Về làng

25/01/2023 13:39

Chiều xuân, vượt qua những cung đường đèo lưng chừng trời, qua những hàng cây đào đậu - hoa xuân của làng - khẳng khiu khoe sắc hồng, tôi về với ngôi làng nằm trong lòng thung. Bên bếp lửa nồng ấm, bên những con người mới đầu rụt rè, ngại ngần mà chuyện trò rồi mới thấy hồn hậu, chân chất, nồng nàn, quý khách vô cùng như xua tan đi cái giá lạnh của vùng cao những những ngày cuối năm.
Cảnh đẹp ở làng. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Biết bao lần về những ngôi làng xa xôi nhưng thấm đẫm nghĩa tình trên vùng đất Kon Tum ngập tràn nắng gió, tôi luôn cảm nhận rõ có điều gì đó tương đồng nhau, có nét gì đó na ná nhau. Xa xôi nhưng không xa lạ. Làng nào cũng vậy, cũng phong cảnh hữu tình, mây núi ấp ôm, đất trời bảng lảng. Người làng nào cũng vậy, cũng chân thành, nồng hậu, ấm áp và hiếu khách vô cùng.

Cứ nhìn cách người làng đón tôi, cứ nhìn cách tôi hăm hở về làng hẳn biết. Người làng chỉ ngần ngại chốc lát thôi, rồi cởi mở dần, chân thành, nồng ấm. Trong những ngôi nhà, già, trẻ, gái, trai quây quần bên bếp lửa, cùng uống những chén chè xanh đặc quánh hương vị núi rừng, cùng ăn chén cơm gạo mới, chia sẻ với nhau những buồn, vui… Còn tôi những chuyến đi về làng là để trở về với muôn nỗi thân quen và giản dị. Lần nào cũng vậy, cũng đứng thật lâu ở bậc cầu thang lên căn nhà sàn đã có những rêu phong nhưng vẫn vững vàng qua năm tháng, ngắm nhìn trời xanh, mây trắng, nắng vàng rải đều khắp làng. Cảm giác như ở làng trời mênh mang hơn, gió lồng lộng hơn và nắng cũng vàng hơn, cái màu vàng như  mật ong mà người già ở làng lấy trong rừng sâu mỗi mùa… Những lúc như vậy tôi cảm giác những gì ưu tư, phiền muộn không thể tới được nơi đây, mà có lên tới thì những cơn gió lồng lộng kia cũng sẽ thổi bay lên trời cao tít tắp, thổi bay vào không trung mênh mông.

Về làng. Ảnh: Sông Côn

 

Lần nào về làng tôi cũng tìm đến nhà già làng. Để được nghe những dòng ký ức đã qua, về những ngày lập làng, dời làng, về những truyền thuyết gắn liền với tên núi, tên sông.  Để được phiêu du cùng tiếng chiêng, cùng ngọn lửa ấm trong ngôi nhà mà mỗi người đều là những nghệ sĩ tài hoa của núi rừng ấy. Để được đắm mình trong không khí nồng ấm, chân tình, mà lần nào già cũng một, hai, mời cô đã về làng nhớ ở lại một đêm, dùng cơm với nhà già một bữa...

Mỗi lần vậy tôi lại thầm nghĩ, mình là khách, thể nào cũng say khướt. Nhưng không, cũng chẳng ai say khướt cả. Già bảo người làng giờ không uống rượu nhiều như xưa nữa rồi, gặp nhau uống chút ít cho má thêm hồng, cho buổi chuyện trò thêm nồng ấm, chứ còn giữ sức, còn dành thời gian lo việc rẫy, việc nhà. Xới chén cơm gạo mới mang đủ đầy hương vị đồng đất, gắp con cá suối um với hoa chuối, vít ghè rượu cần giữ lễ để thưởng thức phong vị ẩm thực của người làng mà ấm lòng. Vì cơm nóng, vì ghè rượu ủ đúng độ hay là tình người nồng thắm. Cũng chẳng biết nữa, có lẽ vì tất cả...

Quây quần bên mâm cơm cạnh bếp lửa ngay đầu hồi nhà mà thỉnh thoảng già bình thản đút thêm thanh củi, cời sáng thêm ngọn lửa, chuyện nhà, chuyện làng cứ miên man. Ngọn lửa bập bùng, thỉnh thoảng hắt ánh hồng soi lên gương mặt phúc hậu của già. Chuyện nhà trồng sâm dây, bán lá, bán củ thu được cả chục triệu đồng. Chuyện mấy sào cà phê xứ lạnh năm nay được mùa, được giá. Chuyện cả nhà quyết tâm cho thằng cu út đi học đại học chuyên ngành sư phạm nơi phố lớn, mong sao sau này về làm thầy giáo dạy đám nhỏ trong làng. Chuyện cả nhà nâng niu gìn giữ chiếc ghè bông cổ với những hoa văn, đường nét tinh xảo đã lưu truyền qua năm đời, mà người gần, người xa hỏi mua với giá bao nhiêu chẳng bán. Chuyện cả nhà ai cũng giàu chất nghệ sĩ, như già là nghệ nhân chỉnh chiêng, làm nhạc cụ, cô con gái được mệnh danh là họa mi của làng. Kể rồi, già vỗ nhẹ bàn tay, vỗ nhẹ lên mặt chiêng được già lau bóng loáng dựng ngay gần đó, còn cô con gái đôi mắt trong veo ngân nga bài dân ca, tiếng hát luồn qua thưng ván, qua cánh cửa ngân vang, tràn đầy sức sống… 

