08/05/2020 13:02
Ừ, về làng mùa này để được ngắm những cánh đồng lúa, dẫu không thẳng cánh cò bay như ở vùng đồng bằng nhưng cũng đủ để trải dài ra trước mắt màu vàng miên man no ấm. Về làng để được ngửi mùi hương lúa mới theo từng cơn gió đưa duyên… Mùi hương ấy rất lạ. Có cả mùi dìu dịu, bịn rịn của đồng đất, có mùi ngòn ngọt, ngai ngái của lúa và cả mùi thơm tinh khiết, khô nồng của nắng. Mùi thơm ấy là thành quả bao tháng ngày một nắng hai sương của người nông dân, từ những ngày làm đất, gieo mạ, lo sâu, lo bệnh cho đến khi đơm hoa kết quả.
Lần về làng nào cũng vậy, mình đều dừng hẳn xe lại bên cánh đồng, như để được thưởng lãm lâu hơn thảm sóng vàng bội thu dập dờn theo từng cơn gió. Như để hít hà lâu hơn mùi thơm hương đồng cỏ nội vấn vương bao người.
Lang thang bên đồng ruộng đang sắp đến ngày thu hoạch, mân mê với hạt ngọc trời ban hay nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa là “hạt vàng làng ta” mình lại nhớ đến bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” xem từ khi còn nhỏ. Hình ảnh chị Duyên đi bộ trên cánh đồng làng thẳng tắp, với sân đình, chiếu chèo… thấm đẫm không gian văn hóa làng quê lại ghi dấu với mình cho đến tận bây giờ. Có lẽ như mình từng đọc ở đâu đó, phải đến một độ tuổi nào đó, mỗi người mới đủ tinh tế để cảm nhận được những điều thiêng liêng gắn bó với mình suốt một đời thơ bé.
|
Được tưới tắm sau một vài trận mưa đầu mùa, làng quê vẫn khung cảnh bình yên ấy, chỉ là sâu hơn, quyến rũ và tha thiết hơn. Những ruộng lúa như trải ra mênh mông, đồng cỏ như ngút ngát xanh hơn. Còn cây trái ở các nhà vườn như được rũ sạch bụi bặm qua mấy tháng trời khốc liệt của mùa khô cao nguyên khiến mình như lạc bước. Mấy tháng trời, từ những nụ hoa còn ủ mình, ẩn nấp dưới vỏ cây xù xì, dưới nách kẽ lá, chờ đến xuân sang ấm áp khẽ cựa mình, nhú lên những nụ, rồi dần bung hoa khoe sắc và cần mẫn chắt chiu vị ngọt đất đai xứ sở nuôi dưỡng cây trái mang vị ngọt ngon riêng có của Kon Tum. Giờ đây, bơ đã nặng trĩu cành. Nhãn đã mọng nước. Xoài đã xuộm vàng. Mít, sầu riêng đã nở gai… Tất cả đều đã ủ mật trong trái ngọt, sáng lên vẻ tinh tươm, dịu ngọt.
Mỗi lần về làng mình hay ghé vào nhà anh bạn nằm ven bên dòng Đăk Bla. Nhờ bãi bồi mà khoảnh lúa vàng óng ả, nhành lúa nặng trĩu bông; cây trái trong vườn trĩu quả. Có nhà lớn ở phố thị, không ở, anh lại thích về làng. Anh bảo, để được hít hà mùi hương chân chất của lúa, mùi ngọt ngào cây trái khi tháng năm về. Và để nhớ những lần mấy anh em anh ngồi đầu hồi nhà ở phố ngóng mẹ từ làng về. Đợi từ khi mẹ vượt qua mấy căn nhà, khuất bóng cuối phố đến khi ánh mặt trời xiên qua những kẽ hở bên vách nhà… Khi mẹ về, cả mấy anh em chạy ào ra cổng đón mẹ, níu chiếc giỏ bên tay thể nào cũng có đủ loại cây trái mẹ mang từ làng về. Rồi mẹ anh dịu dàng nướng từng trái bắp mới bẻ hồi chiều ở làng. Mùi khói, mùi bắp nướng cứ thế mà quyện vào, tỏa hương thơm khiến cả mấy anh em anh không thể nào che giấu được sự thèm thuồng. Mẹ anh đang nướng bắp mà chợt dừng lại, ngắm nhìn đàn con háu ăn bằng ánh mắt yêu thương, trìu mến… Giờ mẹ anh đã đi xa, anh thích về làng, về ruộng lúa, vườn cây vì hương thơm dịu ngọt của chúng đã thấm đẫm những giọt mồ hôi trên chiếc áo bạc màu của mẹ mỗi khi chiều về.
Chẳng có khoảnh đất ở làng như anh, mình chọn cách tìm về làng. Để được ngắm nhìn lúa ngô, cây trái; được ngửi mùi của ký ức – mùi khiến những người lớn lên từ đất quê ruộng làng luyến lưu. Mỗi lần vậy lòng lại bồi hồi như cố nhân lâu ngày hội ngộ.
Lắm khi, mình cảm thấy tiếc nuối vì không đủ khả năng để vẽ lại khung cảnh đẹp ở làng những ngày tháng năm về. Nhưng ngẫm lại, nếu không vẽ được, mình sẽ thường xuyên tìm về làng và cố thu hết vào tâm trí. Nên giờ đây, khi mình đang ngồi yên một góc ở phố, những hình ảnh lúa chín vàng, cây trái trĩu quả và cả mùi hương của chúng nữa, vẫn len lỏi trong tâm trí, trong hồi ức, như bông hoa nở mãi, không bao giờ tàn phai.
Nguyên Phúc