09/09/2018 17:59
Ngày ấy, cô giáo ra đề bài tả chiếc trống trường em. Tôi lập tức nhớ lại ngày đầu theo chị gái líu ríu bước chân đến trường. Chẳng hiểu sao, trong ngày khai trường đầu tiên đó, với tôi, chiếc trống trường lại ấn tượng đến thế. Khi tiếng trống trường do thầy hiệu trưởng đánh cất vang báo hiệu một năm học mới chính thức bắt đầu, nhìn không khí trang nghiêm của các thầy cô, của học sinh toàn trường đã mang đến trong tôi một bầu trời mơ ước mới lạ.
Chiếc trống trường, tiếng trống khai trường năm học đầu tiên ấy đã đi vào câu chuyện của chúng tôi dọc cả đường về. Còn tôi tò mò mang bao câu hỏi về nhà: Chiếc trống làm bằng gì? Vì sao chiếc trống lại kêu to đến thế? Vì sao phải đánh trống? Vì sao khi nghe tiếng trống lại cảm thấy náo nức đến vậy?...
Và chẳng riêng lần đầu tiên đó, nhiều năm sau, khi tiếng trống khai trường vang lên, tôi lại thấy bồi hồi bao ước vọng…
Năm lớp 4, cô giáo ra đề tả về chiếc trống trường em. Văn chương khi ấy thật đến mức chẳng phải suy nghĩ nhiều. Ấn tượng về chiếc trống trường lần đầu tiên nhìn thấy đó sao mà to lớn, lại thêm màu đỏ của giấy dán càng tăng vẻ đẹp đẽ, uy nghi. Đã vậy, khi chiếc trống vang lên còn mang lại bao cảm xúc mới lạ…
Những liên tưởng về chiếc trống với chúng tôi khi đó chẳng xa xôi, chẳng hoa mỹ, mà thân thuộc, chân thật, quanh quẩn đâu đó trong sinh hoạt thường ngày.
Cô bạn hàng xóm khi tả về chiếc trống đã liên tưởng với chiếc chum sành, na ná nhau từ màu sắc cho đến hình dáng. Cậu bạn cùng bàn biết tả đến những vật liệu thiết thân làm nên chiếc trống; biết ví tiếng trống như chiếc đồng hồ báo hiệu giờ vào lớp, giờ ra chơi; tiếng trống đánh nhịp tập thể dục giữa giờ; tiếng trống vang vang như nói lời tạm biệt cuối mỗi buổi học. Còn tôi ví chiếc trống trường như người bạn thiết thân, giục giã chúng tôi bước vào một năm học mới với không ngừng nỗ lực học tập, bước đến chân trời tri thức mới...
Viết xong đoạn văn, tiếng trống trường vang lên báo hiệu hết tiết học. Chiếc trống trường hiện lên trên trang giấy và trong tâm tưởng với những hình ảnh, màu sắc, âm thanh chân thực, sống động và tràn ngập niềm tin yêu…
Nhớ lại trang văn học trò, nét chữ con trẻ, cảm xúc chân thực, tôi như thấy trẻ mãi với thời gian. Suốt mấy mươi năm trôi qua, thời gian có thể vô tình phủ lên mái tóc xanh ngày nào nhưng tiếng trống ngày khai trường vẫn vẹn nguyên cảm xúc của ngày muôn năm cũ. Thiêng liêng và nôn nao đến lạ. Tiếng trống trường vừa gợi nhớ đến những gì vừa rất đỗi thân quen – kỷ niệm tuổi học trò, hình ảnh trường xưa, bạn cũ, vừa háo hức chờ đón với bao nhiêu hy vọng, kỳ vọng gieo hạt, nảy mầm của những thế hệ kế tiếp.
Cậu con trai từng khoe bài văn tả về chiếc trống. Vẫn nét chữ con trẻ, vẫn những câu chữ chân thật, trong trẻo, dễ thương khiến tôi như tìm thấy mình trong đó.
Nhưng, đọc bài văn của con cảm giác thiêu thiếu điều gì đó. Con chỉ tả chiếc trống và tiếng trống vang lên trong ngày khai trường, trong lễ bế giảng hay trong các dịp lễ trọng đại. Cũng đúng thôi, cuộc sống hiện đại, các trường dần thay thế tiếng trống bằng tiếng kẻng hay tiếng chuông báo hiệu. Âm thanh khác nhau nhưng mục đích vẫn vậy. Chỉ có điều, có những âm thanh nghe mãi chẳng thể quên và cũng có những âm thanh nghe mãi chẳng thể quen.
Chợt nhớ đến nôn nao tiếng trống trường thân thuộc và hiên ngang trong bài văn năm ấy…
Nguyên Phúc