Về làng vui Tết Độc lập

29/08/2024 13:12

Gã hào hứng xách ba lô, máy ảnh lên đường về làng, nơi có những ngôi nhà, những nụ cười, những bữa cơm ấm cúng bên bếp lửa, và nhất là không khí Tết Độc lập hân hoan, náo nức đang vẫy gọi.

Từ cuối tháng Tám, bạn đã giục giã qua điện thoại: Tết Độc lập này, nhà báo nhớ lên chơi, đón tết với bà con đi. Vui lắm nhé!

Tiếng bạn khọt khẹt trong điện thoại do sóng yếu. Hẳn là cậu ta đang ở trên gò đất trước nhà.

Về làng ăn Tết Độc lập. Nghe sao mà náo nức, mà chộn rộn! Giống, mà không, còn hơn cả tâm trạng khi tết đến xuân về.

Với mỗi người dân Việt Nam, Quốc khánh 2/9 còn được gọi là Tết Độc lập, mang ý nghĩa và giá trị lớn hơn cả Tết Nguyên đán. Bởi đó là ngày ghi nhận mọi người dân được nhận lấy tất thảy giá trị làm người thiêng liêng, cao cả của mình.

Và trong đầu gã hiện lên ngôi làng nằm trên một con dốc nhỏ, ở cái khoảng nghiêng nghiêng, van vát giữa đồi và sông nơi biên giới xa xôi. Ở nơi ấy, nhà bao nhiêu gian thì bấy nhiêu gian đầy gió núi, gió sông. Chỉ cần mở cửa, là được ở giữa nghĩa tình xóm làng thơm thảo.

Cờ Tổ quốc nơi biên cương trong Tết Độc lập. Ảnh: H.L 

 

Bình yên nằm ở từng mái nhà, từng mâm cơm, trong bộ điệu lừng khừng, chậm chạp của chiếc công nông chở lúa trên đường. Ngay cả chú chó nằm cạnh cửa cũng chỉ ngóc đầu lên ngó rồi lại lim dim ngủ khi tôi đẩy cánh cổng bước vào.

Bình yên nằm ở bồn nước, nơi mấy bà, mấy chị đang cọ rửa chén đĩa, cười cười nói nói; mấy đứa trẻ đùa giỡn dưới gốc bằng lăng già. Trên các mái nhà, khói ấm bốc lên, ánh đèn nhảy nhót ở các ô cửa sổ.

Đi khắp làng, tuyệt không có nét mặt thăm dò hay ánh mắt nghi kỵ dõi theo. Không cái gì cho ta cảm thấy yên bình, gần gũi, thân thuộc như thế. Nó hợp với tính cách dân làng, khoáng đạt, cởi mở, và chân thật như cây rừng, như đá núi.

Sẽ rất bất ngờ đối với những ai lần đầu tiên đặt chân đến ngôi làng nằm chót cùng biên giới này vào đúng dịp đón Quốc khánh 2/9, bởi họ sẽ được hòa vào không khí đón Tết Độc lập vô cùng đặc biệt.

Bắt đầu từ ngã ba nối với quốc lộ, con đường hun hút chạy lên hướng Bắc nối thông với đường tuần tra biên giới, rồi ra sát ngoài biên, nhìn sang bên kia có thể thấy những mái nhà của dân nước bạn Lào, đã phấp phới bóng cờ bay.

Không chỉ vậy, từ con đường trải bê tông khúc khuỷu chạy xuyên qua làng, đến những con đường đất nhỏ, rồi cổng từng nhà, tất cả đều được trang điểm bởi màu cờ Tổ Quốc.

Năm ngoái, lần đầu tiên đón Tết Độc lập ở làng, gã đã được kể rằng, không phải ngẫu nhiên mà ở ngôi làng trên vùng biên bốn mùa mây phủ lại đón Tết Độc lập náo nức, hân hoan đến vậy.

Đối với họ, sự kiện trọng đại này được trông đợi nhất trong năm, mang ý nghĩa riêng, thiêng liêng lắm, như là kéo dài niềm vui từ các thế hệ trước về ngày đất nước ta, dân tộc ta trở thành đất nước độc lập, dân tộc ta bẻ gãy gông cùm nô lệ.

