29/10/2018 07:04
Không ít câu hỏi đặt ra: Tại sao nhiều hộ nghèo được hỗ trợ vốn, cây con giống, con cái đi học được miễn giảm đóng nộp lại còn hỗ trợ sách vở, ăn ở, khám chữa bệnh được miễn phí, lại còn được hỗ trợ sinh kế để thoát nghèo… nhưng năm này qua năm khác, nghèo vẫn hoàn nghèo?
Tại sao trong khi những thanh niên tình nguyện hay các đoàn công tác về tận nhà hộ nghèo giúp sửa sang lại căn nhà, làm chuồng trại cho con bò, con trâu…, thì chính chủ nhà (người nghèo) lại xem như việc của ai, chẳng phải việc của nhà mình?
Tại sao sau mỗi đợt bình xét vào cuối năm, hộ đã thoát nghèo trình bày đủ mọi lý do để được quay trở lại hộ nghèo; hộ nghèo cũng cứ thế mà muốn… nghèo mãi, cho dù đã được tuyên truyền, giải thích nhiều lần?...
Tất cả cũng chỉ vì trông chờ, ỷ lại. Trông chờ, ỷ lại nên người nghèo thường thụ động, lười biếng, thiếu đi sự nỗ lực, thiếu đi ý chí vươn lên.
Trông chờ, ỷ lại nên người nghèo mãi cứ được chăng hay chớ, trông đợi vào sự hỗ trợ từ bên ngoài theo kiểu có bao nhiêu dùng bấy nhiêu mà không biết đầu tư, tạo sinh kế lâu dài.
Con số những hộ nghèo vì lười biếng, trông chờ, ỷ lại như thế này có lớn không, chiếm bao nhiêu trong tổng số 26.164 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh (theo kết quả điều tra cuối năm 2017)? Tuy chưa có con số cụ thể nhưng hẳn rằng không phải là ít và thực tế hầu như địa phương nào cũng có.
Còn nhớ, cuối năm 2017, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có trên 2.110 hộ nghèo phát sinh mới và 181 hộ tái nghèo. Không ít người cho rằng, không quá bất ngờ với con số này vì thực tế lâu nay, công tác giảm nghèo vẫn chủ yếu dựa vào ngoại lực – tức là sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước mà thiếu đi nội lực – tức là sự nỗ lực của người dân. Mà một khi bà con thiếu đi sự nỗ lực, thiếu ý thức vươn lên thì thoát nghèo rồi tái nghèo, phát sinh nghèo cũng là điều dễ hiểu.
Thậm chí, biết là “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, nhưng chưa nói đến tiền, đến gạo – những thứ có giá trị kinh tế, có thể sử dụng hay quy đổi được, mà đến cả những cây, con giống cũng vậy, lắm khi hôm trước mới được cấp phát, hôm sau đã đem ra hàng quán… đổi lấy tí rượu. Lười biếng, ỷ lại, đắm chìm trong những cơn say, nhiều người bỏ bê luôn chuyện làm ăn.
Có người được hỗ trợ cây, con giống, không đến mức đổi chác để lấy tí rượu, cũng xuống giống, cũng nuôi theo sự hướng dẫn của cán bộ, nhưng lại theo kiểu phó mặc, “được ăn cả, ngã về không”, thiếu đi sự chăm sóc nên cây trồng mãi chẳng được thu, vật nuôi mãi chẳng lớn.
Có người thì được giải quyết nguồn vốn vay, chẳng tính chuyện đầu tư vào làm ăn mà lại dùng số tiền đó có khi chỉ để mua chiếc xe máy thỉnh thoảng còn dạo phố cho bằng bạn bằng bè…
Đảng, Nhà nước, tỉnh thời gian qua đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho người nghèo. Nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, các hoạt động hỗ trợ trong Tháng vì người nghèo, Ngày vì người nghèo, Quỹ vì người nghèo…, nhiều người nghèo được trao cần câu, được chỉ đàng cho làm ăn, không chỉ thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn hướng dẫn cho những người xung quanh làm theo.
Nhưng, vẫn có những hộ nghèo không biết biến và thậm chí là không muốn biến nguồn lực đầu tư thành đòn bẩy, thành những chiếc cần câu hiệu quả để tự mình thoát ra khỏi nghèo đói. Họ tiếp nhận, thụ hưởng sự hỗ trợ như điều mặc nhiên, hiển nhiên. Họ đều đều nghèo, để đau ốm được hỗ trợ khám chữa bệnh, con cái đi học được hỗ trợ sách vở, đến mùa vụ được cấp cây, con giống, tết, lễ lại có quà, đói kém thì được cấp gạo…
“Miệng ăn núi lở” – cha ông ta từ xưa đã nói như vậy. Mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ dù có lớn đến đâu cũng sẽ trôi sông trôi bể nếu bản thân mỗi hộ nghèo thiếu ý chí vươn lên.
Và chính sự thụ động trong việc thụ hưởng, trông chờ, ỷ lại đã, đang và sẽ khiến cho những phận đời cứ thế mà trôi đi trong vòng luẩn quẩn: trông chờ, ỷ lại - nghèo - trông chờ, ỷ lại - lại càng nghèo…
Liễu Hạnh