cách mạng của thế hệ cha anh cho các bạn trẻ. Thời điểm này, đường sá đi lại rất khó khăn, phải đi bộ theo đường mòn lên khu căn cứ mất 5 - 6 tiếng đồng hồ. Tuy vậy, với tinh thần của tuổi trẻ, chúng tôi đã tổ chức thành công hành trình; thu hút khoảng 300 đoàn viên, thanh niên tham gia, để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm trong lòng mọi người.

60 năm kể từ ngày được chuyển từ Nước Chè, H29 (nay là xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông) về xã Măng Xăng, H80 (nay là xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông), Khu di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum đã được trùng tu, tôn tạo; trở thành địa chỉ “về nguồn” đầy ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cũng như điểm đến thu hút trong hành trình khám phá mảnh đất Bắc Tây Nguyên giàu truyền thống cách mạng. 

Thầy Huỳnh Phú Tân - giáo viên Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Măng Ri chia sẻ: “Hàng năm, nhân các ngày kỷ niệm trọng đại, ngày lễ lớn, nhà trường lại tổ chức cho các em học sinh dã ngoại, lên khu di tích, thăm căn cứ Tỉnh ủy năm xưa; cùng ôn lại chặng đường hoạt động, công tác của Tỉnh ủy ở đây. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo cũng cung cấp thêm thông tin về Khu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum thông qua môn học lịch sử, mà trọng tâm là nội dung lịch sử địa phương. Qua đó, vun đắp thêm cho các em tình yêu quê hương, đất nước, niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta”.

 Em Y Hai - học sinh lớp 8, Trường Tiểu học - Trung học cơ sở xã Măng Ri chia sẻ: Được nghe ông A Duân kể chuyện và được đến tận nơi thăm khu căn cứ Tỉnh ủy, chúng em thấy rất tự hào về quá khứ vẻ vang của ông cha. Chúng em hứa cố gắng học tập thật tốt để góp phần xây dựng quê hương Măng Ri giàu đẹp, xây dựng huyện Tu Mơ Rông và tỉnh Kon Tum phát triển.

60 năm đã trôi qua kể từ ngày khu căn cứ Tỉnh ủy ra đời tại Măng Ri, hôm nay, trong khu vực rừng nguyên sinh cách đấy không xa, đã có những vườn sâm Ngọc Linh - loài “thuốc giấu” quý hiếm của đồng bào Xơ Đăng được khoanh vùng để trồng và chăm sóc, đánh thức một tiềm năng phát triển của người dân địa phương trong quá trình hội nhập và đi lên.   

Thanh Như

Chuyên mục khác