Tưởng nhớ và tri ân

27/07/2023 13:04

Ngày 27/7 hàng năm là lúc thích hợp nhất để mỗi người Việt Nam tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng là để nhắc nhở chính mình sống xứng đáng với sự hy sinh lớn lao và thiêng liêng ấy.

Nhìn dòng người tìm về các nghĩa trang liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước, tôi rưng rưng xúc động. Đó là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống, đạo lý từ ngàn đời nay của người Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Đền ơn đáp nghĩa”.

Hoạt động tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công cách mạng còn được thể hiện bằng nhiều việc làm ý nghĩa trong tháng 7 như thăm hỏi, giúp đỡ, tặng quà gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng hay trao tặng quà, trao tặng nhà tình nghĩa cho các thương binh, bệnh binh…

ĐVTN thắp hương tại khu di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: S.C

 

Chiến tranh đã lùi xa, những đau thương, mất mát vẫn chưa thể nguôi ngoai trong tâm trí của những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người con mất cha. Có người nằm xuống ngay trên mảnh đất quê hương mình, nhưng cũng có biết bao anh hùng liệt sĩ hy sinh ở một nơi nào đó, dù đã tìm thấy mộ nhưng chưa biết tên và cả những anh hùng liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy mộ.

Biết bao nhiều người đã xót xa, nghẹn lòng khi đọc những vần thơ này:“Anh ở đâu khi đất nước hòa bình? Hai chiến tuyến đã không còn chia cắt/Mẹ mỏi mòn tìm anh rơi nước mắt/Vết chân chim như vết cắt trong tim...” (“Bài thơ “Anh ở đâu?” của tác giả Quý Phương).

Và biết bao người đã và sẽ nghẹn ngào rơi nước mắt khi đọc “Cuối năm viếng đồng đội” của tác giả Trần Đình Huân, trong đó có những vần thơ day dứt:“Tết sắp đến rồi còn đó nỗi đau/Lúc mẹ mất vẫn nói câu nhớ nhé/Tìm hài cốt đưa nó về bên mẹ/Nó hy sinh lúc trẻ vẫn đơn côi...”.

Dù luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, nhưng trong những nếp nhà, đôi khi ta vẫn bắt gặp những khoảnh khắc quặn thắt lòng khi chứng kiến cảnh mẹ già tựa cửa nhớ con, những người vợ nhớ chồng, những đứa con nghẹn ngào khi nhìn di ảnh cha. Đó là nỗi mất mát, sự hy sinh lớn lao không gì có thể bù đắp được.

Trong những bóng hình ấy có ngoại tôi. Ông ngoại hy sinh ở tuổi 28 tuổi, khi đó bà ngoại mới 26 tuổi.

Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: SC

 

Ngày ông hy sinh, bà đã phải rất cố gắng mới có thể đưa xác ông về nhà. Bởi ngày ấy, lính Mỹ tuyên bố, nếu ai giúp bà đưa ông về thì gia đình đó cũng là cộng sản, vì vậy bà không dám nhờ sự trợ giúp của bà con lối xóm. Rồi bà lại lén lút nhờ người đóng cho ông chiếc hòm, rồi gạt nước mắt chôn cất ông sau vườn nhà.

Ở cái tuổi hoa niên rực rỡ nhất, ngoại đã phải cắn răng nuốt nỗi đau mất chồng vào lòng, gồng gánh nuôi 4 đứa con thơ.

Dù cảnh đời, cảnh nhà khó khăn, vất vả, nhưng ngoại vẫn cố gắng chu toàn mọi việc, vẫn một lòng theo cách mạng, tiếp tục làm cơ sở nuôi giấu cán bộ, bộ đội.

Sau này con cháu có đứa thắc mắc sao hồi đó bà ngoại lại chôn cất ông ngoại ở gần nhà, bà ngoại nói: “Lúc còn sống ổng đi biền biệt, lúc chết phải để ổng được ở gần nhà; gần vợ, con”.

Nghe bà ngoại kể mà ruột gan con, cháu đứa nào cũng quặn thắt.

Trên đất nước Việt Nam ta, có biết bao nhiêu bà mẹ, bao người vợ phải chịu mất mát, đau thương như thế và hơn thế. Nhưng vượt lên tất cả, những người vợ, người mẹ, người con vẫn nỗ lực để sống sao cho xứng với sự hy sinh anh dũng của chồng, cha, ông mình.

Trong những nếp nhà, những người bà, người vợ ấy vẫn tiếp nối truyền thống gia đình giáo dục con cháu về tình yêu quê hương, đất nước. Con cháu cũng nhìn vào tấm gương của ông, bà, cha mẹ đã hy sinh để mà tiếp bước, nỗ lực vươn lên góp sức mình dựng xây quê hương, đất nước với tất cả lòng kính yêu và tự hào.

Hôm nay, mỗi người chúng ta được sống trong hòa bình, được có cơ hội thật tốt để học tập, phát triển, đó là nhờ công ơn to lớn của thế hệ người đi trước đã không tiếc máu xương để đấu tranh, gìn giữ hòa bình, độc lập dân tộc. Luôn biết ơn sự cống hiến, hy sinh của thế hệ cha, ông đi trước nên hoạt động tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công luôn là một phần không thể thiếu trong tâm thức của người Việt Nam vào mỗi dịp lễ, tết trong năm, đặc biệt là vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7) hàng năm.

Đó cũng chính là điều mà Bác Hồ đã căn dặn: “Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”.

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác