Từng tấc đất đớn đau

17/09/2024 06:08

Suốt mấy đêm qua, A Thưng không ngủ được. Cứ nhắm mắt là những hình ảnh tang thương nơi làng Nủ xa tít tắp lại hiện lên, xát muối lên vết thương mới liền sẹo trong lòng. 15 năm trước, tháng 9/2009, ngôi làng nhỏ của A Thưng cũng đớn đau từng tấc đất sau cơn cuồng nộ của trời.

Cơn lũ quét sáng 10/9 xảy ra ở làng Nủ đã vùi lấp mọi thứ. Cả ngôi làng với 37 nóc nhà lúp xúp bên cánh đồng trước đây, nay chỉ còn một bãi bùn đất. Sau cơn cuồng nộ của thiên tai, tang thương bao trùm ngôi làng nghèo nằm giữa đại ngàn. Từng tấc đất đều đớn đau.

Nhìn cán bộ, chiến sĩ nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn; chính quyền và người dân lo hậu sự cho các nạn nhân, lòng A Thưng đau lắm. Những hình ảnh ấy xát muối lên vết thương mới liền sẹo trong lòng.

15 năm trước, chỉ sau một đêm đầu tháng 10/2009, ngôi làng nhỏ của A Thưng cũng đớn đau từng tấc đất sau cơn cuồng nộ của trời. Cứ nhắm mắt là những hình ảnh tang thương đã qua ấy lại hiện lên.

Sau nhiều ngày mưa trắng đất trời bởi ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 9 (còn gọi là bão Ketsana) và hoàn lưu bão, con suối trước làng trở nên hung dữ, nước réo ầm ầm, lồng lên như đàn ngựa hoang, ngoạm từng mảng đất lớn trên bờ cuốn đi.

Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: T.H

 

Buổi sáng, cán bộ xã và thôn nói rằng, có thể dân làng phải chuyển lên trường học, ở đỉnh dốc cao hơn, ở tạm mấy ngày. Buổi chiều, cánh thanh niên báo rằng, ngọn núi đất sau làng đã no nước, đang nứt từng vết dài, chạy loằng ngoằng như con rắn lớn.

Cán bộ xã xuống vận động bà con di dời. Cán bộ nói, nếu người dân không dời khỏi làng thì rất nguy hiểm, bởi lũ lớn và nhất là sạt lở núi.

Một số gia đình đồng tình, trong đó có bố mẹ A Thưng, nhưng nhiều người già nhất quyết không chịu bỏ làng, bỏ nhà đi.

Cán bộ phải mất nhiều thời gian vận động, thậm chí thông báo nếu ai không đi thì sẽ cưỡng chế. Cuối cùng dân làng quyết định chờ trời sáng sẽ di dời.

Nhưng lũ về trong đêm. Bố mẹ A Thưng nháo nhào kéo con chạy. A Thưng, khi ấy mới 10 tuổi, tay dắt em, tay ôm bọc quần áo, sách vở chạy theo mọi người. Đúng là chạy lũ, vớ được gì thì ôm theo nấy.

Khi nhà A Thưng vừa chạy được lên trường học thì nghe những tiếng nổ lớn. Những người đến trước giật mình nhìn về phía làng, hoảng hốt hét lên khi thấy những mảng đồi lớn sau làng đang tuột xuống. Rồi loáng cái không thấy những mái nhà đâu nữa, bùn đất, đá quét phăng tất cả.

Mọi người bàng hoàng, có những tiếng khóc lớn. Từ phía làng, vẫn có những bóng người chạy đi, nhưng một số người không chạy kịp, phải nằm lại dưới ngổn ngang đất đá, cây rừng.

Khi điểm lại, không ai thấy gia đình anh A Tép đâu cả. Mãi đến khi bộ đội, công an tăng cường giúp dân tìm kiếm mới biết anh A Tép cùng vợ và con trai 16 tuổi bị vùi dưới đất. May mắn sao 3 người con khác của anh mới trở lại thành phố đi học nên thoát nạn.

Sau lũ, chính quyền huy động lực lượng bộ đội, công an giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ, sạt lở. Ngôi làng với mấy chục nóc nhà đã bị san phẳng thành bãi bùn đất. Dân làng đi nhặt nhạnh những gì còn sót lại. Tang thương bao trùm khắp nơi. 

Nhưng cũng những ngày này, A Thưng hiểu hơn về tình đoàn kết mà cô giáo thường nói. Họ tự giác làm việc, tự giác giúp nhau, sẵn lòng chia sẻ những gì mình có cho người khó khăn hơn.

Người dân các thôn làng ít bị thiệt hại hơn đã vận động nhau cưu mang, giúp đỡ những gia đình không may bị nước lũ cuốn trôi hoặc làm sập nhà. Khi nước rút lại hỗ trợ dựng nhà.

5 năm sau, khi A Thưng lên lớp 9, dấu tích tàn phá của cơn bão số 9/2009 vẫn còn hiện diện khắp nơi. Những sườn núi bị sạt lở, phô ra bộ mặt nham nhở. Những đoạn đường bê tông bị cuốn trôi, nứt vỡ. Vài ba ngôi nhà xiêu vẹo, trơ khung gỗ chưa tháo dỡ; những cánh đồng bị nước lũ san phẳng, lấp đầy sỏi đá.

Ủng hộ đồng bào vùng lũ phía Bắc. Ảnh: HL

 

Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, A Thưng xin về dạy học ở xã. Làng của A Thưng đã chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn. Cuộc sống người dân thay đổi từng ngày.

Sự thay đổi ấy không ồn ào, mà âm thầm và kiên trì ở từng góc bếp đang tỏa khói; ở từng mái nhà lợp tôn màu vững chãi; ở từng sườn núi, cánh đồng đã được phủ kín bởi màu xanh của lúa, bắp, mì, cà phê, sâm dây. Đường sá được mở rộng ra, kéo dài thêm.

Nhưng dân làng không quên nơi ở cũ, không quên nỗi đau cũ ghi dấu trên từng tấc đất. Nhớ để nhắc nhau không được chủ quan trước thiên tai. Nhớ để nhắc nhau về tình người trong hoạn nạn.

Có tiếng gọi trước nhà. A Thưng vùng dậy, khoác vội áo ấm chạy ra. Vài hôm nay, trời vẫn mưa, nhưng đã có lúc tạnh ráo. Đám học trò trong làng í ới trước cổng gọi thầy giáo cùng đến trường để quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ phía Bắc.

A Thưng thấy ấm lòng. Mong rằng, những “đốm lửa nhỏ” này sẽ góp phần xoa dịu đi nỗi đau trong từng tấc đất làng Nủ!

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác