Về làng

20/10/2020 13:06

Những kỉ niệm ở làng thật khó phai mờ. Đó là trải nghiệm thú vị đáng nhớ trong cuộc sống. Bởi thế, dù đi đâu, về đâu, dù làm gì, chỉ cần nhắc đến, lại muốn về Tu Thó để gặp người dân hiền dịu; để vui đùa với những em bé ngây thơ, trong sáng; để được ăn cơm với măng rừng, với cá khô; để được nghe những câu chuyện của làng… mà không phải nơi nào cũng có được.

Hớp xong ngụm trà, chị bạn thúc giục: “Tuần sau nhé! Vi vu một chuyến về làng”. Chỉ đợi có thế, tôi vui mừng đồng ý.

Làm cái nghề xê dịch, đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ, nhưng chẳng hiểu sao, ngôi làng Tu Thó ở mảnh đất Mường Hoong, Đăk Glei luôn để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm. Như một thỏi nam châm có sức hút cực mạnh, chỉ một lần đến đã thấy vương vấn, nhớ mãi. Đến nỗi, sau lần ấy, mỗi lần nhắc là lại muốn đi, bất chấp cả mưa, nắng, bão bùng.

Ngày ấy, Mường Hoong đón chúng tôi bằng cơn mưa mù trời. Gió lùa từng hồi, mưa tỉ tê, cái lạnh cắt vào từng đường gân thớ thịt. Ngồi co ro phía sau chiếc xe số cũ kỹ, mặc 2 lớp áo mưa, cơ thể vẫn nổi mẩn vì quá lạnh.

Mưa trắng trời nhưng sao Mường Hoong vẫn đẹp lắm. Trong tiếng mưa, vẫn nghe rõ mồn một nước suối chảy men khe núi. Nhìn lên phía xa, làng Tu Thó ở lưng chừng đồi. Những mái nhà nằm vắt vẻo lúc ẩn, lúc hiện trong màn mưa, đẹp nên thơ.

Về làng. Qua khe cửa, mùi khói bếp nồng nồng, cay cay phảng phất trong gió, quyện với hương của cây rừng, nghe nức lòng. Hầu như nhà nào cũng đỏ bếp, không chỉ để nấu mà còn để xua tan cái rét buốt. Nói là bếp nhưng mọi thứ được bày biện rất đơn sơ. Một cái kiềng được hàn bằng sắt đặt ở vị trí chính. Phía trên giàn bếp treo một chiếc nia to để đựng củi và vài quả bắp khô.

Về làng, mùi khói bếp nồng nồng, cay cay phảng phất trong gió, quyện với hương của cây rừng, nghe nức lòng. Ảnh: X.B

 

Ở làng nghèo nhưng bà con rất giàu tình cảm. Nồi cơm lúa bọc thép vương mùi khói được bê ra. Một đĩa cá khô, một chén nước mắm, một đĩa măng xào, chén muối lá é thơm lừng, vô cùng hấp dẫn. Lấy câu chuyện làm quà, dưới bếp lửa, mọi người rôm rả trò chuyện, như thể đã quen thân lâu lắm rồi. Bữa cơm đạm bạc giàu tình cảm, chỉ vậy thôi mà thấy ấm lòng.

Trên làng, không có sóng, bà con cũng không mấy bận tâm vì hiếm ai dùng điện thoại. Nhà cách nhau đôi bước, cần gì họ ới nhau. Có thức gì ngon cũng chia hàng xóm; có chuyện buồn cùng nhau san sẻ.

Đường sá trắc trở, mỗi lần xuống dưới xã, người dân phải đi bộ theo triền đồi, theo bờ ruộng. Bởi vậy, một hộ làm nhà, cả làng cùng đi cõng ngói, cõng gạch. Muốn bán con heo hay bao cà phê, cũng phải 5-6 người thay phiên nhau khiêng. Khó khổ, vất vả nhưng ai nấy đều rất lạc quan, lúc nào cũng chân tình, lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Nhiều người có điều kiện cũng chẳng muốn rời làng, bởi họ đã quen với nếp; quen với sương lạnh ban sớm, ban khuya; quen với việc tắt lửa tối đèn có nhau; quen với việc làm ruộng bậc thang, ăn cơm gạo lúa bọc thép.

Nếu như hơi ấm từ bếp lửa, những câu chuyện kể về thuở dời làng mang đến một giấc ngủ ngon thì tiếng gà gáy, âm thanh giã gạo đều đặn khởi động ngày mới lại mang đến niềm vui, đánh thức khách đường xa. Sáng thức dậy ở làng thật tuyệt. Sương trắng bảng lảng trên đầu những cành cây, ngọn cỏ. Chim hót líu lo như reo vui. Hít một hơi, hương thơm từ cây cỏ, từ mạ non, từ bùn đất mang đến cảm giác thoải mái, vô cùng dễ chịu.

Những đứa trẻ với đôi mắt to tròn, tóc hoe hoe bởi nắng nở nụ cười tươi trong trẻo, ngây thơ, đầy bẽn lẽn chào khách. Như những hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, các em bé với đôi chân nhỏ xíu, thoăn thoắt, nhanh nhảu dẫn khách đi tham quan một vòng quanh làng rồi vội vàng chạy đến trường.

Trường ở giữa làng. Chẳng có trống cũng chẳng có kẻng. Mỗi lớp được chừng mươi em nhưng cả thầy và trò đều rất hăng say dạy và học. Tiếng đọc bài văng vẳng, vang tới tận cánh đồng. Với các em, thầy cô là cha mẹ thứ hai và với thầy cô, học sinh và người dân chẳng khác người thân của mình.

Nghe khách chuẩn bị rời làng, chủ nhà thoáng buồn, gói nắm cơm nếp thơm lừng vào trong lá chuối kèm theo ít muối đậu; rót sẵn chai nước rồi bỏ vào ba lô, không quên dặn nhớ ăn kẻo đói. Hàng xóm nghe chuyện khách trở về xuôi, vội vàng chạy về nhà, gói ít măng khô, hái ít trái cây rừng làm quà. Tình cảm nồng hậu khiến thêm bịn rịn, chẳng ai muốn về.

Con đường càng xuống dốc, làng càng ở lại trên cao. Người dân vẫn đứng đó, với tay vẫy chào kèm lời chúc lộ bình an. Xa xa, trong tiếng gió xào xạc, nghe tiếng đọc bài trong trẻo của các em; nghe tiếng cuốc làm đất. Mỗi hành động, mỗi việc làm, đều nghe thấy lời yêu thương.

Những kỉ niệm ở làng thật khó phai mờ. Đó là trải nghiệm thú vị đáng nhớ trong cuộc sống. Bởi thế, dù đi đâu, về đâu, dù làm gì, chỉ cần nhắc đến, lại muốn về Tu Thó để gặp người dân hiền dịu; để vui đùa với những em bé ngây thơ, trong sáng; để được ăn cơm với măng rừng, với cá khô; để được nghe những câu chuyện của làng… mà không phải nơi nào cũng có được.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác