Trước ngày khai giảng

28/08/2023 13:01

Suốt chặng đường trở về, vượt qua những con dốc, hắn cứ miên man nhớ về nụ cười tươi rói trên gương mặt hai cô giáo trẻ đã 4 năm bám điểm trường nằm bên sườn núi để dạy chữ.

Gần sáng, hắn mơ màng thức giấc, không biết mưa đã tạnh chưa. Đêm qua, mưa sầm sập trút xuống mái nhà rông. Còn bây giờ, tiếng nước rớt trên những tàu lá nhẹ bẫng, làm hắn tự hỏi đó là sương hay mưa mỏng.

Hẳn là vẫn mưa, nhưng là thứ mưa gần như vô hình, chỉ có thể cảm nhận bằng da thịt- hắn thầm nghĩ. Ở bên cạnh, bạn đồng nghiệp vẫn cuộn mình trong tấm đắp, tròn như cái tổ sâu.

Có tiếng bước chân leo lên cầu thang nhà rông, rồi ai đó kéo liếp cửa kêu lạch xạch. Hắn chưa kịp hỏi thì đã nghe giọng A Hùng, cháu già A Phưng oang oang: Anh Hưng ơi, dậy chưa? 

Dậy rồi đây- hắn đáp, rồi với cái áo ấm khoác lên vai, bước ra ngoài. Những vạt rừng đen sẫm trải dài tít tắp. Yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy tiếng hơi thở của mình.

Trong tranh tối tranh sáng, khói đã tỏa ra từ các mái nhà, gặp sương đêm, không bốc lên cao được, cứ quẩn quanh dưới thấp. Giờ này, nhiều gia đình dậy nấu cơm, đem theo chuyến đi rừng.

Một lớp học ở vùng sâu. Ảnh: HL 

 

Hắn đánh thức đồng nghiệp, rồi cùng A Hùng ôm từng thùng sách giáo khoa đi về phía ngôi nhà lợp tranh, vách ván nằm bên trái nhà rông.

Hắn tới làng chiều hôm qua, đem theo một số sách giáo khoa, đồ dùng học tập (như cặp sách, bút, vở) vận động được từ bạn bè, người thân để tặng cho điểm trường. Sáng nay sẽ phát tận tay cho các em học sinh.

Vì lên muộn, hắn và đồng nghiệp được già làng dẫn về nhà. Sau khi cơm nước xong, hắn và đồng nghiệp xin được lên nhà rông ngủ. Cân nhắc mãi già làng mới đồng ý.

Nghề nghiệp khiến hắn mãi rong ruổi, mãi lang thang khắp nơi. Và trong một chuyến đi như thế, hắn đã đến ngôi làng nằm cheo leo sườn núi này.

Để lên làng, chỉ có một con đường độc đạo mảnh như sợi chỉ, quanh co, vòng vèo ôm lấy sườn núi.

Chiều qua, chạy xe máy lên làng, hắn dừng lại nhìn về phía sau, chỉ thấy thấp thoáng trong màu xanh bao la của rừng một vệt màu vàng, chính là đoạn đường mình vừa đi qua. Đi một lúc lâu, nhìn lại vẫn thấy cái vệt màu vàng đó.

Thiệt thòi về giao thông kéo theo sự thiệt thòi đủ thứ. Từ tiếp nhận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mua bán nông sản làm ra, chuyện khám chữa bệnh, chuyện xây dựng đời sống mới, đến chuyện học hành của con em.

May mắn thay, ở làng có một điểm trường nhỏ, với hai phòng học. Con em trong làng học hết lớp 2 tại đây, khi lên lớp 3, chân tay cứng cáp, có thể tự chăm sóc bản thân sẽ được gửi ra trường xã học bán trú.

Ở đây có hai cô giáo trẻ, cùng bám trụ ở đây được 4 năm, cùng ở trong gian nhà tạm bằng tranh tre dựng cạnh phòng học. Chứng kiến cuộc sống và công việc của hai cô giáo, hắn thấy cảm phục vô cùng.

