“Về nghỉ rồi, còn viết nữa không?”

22/06/2021 05:52

“Về nghỉ rồi, còn viết nữa không?”. Đó là câu hỏi mà những người làm báo đã nghỉ hưu chúng tôi thường nghe, mỗi lần có dịp gặp nhau.

Sau bao năm gắn bó với nghề, miệt mài cùng từng trang viết, dường như, điều đó đã trở thành máu thịt, thành cuộc sống, là niềm vui của chính mình.

Người đồng nghiệp lớn tuổi nhận sổ hưu vài năm nay đã nói với tôi như vậy. Nhà ông ở phố, hai vợ chồng “son” vì con cái đã ra riêng cả. “Quanh quẩn cả ngày, lâu lâu, không cầm cái bút, không mở trang word cũng buồn buồn, như thiêu thiếu cái gì ấy…” - ông nheo mắt cười.

Hẳn là nhờ cái cảm giác “thiêu thiếu”, “buồn buồn” ấy, mà sau nhiều năm “rửa tay gác kiếm”, dường như, ông vẫn chưa hề ngưng có bài ghi tên trên mặt báo. Vốn là những bạn đọc “trung thành” của Báo Kon Tum, thỉnh thoảng, không thấy bài của ông,  anh em “hội hưu” lại alô hỏi han, nhắc nhở.

Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào? Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy đã thấm trong ông từ ngày chập chững vào nghề, đến giờ, khi đã giã từ anh em đồng nghiệp trở về, vẫn còn nguyên vẹn. Nó luôn nhắc nhở ông, cũng như  là mong đợi và kỳ vọng vào chính những dòng chữ được ông viết ra.

Về hưu còn viết, rõ là, trước tiên, hẳn vì say mê, yêu thích. Ảnh: TN

 

“Về nghỉ rồi, vẫn còn viết chứ?” , “Sao không”?

 Cho dù đã không còn đảm đương nhiệm vụ của người làm báo chuyên nghiệp, thì hiện thực cuộc sống xung quanh vẫn sôi động tiếp diễn, vẫn hằng hà thông tin cập nhật, bao nhiêu vấn đề rất đáng quan tâm. Dưới góc nhìn của người cầm bút “có tuổi”, tất cả như vẫn được đánh thức trong cảm nhận, nghĩ suy và thôi thúc hành động… Đôi khi, vẫn từng đề tài bình thường, quen thuộc ngày trước, song bây giờ lại được cảm nhận bằng một lăng kính mới, làm quen với một cách tiếp cận mới, và dĩ nhiên là được thể hiện, chuyển tải qua những hình thức khác, đa dạng và đa chiều.

“Viết như bọn mình bây giờ, thoải mái, thong dong lắm!” - Thêm lời chia sẻ của một đồng nghiệp cao niên vẫn còn “say viết”. Hẳn là thế rồi. Về hưu còn viết, rõ là, trước tiên, hẳn vì say mê, yêu thích. Trở lại với từng trang viết với tâm thế “tự do, độc lập” một trăm phần trăm chứ có “ràng buộc” gì đâu!

Thong dong, thoải mái, trước hết vì về hưu rồi thì không còn phải đứng trước bất cứ áp lực nào về thời gian nộp bài, kế hoạch đăng ký, nhiệm vụ phân công hay bất cứ khuôn khổ yêu cầu nào khác. Bởi vậy, mỗi người đều có thể viết một cách thoải mái, tự tin nhất, về những vấn đề, nội dung mà mình quan tâm, để ý nhất.

Với những người viết lâu năm, có thể nói, ở mức độ nào đó, kinh nghiệm về cuộc sống, công việc đã được tích lũy không ít. Bằng bản lĩnh nghề nghiệp, vốn sống quý báu và kinh nghiệm thực tế của mình, có thể yên tâm mà ghi nhận rằng việc chọn đề tài, nội dung phản ánh của các nhà báo về hưu không lo bị “chệch hướng”.

  “Về nghỉ rồi, còn viết nữa không?”, “Sao không?”

 Ngẫm lại, ý thơ “Đã mang lấy nghiệp vào thân…” quả chẳng hề sai, với nhiều hoàn cảnh, không ngoại trừ những người làm báo. Cái “nghiệp” ấy, chắc chắn không chỉ như “một thói quen” bình thường. Còn “mang vào thân”, ấy chính là lòng yêu nghề, niềm say mê được giữ lại sau những tháng ngày rong ruổi đi khắp đó đây và để lại dấu ấn của chính mình qua những sản phẩm “đặc thù” là bao nhiêu mẩu tin, bài viết.

Cái “nghiệp” ấy, cũng chính là mong muốn được thể hiện những điều mắt thấy tai nghe, những tâm tư, suy nghĩ, cảm nhận về cuộc sống đa chiều, sinh động, và mong muốn được đồng hành, sẻ chia cùng mọi người.

Phải chăng, đó chính là tình yêu với con người và cuộc sống của những người làm báo đã nghỉ hưu. Vì những mong muốn  tốt đẹp ấy, họ vẫn tiếp tục dấn thân, họ vẫn không ngừng đóng góp.  

Thanh Như

Chuyên mục khác