Truyền lửa

30/07/2023 13:09

Có nhiều khi, một nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một lại được gìn giữ, được trao truyền qua các thế hệ bởi những phận người phụ nữ thầm lặng mà kiên trì, bền bỉ.

Lớp dạy nghề dệt kết thúc, sau gần 2 tháng miệt mài bên khung dệt.

Thời gian tuy có ngắn ngủi, nhưng với sự uốn nắn, truyền dạy nhiệt tình của các nghệ nhân, hơn 40 học viên, hầu hết là nữ và còn trẻ, đã dệt được tấm thổ cẩm mang đậm bản sắc của dân tộc Ba Na.

Điều ấy làm các nghệ nhân tấm tắc mãi. Có người nói, cứ tưởng đã quen với quần áo được cắt may bằng vải dệt hiện đại, không còn thích dệt, thích mặc vải thổ cẩm nữa, thì các con, các cháu sẽ phải học rất lâu. Ai ngờ nhanh đến vậy.

Thế mới biết, dù thời gian có xoay vần, dù ít người mặc trang phục truyền thống, váy áo thổ cẩm được thay thế bởi những bộ quần áo hiện đại, thì trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người phụ nữ Ba Na vẫn luôn ấp ủ tình yêu kỳ lạ với thổ cẩm.

Trong khi bạn bè cùng lứa phấn khởi khoe những tấm thổ cẩm đẹp, nhiều màu sắc do mình tự tay dệt được, thì Y Thi vẫn chưa thấy hài lòng, cứ quẩn quanh bên “cô giáo” Y Ble mãi.

Thấy vậy, bà Y Ble cười: Còn gì nữa sao, Y Thi?

Y Thi ôm lấy cánh tay bà Y Ble lắc lắc: Con thấy tiếc vì thời gian ngắn quá, chưa học hỏi được gì về cách pha màu nhuộm tự nhiên của người Ba Na mình.

 

Mỗi tấm thổ cẩm của người Ba Na được làm ra là một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ từ những nét cách điệu hình học. Ảnh: T.H

 

Nhìn đôi mắt sáng long lanh của Y Thi khi nói về thổ cẩm, bà Y Ble như thấy mình trong đó, một Y Ble mười mấy tuổi, cũng rạo rực tình yêu với thổ cẩm.

Bà ngoại Y Ble dệt giỏi nhất làng, không đúng, phải nói là cả mấy làng xung quanh. Khách hàng tìm đến mua sản phẩm dệt của bà nhiều lắm. Có khi vì mê những tấm thổ cẩm bà dệt mà đặt hàng trước cả mấy tháng. 

Không chỉ dệt giỏi, bà ngoại còn nhớ rất nhiều kiểu dáng hoa văn, dệt thành thạo các kiểu hoa văn đó. Còn rất giỏi trong cách nhuộm màu, phối màu tự nhiên cho thổ cẩm nữa. 

Vì thế, từ khi mới sinh ra, bên tai Y Ble đã văng vẳng tiếng thoi dệt lách cách, khi đôi mắt bắt đầu biết nhìn xung quanh, Y Ble đã thấy khung dệt bên đặt ở nhà chồ, đã thấy đôi tay thoăn thoắt luồn thoi của bà ngoại.

Lớn lên chút nữa, từ lúc biết chạy nhảy, trong khi chị em gái, bạn bè cùng lứa chạy nhảy, đùa nghịch thì Y Ble lại ngồi hàng giờ liền nhìn bà ngoại dệt thổ cẩm. Cũng không biết vì sao mà lại mê đến thế.

Trong những chiều mưa, ngồi bên nhà chồ dệt vải, bà ngoại lại kể cho Y Ble nghe sự tích về thổ cẩm. Chuyện rằng, xưa lắm rồi, Yă Pôm vì thương người Ba Na không có quần áo mặc, bị rét mướt, nên đã bày cho cách lấy bông mọc hoang trong rừng về se thành chỉ, dệt nên thổ cẩm.

Yă Pôm lại bày dệt những hoa văn là hình dạng các con vật hay đồ vật quen thuộc ở xung quanh cho tấm vải thêm đẹp.

