Vang mãi khúc quân hành

26/08/2024 13:30

Sáng 25/8, bạn tôi gọi điện mời chiều sang nhà chơi, dự bữa cơm thân mật. Vừa là để kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công, vừa là mừng ngày truyền thống LLVT tỉnh, mà bố anh và anh đã và đang góp mặt.

Dù rất bận, nhưng tôi không thể từ chối. Bởi tôi biết rằng, năm nào cũng vậy, gia đình anh đều tổ chức bữa cơm thân mật vào ngày này. Hơn nữa, anh còn nói “ông cụ cứ nhắc cậu mãi”.

Nhắc đến ông cụ, trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh người lính già đứng trong Nghĩa trang liệt sĩ đọc bài thơ Đồng chí, một bên cánh tay áo phất phơ bay trong gió.

Thỉnh thoảng, chúng tôi đến nhà  chơi. Tôi thích ngắm ông cụ mỗi khi kể lại chuyện chiến đấu cho đám cháu nội ngoại nghe. Những mái tóc xanh chụm sát mái tóc bạc.

Đứa nhỏ nhất thường kéo kéo cái ống tay áo đang đung đưa của ông. Cánh tay ấy ông để lại trong chiến dịch giải phóng thị xã Kon Tum tháng 3/1975 của LLVT tỉnh.

Anh là con trai thứ hai của ông. Học xong phổ thông, anh theo bước bố mình, gia nhập đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Sau mấy chục năm trong quân ngũ, anh nghỉ hưu. Nhưng đội ngũ “quân nhân” thuộc LLVT tỉnh trong gia đình anh ngày càng đông.

Lực lượng vũ trang tỉnh làm công tác dân vận. Ảnh: T.H

 

Có người đang là sĩ quan tại ngũ, nhiều người phục viên, giải ngũ về nhà làm kinh tế. Ai cũng luôn cố gắng để xứng danh một quân nhân. Và rất vui khi thế hệ con cháu cũng có đứa muốn tiếp bước ông cha.

Mỗi lần dự bữa cơm thân mật ở nhà anh ngày 25/8, tôi đều ngắm rất lâu hình ảnh người lính già trong bộ quân phục, ống tay áo thõng xuống khẽ lay, đứng bên con trai cao lớn, cũng nghiêm trang trong bộ quân phục thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên.

Đẹp làm sao hình ảnh ấy. Nó làm ngân lên trong tôi hai câu thơ trong bài thơ Tiếng hát sang xuân của nhà thơ Tố Hữu: “Lớp cha trước lớp con sau. Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”.

Cả tôi, cả bạn và chúng ta đều biết, cờ đỏ sao vàng hôm nay không chỉ để kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công, mà còn là để chào mừng ngày truyền thống của Lực lượng vũ trang tỉnh.

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum yêu dấu luôn có những mốc thời gian trọng đại, phải ghi nhớ, mở ra trang sử mới vô cùng rạng rỡ trong hành trình phát triển. Và 25/8/1945 là một trong những mốc thời gian như vậy.

Ngày này, năm 1945, đồng bào các dân tộc ở Kon Tum vùng dậy giành chính quyền. Cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra nhanh chóng và êm thấm, không tiếng súng, dù chưa có tổ chức cơ sở của Mặt trận Việt Minh và cũng chưa có tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo.

Đồng bào các dân tộc Kon Tum hân hoan đi trong ánh sao vàng. Nhiều người vui trào nước mắt vì niềm hạnh phúc được hưởng tự do và độc lập sau bao năm bị kìm kẹp bởi thực dân, phong kiến.

Cũng vào ngày này, Đội giải phóng quân- tiền thân của Lực lượng vũ trang tỉnh (LLVT) được thành lập. Và chiến công đầu tiên chính là bảo vệ an toàn lễ mít tinh lớn được tổ chức ngay tại dinh tỉnh trưởng ở thị xã Kon Tum để tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng.

Đến đầu năm 1947, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của tình hình cách mạng trên địa bàn tỉnh, 1 đại đội bộ binh được thành lập, hầu hết là con em các dân tộc tại chỗ, lấy phiên hiệu là Đại đội 202.

Tháng 6/1948, Tỉnh đội Kon Tum và 2 Huyện đội Đăk Glei, Kon Plông được thành lập. Đây là bước phát triển cả về chất và lượng, đánh dấu sự lớn mạnh của LLVT tỉnh.

Chín năm kháng chiến chống Pháp, LLVT tỉnh phối hợp với lực lượng chủ lực Quân khu 5 mở nhiều chiến dịch và trực tiếp đánh 218 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên địch, thu 1.500 súng các loại, phá huỷ hàng trăm xe và phương tiện chiến tranh của địch.

Trong kháng chiến chống Mỹ, LLVT tỉnh tiếp tục mưu trí, dũng cảm, sáng tạo làm nên nhiều chiến công vang dội. Trong đó có Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước.

Đặc biệt, LLVT tỉnh là lực lượng chính, với sự phối hợp của bộ đội chủ lực (Trung đoàn bộ binh 9, Sư đoàn 968), giải phóng thị xã Kon Tum vào ngày 16/3/1975.

Chiến sĩ LLVT tỉnh tăng gia sản xuất. Ảnh: TH

 

Kể từ đó đến nay, trải qua từng giai đoạn, dù thuận lợi hay gian khó, khúc quân hành vẫn luôn vang lên, khi hào hùng, sôi nổi, lúc lặng lẽ, sâu lắng, nhưng mãi thúc giục, cổ vũ, động viên bao thế hệ thanh niên nhập ngũ, tiếp bước cha anh tô thắm thêm những trang vàng lịch sử truyền thống.

Nhiều người sẽ nhớ mãi hình ảnh cán bộ, chiến sĩ trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Vào những lúc cam go nhất, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã xung kích đi đầu, bước vào cuộc chiến mới, dù không tiếng súng nhưng khốc liệt, với kẻ thù giấu mặt, vô cùng nguy hiểm.

Trên dọc dài biên giới, đã có hàng trăm lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được Bộ CHQS tỉnh điều động tăng cường tại các đồn biên phòng, làm nhiệm vụ tuần tra, chốt chặn tại khu vực biên giới nhằm đấu tranh ngăn chặn các trường hợp vượt biên trái phép.

Ở tất cả các địa phương, lực lượng dân quân tự vệ cũng được huy động để theo dõi, quản lý công dân cách ly tại nhà; tham gia chốt kiểm dịch; bảo vệ khu cách ly; tuần tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch.

Tại các khu cách ly tập trung, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ đầm đìa mồ hôi nấu những bữa cơm ngon, trao tận tay người dân đang thực hiện cách ly cũng trở nên quen thuộc, khiến “bức tranh” chống dịch thêm phần tin tưởng, bớt phần căng thẳng.

Ngày nay, cùng với từng bước chuyển mình theo hướng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại hơn, LLVT tỉnh vẫn luôn cùng ăn, cùng làm, cùng ở với dân; là lực lượng nòng cốt, xung kích trong phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Và vì thế, ở bất cứ nơi nào, dù là xa xôi, hẻo lánh nhất, vẫn luôn vang mãi khúc quân hành!

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác