Trở gió

22/11/2020 13:15

Hàng năm, thường khi trở gió, tức mùa khô về, là thời điểm lý tưởng để thực hiện những chuyến du lịch nghỉ dưỡng, khám phá Kon Tum. Và thể nào tôi cũng lại quay cuồng với những lễ hội của đồng bào các DTTS, với những sườn đồi bạt ngàn cà phê chín, với những con đường vàng rực dã quỳ.

Tôi tần ngần đứng trước ngôi nhà nhỏ chỉ cách sông Pô Kô một vạt đất, nhìn cái chuông gió mỏng manh treo trên cửa sổ.

Ting… ting… ting. Tiếng chuông gió gõ vào sáng, vui nhộn, trong trẻo. Dường như nó mới được treo ở đây thì phải. Hôm nọ chưa thấy? Tôi tò mò.

Chủ nhà cười hiền: Chỉ có trở gió, báo hiệu mùa khô đến thì mới treo ở hướng này chứ. Đêm qua trở gió rồi.

Ờ, trở gió rồi. Tôi thầm nhủ. Ở nhà, trên cửa sổ phòng khách, tôi cũng treo một chuông gió làm bằng thủy tinh. Nó mỏng manh và trong veo. Giữa những ngày mưa bão dầm dề, tôi vẫn chờ đợi một ngày cái chuông ấy rung lên. Nhưng sự chờ đợi năm nay khá dài, đến nỗi quên mất sự hiện diện của nó.

Cho đến đêm qua, khi đất trời còn mơ màng ngủ, và chủ nhà, hoàn toàn vô thức quờ quạng tìm tấm mền mỏng đắp ngang ngực, bỗng nghe hơi gió rất gần. Thoạt đầu, âm thanh ấy sẽ sàng từng giọt tinh tang, thoảng và e dè, như đứng đằng xa nhìn về phía chuông gió và đang ngại ngần không biết có nên bước đến không.

Rồi như nhận được cái vẫy tay nhẹ nhàng, gió mừng húm, ùa tới. Cái chuông gió quấn quýt, quay tròn, nhảy múa trong sự hừng hực, dạt dào của gió mùa. Cồn cào, nồng nhiệt mà cũng thật dịu dàng, lại se sẽ lạnh.

Kỳ diệu thế, dường như ngay khi những giọt mưa cuối cùng chạm đất, là gió cuống quýt về, báo hiệu chuyển mùa, như nói rằng vậy là đã lỡ làng lắm rồi.

Sau mưa lũ, bà con nông dân lại tất bật chuẩn bị cho vụ mới. Ảnh: H.L

 

Hàng năm, thường khi trở gió, tức mùa khô về, là thời điểm lý tưởng để thực hiện những chuyến du lịch nghỉ dưỡng, khám phá Kon Tum. Và thể nào tôi cũng lại quay cuồng với những lễ hội của đồng bào các DTTS, với những sườn đồi bạt ngàn cà phê chín, với những con đường vàng rực dã quỳ. Từ đầu tháng 10, những rặng dã quỳ xác xơ hoang dại bắt đầu lác đác trổ hoa, từng đóa, từng đóa xinh đẹp, tinh khôi như giục giã, gọi nhau, để đến những ngày cuối năm khi tiết trời vào độ lạnh nhất, thì đồng loạt bung cánh, khiến tất cả các cung đường, núi đồi thắm màu vàng rực như vừa được khoác lên tấm hoàng bào.

Và ít ngày nữa thôi, khi những quả cà phê chín mọng cuối cùng đã được hái, được sấy khô, dọn sạch khỏi vạt sân phơi, rẫy cà phê trở nên tơi tả sau một vụ thu hoạch được bồi bổ nhờ nguồn nước rạt rào ngày đêm sẽ bắt đầu e ấp những đốm hoa trắng tinh. Rồi bất ngờ, hoa bung nở chỉ sau một đêm, mịn nõn như tuyết phủ đầu cành, hương thơm ngào ngạt lan tỏa khắp buôn làng, phường phố, nhẩn nha những cánh ong bay.

Nhưng năm nay, tôi đón những ngày trở gió với một tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang. Nửa muốn gió về, nửa không muốn gặp.

Ngồi trên bậu cửa, tôi lẳng lặng nhìn dấu bùn đất của đợt mưa lũ cuối tháng 10 còn in trên sân gạch. Hôm ấy, nước sông đục ngầu cuồn cuộn dâng lên, ngập vườn, ngập ao cá, ngập sân gạch, mấp mé bậc hè. Vợ chồng chủ nhà giục nhau chạy lên trường mẫu giáo ngủ 2 đêm.  

Chủ nhà rủ rỉ: Tôi ở đây hơn 20 năm rồi, chưa thấy năm nào lũ về nhanh và lớn như thế. Mưa có một đêm, sáng ra đã thấy nước dâng đến bụi tre trước nhà, loáng cái ngập vườn cà phê quả đang hườm chín, rồi lên đến sân.

Anh là bạn cùng lớp với tôi từ thời phổ thông, vì hoàn cảnh khó khăn, bỏ dở chuyện học hành, theo anh chị vào Kon Tum làm rẫy. Ai ngờ, cuộc sống đưa đẩy, tôi cũng vào Kon Tum lập nghiệp. Tình cờ gặp nhau qua đám cưới con một người bạn chung, mừng thôi là mừng. Từ đó chúng tôi năng đi lại, chia sẻ vui buồn.

Nhà anh nằm bên đường Hồ Chí Minh, được bao quanh bởi cà phê, cao su và ao cá. Từ hai bàn tay trắng, làm thuê cuốc mướn, rồi dành dụm từng ngày, mua từng miếng rẫy, khai hoang từng khoảnh đất bạt ngàn lau lách cho đến lúc có cơ ngơi hôm nay với 3 ha cao su, 2 ha cà phê, 5 sào ruộng nước, 2 sào ao, gà vịt đầy chuồng… là cả một hành trình dài đằng đẵng và không hề thiếu gian nan, cơ cực.

Nhưng tôi chưa một lần nghe anh than vãn. Đôi khi anh còn tếu táo: Nếu cuộc sống của ông đã mệt nhoài, rã rượi bởi bon chen, tính toán rồi, nếu ho khan với khói bụi thành phố rồi thì về đây với tôi, đi cuốc đất, hái cà phê, kéo lưới vài hôm là đầu óc thanh thản ngay.

Những cơn gió se lạnh phóng túng vượt sông Pô Kô, rào rạt thổi qua vườn cà phê. Mới hôm trước lên thăm anh, tôi còn tấm tắc khen vườn cà phê tốt bời bời, quả trĩu cành đang ưng ửng chín, nhưng giờ xơ xác, tả tơi vì mưa lũ; nhiều cây ngã rạp, chờ người dựng lên, vun gốc, chăm bẵm.

“Trong đêm, cả nhà chạy lên trường mẫu giáo nằm trên gò cao. Cũng may, nước chỉ mấp mé bậc tam cấp rồi rút, chưa vào nhà, nên lương thực, tài sản vẫn còn, nhưng vườn tược, ruộng rẫy coi như mất trắng” - giọng chủ nhà khê đặc. 

Nắng lên cao. Chị vợ bưng bình trà ra cho chồng và khách rồi lúi húi soạn dao, cuốc. Sáng nay anh chị bắt đầu dọn dẹp vườn tược. “Vườn cà phê này bị nặng quá rồi, tôi muốn đầu tư trồng cây ăn quả, nhưng bà xã tiếc, muốn phục hồi lại. Bả nói, biết đâu được, vụ sau lại trúng mùa”- anh cười, ánh mắt chứa chan hy vọng.

Tôi giả bộ cúi xuống nhấp ly nước trà để tránh chạm vào ánh nhìn rực màu hy vọng ấy. Mấy thanh niên hàng xóm mà anh chị nhờ sang giúp việc cũng lục tục tới. Họ chụm lại uống trà, cười nói râm ran.

Trong câu chuyện, họ bàn chuyện thu hoạch nốt diện tích lúa không bị ngập trên chân đất cao; tìm thuê nhân công thu hái cà phê; rồi chuẩn bị tiền để mua ống, mua dầu dự trữ chuẩn bị chống hạn; thuê máy móc cải tạo mấy sào ruộng ở vùng trũng bị mưa lũ bồi lấp thành ao nuôi cá; nạo vét con mương dẫn nước về mấy sào ao; bố trí thời gian dọn dẹp thực bì cho vườn cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản… Toàn những việc cần làm ngay.

Tôi nhìn về phía bờ sông, thấy những chùm khói la đà bay lên trên bãi. Hẳn là có nhà nào đó gom rác, cành khô, củi mục sau mưa lũ để đốt. Một ngày như bao ngày của nhà nông bắt đầu. Mồ hôi sẽ rịn trên những khuôn mặt lam lũ, nhọc nhằn, nhưng gần gũi, thân thiện để mầm xanh vươn lên.

Gió giao mùa se sắt thổi.

Hồng Lam

Chuyên mục khác