Các cô kể, ngày đầu tiên nhận trường, nhận trò, trời đổ mưa dầm dề. Con đường ngập ngụa bùn đất. Chúng em phải bỏ xe, đi bộ vượt núi, băng qua những rẫy mì, rẫy bắp, đến điểm trường khi đêm đã khuya.  

Sáng ra, nhìn rừng núi âm u, nhà cửa lác đác bên sườn núi, trường lớp tạm bợ, dụng cụ dạy học thiếu thốn, suy nghĩ đầu tiên là... về nhà, làm gì cũng được. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cả hai lại bảo nhau “thôi thì cứ thử ít ngày xem sao”.

Ấy vậy mà tình yêu nghề, yêu trò giữ chân hai cô lại nơi này suốt 4 năm qua. Điều ấm lòng nhất là, dù ở đây nhà nào cũng nghèo y chang nhau, nhưng sống thân thiết, tình nghĩa lắm, và yêu thương cô giáo hết mực.

Hơn 1.400 ngày ấy, không thể tính được cô đã đi bao đêm, vượt bao suối, bao đồi mới duy trì được sĩ số học sinh cho lớp học.

Do cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân vẫn quan niệm “con chữ không no được cái bụng như làm ruộng, làm rẫy”, nên học sinh vắng học, nghỉ học thường xuyên. Cô giáo phải bám làng, bám hộ, phối hợp với già làng vận động người dân cho con em đến trường.

Mỗi lần nhắc đến chuyện này, người già lại nói “sương đêm trên dãy núi kia cũng không nhiều hơn mồ hôi cô giáo”.

Càng thấu hiểu những khó khăn của người dân nơi đây, các cô giáo càng yêu nghề, yêu trẻ hơn.

Cũng có lúc dao động, muốn chuyển đi, nhưng cứ nhìn thấy những đôi mắt đen sáng lên khi viết được một chữ hay làm xong một phép tính lại thấy thương, nghe dân làng nhắn nhủ  “cô giáo ở lại với dân làng lâu thật lâu nhé” lại thấy nhớ, lại nghĩ “ai cũng chọn nơi thuận lợi thì nơi khó khăn hẻo lánh này ai sẽ tới mang chữ cho các em”.

Thế là lại động viên nhau vượt mọi khó khăn để bám làng.

Ngoài giờ lên lớp truyền dạy kiến thức cho các em, các cô còn tìm cách giúp đỡ học sinh của mình. Em nào thiếu quyển vở, cây bút, cái cặp, thậm chí là đôi dép, bộ quần áo, đều cố gắng gom góp hoặc vận động hỗ trợ. Mỗi lần ra huyện, mỗi lần đến nhà bạn bè, các cô đều quyên góp sách vở, quần áo cũ mang về cho học sinh.

Lần ấy, các cô phân công nhau, một cô đứng cả hai lớp, một cô dẫn hắn đi khắp làng, giúp hắn hoàn thành đề tài đã ấp ủ từ lâu. 

Khi chia tay, hắn hứa sẽ quay trở lại, trước ngày khai giảng năm học mới. Và các cô có đề nghị hắn kêu gọi hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho các em học sinh ở làng.

Vì vậy, hắn và đồng nghiệp mới có chuyến đi này!

Ánh bình minh hình rẻ quạt bắt đầu ló lên như những ngón tay hồng sau rặng núi xám mờ còn ngái ngủ. Núi rừng, sông suối được khoác lên một tấm áo choàng dệt bằng những sợi tơ vàng mỏng manh nhưng quyến rũ.

Từ xa, một nhóm học sinh ùa tới, vây quanh những thùng hàng. Những tia nắng đầu tiên nhẹ nhàng đậu xuống làm sáng gương mặt của cô giáo trẻ.

Chuẩn bị một khởi đầu mới- một cô giáo cười, đỡ chồng sách giáo khoa còn thơm mùi mực từ tay hắn- Cô và trò cảm ơn các anh rất nhiều ạ.

Nhìn học sinh ríu rít như đàn chim non, từ trong thẳm sâu như có điều gì đó dội lên, vừa sâu lắng, da diết, vừa mạnh mẽ, nồng nàn.

Ngày khai giảng đã cận kề!

HỒNG LAM

Chuyên mục khác