Thế cho nên bà con tổ chức đón tết thậm chí còn hơn cả Tết Nguyên đán. Từ cuối tháng Tám, dân làng đã bắt tay vô dọn dẹp nhà cửa; chuẩn bị vài ba ghè rượu, mua bánh mứt.

Treo ảnh Bác Hồ đón Tết Độc lập. Ảnh: HL 

 

Đến sát ngày thì nhắc nhau treo cờ Tổ quốc, cờ của nhà nào đã cũ hoặc sút chỉ, tuột mép sẽ được nhắc nhở để thay mới. Sau đó dọn dẹp đường làng ngõ xóm; chung nhau mổ heo, bắt cá suối. Mấy chị rủ nhau đi nghiền bột về làm bánh nếp; mua sắm quần áo mới, dép mới cho con.

Vào ngày 2/9, từ sáng sớm, các ngôi nhà đã mở rộng cửa. Trong khi gia chủ thành kính thắp nhang lên bàn thờ Bác Hồ và bàn thờ tổ tiên thì trẻ em xúng xính áo mới chờ lúc rời nhà tham gia hội vui với người dân trong thôn.

Nhà nào cũng vậy, việc chuẩn bị mâm cơm dâng cúng Bác Hồ và tổ tiên được chuẩn bị rất chu đáo, với các món truyền thống, chủ yếu được chế từ gà, vịt, heo.

Đặc biệt, nhiều gia đình còn gói và nấu các loại bánh đặc trưng của dân tộc mình như bánh chưng dài và bánh rợm. Trước là dâng cúng tổ tiên, sau là để tiếp đãi và làm quà cho khách đến chơi nhà.

Sau khi làm lễ dâng cúng Bác Hồ và tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết Độc lập và chia vui cùng con cháu, chủ nhà sẽ dọn mâm cỗ mời anh em, con cháu trong nhà và tiếp đãi khách.

Vui nhất là có khách xa tới chơi, ngay cả những người không hề quen biết cũng được bà con nhiệt tình mời về nhà uống rượu, tất cả trở nên dễ gần, dễ quen thân, dễ chuyện trò như thể sắp trở thành người chung nhà, chung ngõ.

Rồi mọi người cùng nhau đi thăm hỏi, chúc tết từng nhà. Nhà nào cũng chuẩn bị con gà, can rượu, bánh trái để đón khách. Từ nhà này, kéo sang nhà khác. Chiều đến thi đấu thể thao; tối lại tổ chức vui văn nghệ, hát các bài hát về quê hương, đất nước.

Lần đầu tiên ăn Tết Độc lập ở làng, gã cũng sà xuống bếp lửa hồng, được trao tận tay những miếng thịt nướng thơm phức, được chuyền nhau những bát rượu sóng sánh ủ, chưng cất theo đúng phương pháp truyền thống của người Thái.

Đêm ở làng trong veo. Giữa sân nhà, lửa đã rực hồng, ghè rượu đã nồng thơm mời gọi. “Uống với nhau một tí mừng Tết Độc lập”- chủ nhà kéo tay tôi nói. Không khí gắn kết và đầm ấm.

Khi ghè rượu thêm nước, cũng là lúc cồng chiêng vang lên, ban đầu thánh thót, trầm bổng, rồi ào ạt như suối nguồn về. Những chiếc chiếu gần đống lửa được cuốn lại, nhường chỗ cho những bước chân, những bàn tay mời gọi mở vòng xòe náo nức.

Ngày Tết Độc lập, giống như Tết Nguyên đán, ở làng không thể thiếu vắng tiếng chiêng ngân vang, không thiếu vòng xòe thắm thiết. Ngày Tết mà không có cồng chiêng thì dù có ăn nhiều heo, ăn nhiều bò thì cũng không mấy vui- người già  bảo nhau như vậy.

Câu chuyện dần trở nên cởi mở từ lúc nào không hay. Và đến khi  chủ nhà nói “tao coi mày như con cái nhà này” thì giữa chúng tôi đã không còn chút gì xa cách.

Gã chếnh choáng, hân hoan theo chân trai làng đi chơi. Mỗi nhà lại uống mừng gia chủ một ly rượu thơm nồng, ngọt dịu. Tối về lại đắm đuối với chiêng với xòe. Rồi thấy đời tươi hơn, bao nhiêu khó khăn trôi qua hết, thấy mình còn đủ  sức để đi tiếp.

Tết Độc lập đã về!

HỒNG LAM

Chuyên mục khác