Trải qua nhiều thế hệ, phụ nữ Ba Na đã sáng tạo ra hàng trăm kiểu dáng hoa văn khác nhau trên thổ cẩm. Thậm chí, người Ba Na cư trú ở mỗi vùng khác nhau lại có những kiểu hoa văn riêng biệt.

Nhưng dù có thể nào đi nữa thì tựu trung lại, thổ cẩm của người Ba Na thường có màu sắc tươi sáng, bay bổng như thể hiện ước mơ, khát vọng và ẩn chứa tâm hồn của người dệt.

Phụ nữ Ba Na trong trang phục thổ cẩm truyền thống. Ảnh: TH

 

Họa tiết trên các sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na thường trang trí đối xứng, phản ánh quan niệm triết lý về vũ trụ, triết lý âm dương, trời đất, thiên nhiên.

Cứ thế, bà ngoại truyền cho Y Ble tình yêu với thổ cẩm. Tình yêu ấy giống như than hồng, cứ lặng lẽ, bền bỉ nép mình trong sâu thẳm tâm hồn, có một chờ đến lúc bùng cháy.

Nhiều năm trôi qua, Y Ble lớn lên, thành người dệt thổ cẩm giỏi nhất làng, bà ngoại cũng già đi, rồi theo Giàng. Cô thiếu nữ Y Ble bây giờ cũng đã là bà, là nghệ nhân dệt thổ cẩm có tiếng cả vùng.

Giống như bà ngoại mình, bà Y Ble đang tích cực truyền tình yêu thổ cẩm cho những thiếu nữ Ba Na, như Y Thi.

Có khác chăng là ngày xưa, bà ngoại chỉ truyền cho con cháu trong nhà, bây giờ bà Y Ble dạy nhiều, rất nhiều học trò, đến từ nhiều làng.

Nhưng điều bà Y Ble chưa vui là đa số học trò học chỉ để biết cầm thoi, biết dệt, chứ rất hiếm người thật sự yêu thổ cẩm, và mong muốn tìm hiểu sâu về thổ cẩm như Y Thi đây.

Vậy cho nên, bà mới thấy bóng hình của mình mấy chục năm trước từ Y Thi. Và thấy thêm hy vọng.

Bà ơi! Thấy bà Y Ble ngồi lặng thinh, Y Thi gọi khẽ. Bà Y Ble như bừng tỉnh.

Y Thi này– bà nhẹ nhàng nói- Người Ba Na mình thường dùng các loại rễ, vỏ, lá của các loại cây rừng để nhuộm màu. Để có màu đỏ thì dùng rễ cây nhau, hoặc vỏ cây tơ nung; màu vàng dùng cây sơ ring, sơ rông hoặc rễ cây kơ tơ rơ; màu đen phức tạp hơn, từ lá trum (puội), vỏ ốc, hột cây thầu dầu (hơ rên), cây lơ pũi.

Đây đều là các loại cây rừng, chỉ những người có kinh nghiệm mới nhận biết được và lấy về kết hợp tạo ra các màu sắc khác nhau của thổ cẩm.

Với người Ba Na, màu đen tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của núi rừng, thiên nhiên. Chính vì vậy, trong tấm thổ cẩm của người Ba Na màu đen sẽ là màu chủ đạo kết hợp với với màu đỏ thể hiện khát vọng và tình yêu, màu vàng tượng trưng cho ánh sáng, và màu trắng thể hiện ước mơ.

Điểm nổi bật trên trang phục người Ba Na chính là những hoa văn được thêu dệt trên váy, áo. Đó thường là những hình khối đối xứng mang tính biểu tượng cao, lấy thiên nhiên làm hình mẫu, phản ánh quan niệm về vũ trụ, trời - đất, âm - dương.

Có thể nói, mỗi tấm thổ cẩm được làm ra là một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ từ những nét cách điệu hình học.

Muốn dệt giỏi, dệt đẹp, không chỉ cần kỹ thuật tốt, mà còn phải dệt bằng cả trái tim. Người dệt giỏi phải vừa phải biết tìm nguyên liệu tạo màu, phối màu, thiết kế, tạo mẫu hoa văn, thêu giỏi nữa.

Con sẽ cố gắng để làm được điều đó- Y Thi  nói một cách quả quyết.

Nó giống mình quá- bà Y Ble cười, có ý mãn nguyện.

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác