Vẫn chờ bánh thuẫn

21/01/2024 13:31

Vẫn còn nằm trong khuôn, song mùi thơm của bánh đã khiến thằng bé “cầm lòng chẳng đậu”. Không màng gì nữa với con quay, nó bước như chạy vào gian bếp trống mà bà và chị lớn đang bận rộn có lẽ từ trưa.

Những chiếc bánh đầu tiên đã nằm gọn trong cái rổ nan lót báo. “Bánh thuẫn, hì hì”. Nó ngồi chầu hâu, nhưng con chị bảo rằng phải chờ để thắp hương lên ông bà, rồi mới cho nếm thử.

Hồi nhỏ, bà đã quen với mùi bánh thuẫn. Bánh được làm từ bột mình tinh trứng gà (hay vịt) cùng với đường, vào mỗi dịp Tết đến. Đôi khi giỗ lớn, có nhà cũng đổ bánh, song vui vẻ, xôm tụ nhất, vẫn là chuẩn bị trước mùa đón năm mới.

Ngày ấy, nhà bà có chiếc khuôn đồng nặng trịch, bên ngoài cũ sần, song trong lòng luôn bóng loáng. Có lẽ, làm bạn với nó từ rất lâu rồi, nên má giữ gìn cẩn thận. Chỉ trước khi làm bánh một ngày, má mới nhẹ nhàng lấy ra từ chiếc hộp giấy được bao lại bằng túi nilon, cất trong góc chạn.

Nướng bánh trong khuôn. Ảnh: TN  

 

Má nói, bánh thuẫn phải làm bằng bột mình tinh để dành từ mùa trước mới tơi xốp, nở đều. Vậy nên, để bắt tay vào công việc này, bột cũ khô khan lại được đem ra phơi thêm lần nữa. 

Bột khô vón cục được dùng chai thủy tinh nghiền ra cho nát, rồi dùng rây rây, rây mịn. Nhớ là, chỉ lấy bột dưới mặt rây, chứ không dùng thứ cằn cặn ở trên rây. Thông thường, cứ 1 kg bột, thì kèm 800g đường và 10 trái trứng vịt (loại to). Nếu trứng gà thì cần chừng 15 trái.

Sau khi rửa khuôn, úp cho ráo nước, bao giờ má cũng chuẩn bị sẵn chiếc thau nhựa cỡ vừa và cái tô sành, chiếc muỗng lớn. Dĩ nhiên là không thể thiếu cái quạt nan để quạt bếp lò cùng than củi. Hồi chị Hai học lớp 8 đã có thể phụ má róc tàu lá chuối, bỏ hết lá vàng hay lá xanh, chỉ lấy một hai đoạn sống lá. Đoạn sống lá được cắt dài chừng hơn gang tay, một đầu chẻ hơi dập, dùng để phết dầu ăn lên khuôn, trước khi đổ bột vào.

 Bánh thuẫn không khó làm, song cũng cần trải qua từng khâu với ít nhiều khéo léo. Trước tiên, đập hết trứng vào chiếc thau nhựa, dùng tay đánh đều chiếc dụng cụ bằng inox xoắn hình lò xo, cho quyện hòa lòng trắng lòng đỏ đến khi “dậy” màu. Kế đó, bỏ đường kính trắng vào rồi tiếp tục đánh cho tan đường. Khi đường đã tan vào hỗn hợp trứng, thì cho bột vào đánh chung để quyện lại với nhau.

Với má, công đoạn này cần thong thả, nhẩn nha. Bột được bỏ vào từ từ, tránh vón cục. Cẩn thận cho bột vào đến đâu, đánh đều đến đấy để bột dễ nhuyễn. Tuy vậy, cũng cần để ý, trong khi công đoạn đánh trứng và làm tan đường với trứng còn khá nhẹ nhàng, thì khi đánh bột lại “nặng tay” hơn. Nếu không đánh mạnh và liên tục, bột có thể  bị “sượng”, bánh bị “chai”.

 Bột đã nhuyễn cùng đường và trứng chính là lúc cho thêm ít nước cốt gừng tươi, nước trái thơm cùng va-ni có mùi nhè nhẹ. Sau khi cơ bản hoàn tất nguyên liệu, hỗn hợp này được đậy lại, dành khoảng từ tiếng rưỡi đến hai tiếng đồng hồ cho bột “nghỉ”, trước khi đạt độ nở nhất định và mượt mịt.

Vẫn chờ bánh thuẫn. Ảnh: TN 

 

Má dùng cái bếp than làm bằng đất nung, lòng bếp tròn, khá kín, chỉ chừa phần cửa bếp và rỗng phần đáy bếp. Than hừng được gắp ra, đặt đều trên nắp  khuôn. Nướng bánh theo nguyên tắc than trên nắp luôn “già” hơn than trong lòng bếp, song vẫn cần lưu ý không để phần giữa nắp bị nóng quá nhiều.

Háo hức biết bao, là lúc đặt khuôn, rồi phết vào từng ô có mỗi hình thù khác nhau một ít dầu ăn, trước khi đổ vào muỗng bột. Mùi thơm thoảng lan thì mở nắp ra. 12 chiếc bánh nằm gọn trong khuôn cùng lúc nở đều, lại còn nứt ba bốn cạnh như cánh bông hồng sắc nét.

Bà bảo, sau này, việc làm bánh thuẫn đã thuận lợi hơn, nhờ có máy đánh trứng, trộn bột. Dầu vậy, cái cách đổ - nướng trong khuôn thì vẫn như xưa. Tiết trời se se, bên bếp than hồng nồng ấm, mẹ con bà cháu quây quần.

Bánh thuẫn dân dã, ngọt ngon. Ai như thằng bé, vẫn chờ ... Tết đến.

Thanh Như                                                                                 

Chuyên mục khác