Giọng già chậm rãi, đều đều như những giọt sương rừng ngoài kia đang rơi nhẹ trên mái nhà xưa cũ. Còn những câu chuyện dài, hết chuyện nhà lại chuyển sang chuyện làng, cứ thế mà quấn quýt, đan xen vào nhau. Nhà bên năm nay có thêm cô con gái đi học đại học. Nhà đầu làng giờ là ông chủ của hơn chục héc ta rừng mới trồng, lại còn trồng cả sâm dây, sâm Ngọc Linh nữa. Cuộc sống đổi thay, ấm no hơn, nhưng nghĩa tình vẫn vậy, vẫn chân chất, ấm áp lắm. Mấy nhà khấm khá trong làng chẳng nề hà, ai cần học theo đều sẵn sàng chỉ bảo. “Cơm ăn không hết thì treo/ Việc làm chẳng hết thì kêu xóm giềng”. Mà già bảo chẳng đợi phải kêu, nơi mảnh đất với những con người đậm sâu nghĩa tình này, giúp nhau thành nét đẹp nghĩa tình, thành chuyện cả làng.

Nói rồi, già chỉ ngôi nhà sàn đôi vợ chồng trẻ mới ra ở riêng ở kế bên, cả làng cùng giúp dựng nhà cho ấy. Chỉ cần nghe vợ chồng trẻ trình bày, người già ở làng hướng dẫn, cắt cử, sắp đặt. Mỗi người mỗi việc, chẳng chút nề hà, so đo, tính toán. Đâu mỗi chuyện lớn làm nhà, chuyện thường ngày, chuyện rẫy vườn cũng vậy. Sống với nhau bằng tình người đằm thắm, hiền hòa, mộc mạc như cái cây, ngọn cỏ, như dòng sông êm đềm, người làng giúp nhau làm đất, giúp nhau làm cỏ, giúp nhau gặt lúa. Nhà này xong thì đến nhà khác, cứ như vậy cho đến khi lúa được đem về chất đầy kho. Cả làng cùng mở hội ăn lúa trong kho, cảm ơn Yang đã cho mùa màng bội thu, mong cho các cánh đồng trĩu hạt để đem lại ấm no, bình yên cho làng.

Bên bếp lửa. Ảnh: Quang Vinh

 

Bếp lửa vẫn bập bùng, thỉnh thoảng hắt soi vào ánh mắt thăm thẳm của già chất chứa bao niềm vui, bao hoài niệm. Cả nhà ngồi bên chăm chú, hồ hởi. Lắng nghe những câu chuyện kể miên man trong đêm sâu thẳm của núi rừng Ngọc Linh, tôi nhận ra ở đâu có yêu thương, có đùm bọc thì ở đó có sức mạnh vươn lên bền bỉ. Ở đâu có niềm tin, có ý chí thì ở đó nắng xuân, sức xuân sẽ tràn về.

Càng về khuya, bóng núi càng im lìm như đang ngủ, còn sương cảm giác như từ các vách núi lan ra mỗi lúc một dày, làm cho không gian ở làng thêm lạnh. Trong tấm chăn đắp thổ cẩm còn thơm mùi sợi mới, trong tiếng gió ngàn thầm thì, tiếng lá cây xào xạc và thỉnh thoảng là tiếng nổ tí tách nơi bếp lửa hồng mà trước khi đi ngủ già bỏ thêm gốc củi lớn, tôi lắng nghe những âm hưởng đại ngàn và nghĩ về những ngôi làng, về những con người ở làng. Uống nước từ suối nguồn Ngọc Linh hùng vĩ, ngồi dưới bóng cây kơ nia bốn mùa xanh mát, người ở làng luôn mang trong mình sự nồng nàn đáng yêu, đáng quý. Không vồn vã nhưng hiếu khách. Vừa chất phác, vừa nhiệt thành. Vừa dịu êm lại vừa phóng khoáng. Vừa tài hoa, nghệ sĩ lại vừa trọng nghĩa tình. Tất cả như ngấm vào từng hơi thở, như ngấm vào máu thịt. Và hẳn rằng, cũng sẽ như tôi, tình đất, tình người nồng thắm ấy, ai đã một lần về làng ở Kon Tum sẽ chẳng thể nào quên./.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác