29/08/2020 06:09
Hắn kéo cửa, bước ra ngoài, vươn vai, hít căng lồng ngực luồng không khí trong lành, mát mẻ. Lòng hồ vẫn chìm trong màn đêm. Mặt nước đen thẫm. Ngôi nhà bè dập dềnh theo sóng vỗ. Người với thiên nhiên gần nhau như hơi thở.
Nhiều khi hắn thấy mình là người “sành điệu”!
Nghề nghiệp cứ bắt hắn mãi rong ruổi, mãi lang thang. Hắn đã đi nhiều nơi, từ những ngôi làng nằm chênh vênh trên đỉnh núi, cả năm chỉ thấy “người ngoài” dăm ba lần (ấy là cán bộ xã, huyện- dân làng kể vậy), đến những mái nhà nằm chót cùng biên giới, mỗi người dân như một “cột mốc sống về chủ quyền” đất nước.
Hắn từng ngủ bờ ngủ bụi; ngủ trong lán của người trồng rừng, người săn ong; ngủ trên sàn nhà lạnh cóng nơi đỉnh núi; ngủ ở khách sạn hạng sang… Và mấy đêm qua, hắn ngủ giữa lòng hồ, trên một cái nhà bè suốt đêm cứ dập dềnh theo con sóng.
Vậy không phải là người “sành điệu” hay sao?
Xung quanh cũng có gần chục căn nhà nữa, hay đúng hơn là chòi, y chang căn chòi hắn ngủ. Cũng “đậu” trên lồng bè ghép bằng những phao nổi bằng thùng phuy, mặt lát tre, luồng; cũng không bao khép cửa.
Ờ, mà có cửa đâu mà khép. Chòi nào “sang” thì có tấm vải in hoa treo lên, cứ bay lất phất bởi gió. Hắn tự cười mình. Hồi tối, trước khi đi ngủ, hắn từng thắc mắc sao không thấy cửa nẻo gì hết trơn vậy, chủ nhà cười khùng khục: Ở đây không nhà nào cần phải có cửa, vì chẳng ai thèm nhòm ngó của ai cái gì.
|
Theo hắn, không có lời giới thiệu nào về con người nơi lòng hồ này ngắn gọn và đầy đủ đến thế. Chân thật đến bày cả gan ruột ra vậy. Lúc chiều, khi hắn khoác ba lô lò dò đến, chủ bè nhìn hắn lom lom: Đi đâu đây? Hắn cười cười: Trốn Covid. Rồi đi vào chòi. Chủ nhà cũng tiếp tục lúi húi làm việc. Cô con gái có mái tóc buông che nửa mặt cũng cười, nói với: Chú đi cẩn thận kẻo đá bay bình trà để dưới sàn chòi đó…
Không thể phủ nhận, hắn thích cuộc sống ở đây, thích những con người cư ngụ, lặn ngụp mưu sinh ở lòng hồ thủy điện mênh mông này nên hay kiếm cớ lên chơi. Mỗi lần đến, hắn thích được ngả lưng trên mảnh chiếu trải dưới sàn, giữa sóng nước lao xao, thoảng vị tanh nồng của cá, tôm, nói dăm ba câu chuyện tầm phào với chủ bè. Cảm giác thật gần gũi, thân thuộc.
Rồi khi chiều buông xuống. Từ những mái chòi đơn sơ, khói trắng cuộn lên, nhởn nhơ bay. Nhất định sẽ có vài ba chủ bè gầy độ “sương sương”. Người chai rượu, người nắm khô cá. Họ cười nói ồn ào trong tiếng sóng vỗ. Ngồi bên họ, hắn thấy lòng mình cũng cởi mở, rộng rãi, hào sảng hẳn lên.
Rồi kiểu gì thì gần hết bữa nhậu, cô con gái chủ bè sẽ bê nồi cháo cá bốc hơi nghi ngút lên, đặt vào giữa chiếu, xuýt xoa múc cho mỗi người một chén thật đầy. Trời ơi, cái mùi thơm của cá, của tiêu mới hít vào hơi rượu đã tan đâu mất, muốn xì xụp húp hết ngay chén cháo nóng hổi không thể chê này.
Sau đó, mà không còn sau đó nữa, vì muốn lăn ra ngủ!
Mà đúng là chưa thấy ngủ ở đâu thích như ở đây. Gian chòi luôn ngập tràn gió. Trong cái mùi nước hơi tanh, hơi nồng, mặn mòi của những giàn lưới phơi trên giá thoảng mùi béo ngậy của cá nướng. Chắc có nhà ăn cơm chiều muộn.
Chuyện ngủ ở nhà bè cũng khác với… trên bờ. Sau khi cùng với dăm ba chủ bè uống vài ly rượu ngâm sâm dây, chuối hột (gì chứ thứ này luôn sẵn), dằn tô cháo cá cho ấm bụng, ngà ngà say rồi, ta sẽ quay ra uống trà. Thứ trà bình thường đến không thể bình thường hơn, nhưng uống ở đây vẫn thấy đậm đà, thấy rưng rưng vị đời ngọt đắng.
Kết thúc tuần trà- cách gọi hóm hỉnh của chủ nhà bè, khách có thể nằm lăn ra chiếu mà ngủ. Chòi trên lồng bè thường không có ngăn phòng trong phòng ngoài, trừ khi nhà có con gái. Cũng chẳng cần mùng, chỉ một cái mền mỏng phòng khi gió lớn. Chủ nhà còn không cần cả chiếu, cứ ngả cái lưng trần đen đúa xuống sàn nhà đan bằng tre, nứa đập dập là được một giấc ngủ ngon...
Có tiếng bật quẹt gas lạch xạch. Nhoáng cái mùi khói bay lên. Ánh lửa bừng sáng gian bếp nhà bè. Hắn thò đầu nhìn vào. Cô con gái chủ bè tóc che nửa mặt hồi chiều đang lúi húi nhóm lò nấu nước. Ngọn lửa bùng to. Khuôn mặt ấy ngẩng lên, thấy hắn thì nhoẻn cười, hai mắt như chứa hết lửa trong bếp, rung rinh.
Giữa mênh mông sóng nước, dáng hình cô gái gợi nhớ, đánh thức dậy những cái gì sâu kín mềm mại nhất trong tâm tư mỗi người. Nó làm mát mẻ, tươi tắn lòng người đang đè nặng bức bối, lo lắng vì dịch bệnh. Nó điểm một dấu son tươi rói vào mặt hồ mờ sương và những vạt đất âm u.
Hắn vốc nước lên rửa mặt, vuốt vuốt mái tóc rối. Đã sống, phải cho đàng hoàng, đỏm dáng một chút, những âu lo cũng vơi đi.
Mấy ngày ở đây, chiều đi giăng lưới, gần sáng thu lưới; thích thì cho cá ăn, phơi khô cá, tối làm mấy li rượu rồi lăn ra ngủ, hắn thấy tâm hồn trở nên thanh thản, mọi suy nghĩ đơn giản, thẳng băng, bớt vẩn vơ nghĩ về những thứ phiền não. Ờ, mà mấy anh chàng “cạo bàn giấy” ở ngoài phố thị kia, nếu muốn hết chán đời, muốn thoát cái vòng luẩn quẩn nơi bàn giấy thì xin mời vào đây. Chỉ một ngày thôi, đầu óc sẽ sáng ra, lành mạnh ngay.
Ngay cả mấy anh bạn đồng nghiệp suốt ngày vò đầu bứt tai tìm ý tưởng, đang đêm vùng dậy ngồi lẩm bẩm như ma ám cũng nên đưa lên đây mấy ngày.
Hắn vẩn vơ cười với suy nghĩ thú vị ấy.
Không nghĩ đến thì thôi, nghĩ đến lại thấy nhớ. Giờ này ở cơ quan hắn, một số người đã lụi hụi ngồi vào bàn, bắt đầu một ngày đánh vật với chữ nghĩa. Một số em hối hả lên đường đến tuyến đầu phòng, chống Covid- 19. Có lo lắng đó, nhưng chưa bao giờ gợn lên ý nghĩ chùn bước.
Buổi sáng thở phập phồng trên mặt hồ. Mặt trời nhô lên, mặt nước chan hòa nắng, thứ nắng như sánh lại. Một chiếc xe bò lóc cóc chạy tới vạt đất ven hồ. Hẳn là hôm nay sẽ trồng mì trên bãi. Chủ nhà bè kéo dây xuồng, bước xuống, rồi quơ quơ tay: Đi thả lưới không?
Vậy đấy. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, dù còn bao gian khó, dù nỗi lo về dịch bệnh vẫn hiện diện hàng ngày.
Bỗng nhiên, hắn thấy mình như kẻ trốn chạy. Giờ này, bạn bè hắn, đồng nghiệp hắn đã bắt đầu ngày mới với bao bộn bề, lo toan, thậm chí nguy hiểm. Chưa bao giờ ý nghĩ trở về với công việc hàng ngày lại thôi thúc hắn đến vậy.
Hắn xách ba lô lên. Chiếc xuồng máy đè sóng găm mũi vào bờ!
Hồng Lam