Vàng tươi cúc quỳ

20/11/2022 13:11

Thiên nhiên ban tặng cho Tây Nguyên nhiều thứ làm nên tính đặc trưng của một vùng đất. Có những thứ không thể tính bằng giá trị kinh tế, giá trị tinh thần, nhưng lại làm nên sắc thái riêng của một vùng đất. Và một trong những thứ làm nên sắc thái riêng một vùng đất đó là mùa hoa cúc quỳ, hay còn gọi là dã quỳ.

Cây cúc quỳ thường mọc tự nhiên, mộc mạc, hoa vàng tươi như màu nắng Tây Nguyên vào mùa khô. Giữa cái nắng, cái gió hanh hao, rét căm căm của mùa khô, hoa cúc quỳ vàng rực khoe sắc làm cho tiết trời mùa đông dường như ấm hơn. Những bông hoa cúc quỳ chênh chao, lung linh trước nắng gió, như thu gom ánh nắng mặt trời. Nhìn vào những đóa hoa cúc quỳ vàng rực giữa tiết trời se sắt, ta thấy lòng mình như được sưởi ấm thêm. Và ta cũng cảm thấy mình không lẻ loi, đơn côi trước sự bao la, bao dung của đất trời Tây Nguyên.

Trước những cơn gió cuốn khô lạnh, liên hồi của mùa khô Tây Nguyên như thời hồng hoang trong các câu truyện cổ, những đóa hoa cúc quỳ lung lay trước gió, khoe sắc vàng tươi cho ta cảm giác về cuộc đời đáng yêu, đáng sống. 

Nhìn vào hoa cúc quỳ, ta thấy đất trời như bừng sáng trước “vũ điệu” của gió mùa Đông Bắc. Nếu như hoa cúc quỳ nở vàng ở một miền nào khác, không có những cơn gió khô lạnh cuốn liên hồi, không có nắng vàng rực rỡ, chắc sẽ khó gợi nhiều nỗi niềm cảm xúc và miền liên tưởng như ở Tây Nguyên. Và nếu thế thì hoa cúc quỳ cũng khó đi vào thơ ca, nhạc họa và làm say đắm bao thi nhân trước sắc trời non nước như ở Tây Nguyên.

Hoa cúc quỳ khoe sắc. Ảnh: VN

 

Không phải ngẫu nhiên, trong nhiều năm qua, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai phối hợp với nhiều sở, ngành ở tỉnh này tổ chức Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya gắn với nhiều hoạt động truyền thống, trưng bày sản phẩm mang đậm văn hóa ở địa phương nói riêng và vùng đất Tây Nguyên nói chung. Thông qua các hoạt động này, du khách biết đến Tây Nguyên nhiều hơn, mến con người và văn hóa Tây Nguyên hơn. Và theo đó, nhiều sản phẩm của Tây Nguyên cũng theo người về xuôi và nhiều người còn tìm được cho mình “bến đỗ” ở Tây Nguyên.

Kể cũng lạ. Hoa cúc quỳ không dịu hương, không nồng nàn quyến rũ, nhưng lại có sức cuốn hút riêng. Ngay từ buổi đầu đặt chân đến Tây Nguyên, tôi cũng như  nhiều người bạn của mình đã “say”, đã từng thao thức trước hoa cúc quỳ. Và kể từ đó đến nay, tôi mãi gắn bó với Tây Nguyên và xem đây là quê hương thứ hai của mình. Không như ở nơi khác mà tôi từng đến,  mùa Đông thường gợi cảm giác buồn, mùa Đông ở Tây Nguyên đem lại cho tôi cảm giác ấm áp, rạo rực, phải chăng nhờ có hoa cúc quỳ, có nắng, có gió đặc trưng riêng, khác với các vùng miền khác. 

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến những ca từ “Em cao nguyên huyền thoại, em cao nguyên cỏ dại/Một cao nguyên ở trong tôi, vừa thật gần vừa xa xôi/Có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không mang tên, không mang tên người ơi” trong ca khúc nổi tiếng “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. 

Sự đồng điệu giữa cây cỏ, hoa, đất trời và con người Tây Nguyên khiến nhiều tác phẩm viết về Tây Nguyên sống mãi với thời gian và để lại nhiều dấu ấn trong lòng người nghe, người đọc.

Sẽ thiếu sót, nếu hoa cúc quỳ chưa gắn với những di tích, danh thắng ở tỉnh Kon Tum. Còn gì bằng nếu trên khu Di tích lịch sử Điểm cao 1015 (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy và xã Pô Cô, huyện Đăk Tô),  Điểm cao 1049 (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) trên dãy đồi Sạc Ly hay khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Chư Tan Kra (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy) huyền thoại được trồng lên đó những hàng hoa cúc quỳ vừa góp phần làm xanh lại khu di tích, vừa làm cho khu di tích ấm cúng hơn. 

Du khách sẽ biết đến Kon Tum nhiều hơn, nếu hằng năm tỉnh ta tổ chức các chương trình lễ hội, trình diễn dù lượn “bay trên đại ngàn” từ các đỉnh cao của khu di tích vừa để người dân, du khách tham quan dù lượn, thăm viếng các khu di tích, nhớ đến công ơn các anh hũng liệt sĩ vì nước quên thân, giáo dục truyền thống cách mạng và góp phần phát triển du lịch ở địa phương. 

Mùa hoa cúc quỳ nữa lại đến, tôi lại mơ đến một ngày nào đó hoa cúc quỳ vàng tươi khoe sắc trên khu Di tích lịch sử Điểm cao 1015, Điểm cao 1049,  Chư Tan Kra lộng gió, không chỉ làm an vui anh linh các anh hùng liệt sĩ mà còn làm say đắm lòng người và khiến du khách không thể nào quên Kon Tum. 

VĂN NHIÊN

Chuyên mục khác