Trăm năm bến cũ

01/10/2023 06:06

Bao năm qua, bến sông vẫn thế, điềm tĩnh nhìn sự thay đổi của làng. Nhà cửa được sửa sang ấm cúng hơn; đường liên thôn được mở rộng ra, kéo dài thêm.
Đò cập bến. Ảnh: HL

 

Làng nằm bên sông. Ở cuối làng, nơi có một cây gòn to cùng mấy bụi tre um tùm, là một bến sông. Nó thuê một căn nhà cạnh bến sông ấy.

Đó là một căn nhà không có cổng, rào, xung quanh cây trái xanh um, ở bãi đất sát mép sông có trồng mì, trỉa bắp. Nhìn nhà là hiểu người, chân chất, thật tình lắm, chân thật đến bày cả gan ruột.

Và nó lấy làm thích ý lắm. Bởi lâu rồi, nó luôn ấn tượng với những ngôi làng trong phố, với những Kon Rờ Bàng, Plei Tơ Nha, Plei Tơ Nghia, Plei Đôn…

Sự hiện diện ấy làm cho phố thị hiền hòa trong từng khúc ngoặt. Nơi đó có mái nhà rông thân thiện, có bến đò trăm năm, có người dân gần gũi, chất phác.

Cửa sau của căn nhà nhìn ra bến sông. Mỗi lần kéo ghế ngồi ở cửa nhìn về mênh mông ấy, nó lại tưởng tượng ra một bức tranh đa màu sắc.

Đó là một bức tranh luôn biến đổi. Khi thì là màn mưa mờ mịt trên sông. Những hạt mưa quấn quýt, dồn đuổi nhau, rộn rã reo vui, thánh thót như tiếng đàn của chàng trai miền sơn cước.

Khi là ngày nắng đẹp, trời cao và xanh. Nắng thì mênh mang, hừng hực. Gió thì cởi mở, phóng túng. Cây trái thì xanh rưng rức đến nao lòng.

Có lúc là ánh bình minh hình rẻ quạt ló lên như những ngón tay hồng sau rặng núi xám mờ còn ngái ngủ. Khi ánh nắng bắt đầu loang dần trên sông thì mặt nước cũng óng ánh vàng.

Đôi khi, bức tranh ấy cũng  trĩu xuống với những con tàu chở đầy cát ì ạch chạy qua.

Trải qua bao thăng trầm, bến sông vẫn gắn bó với làng. Ảnh: HL

 

Nhưng dù biến đổi thế nào đi nữa, thì trong bức tranh ấy vẫn luôn có hình ảnh con thuyền độc mộc thầm lặng rời bến hoặc cập bến, chờn vờn trên sóng nước.

Ngày xưa, khi chọn đất lập làng, người già phải chọn nơi bằng phẳng, có thể dựng được nhà rông, đặc biệt là phải gần nguồn nước. Có nhà rông, có bến sông mới là làng - già A Bưng, cũng là chủ nhà nói với nó như vậy.

“Dân làng muốn đi rẫy đều phải qua sông, từ bến này này”- già A Bưng cười, nhịp nhịp ngón tay về phía vài con thuyền độc mộc đang nằm gác mũi lên bờ nghỉ ngơi.

Ở những ngôi làng bám theo những khúc sông, dù là đã tồn tại hàng trăm năm hay mấy chục năm, đều có những bến sông như thế.

Dù có tên hay không tên, thì hầu hết các bến giống nhau ở lối đi thoai thoải theo triền sông, hai bên sẽ được trồng vài ba cây gòn hoặc vài bụi tre.

Nghe già A Bưng kể, trước đây còn khỏe, ngày nào già cũng lên rẫy, ngày mấy bận đi, về qua bến sông.

Khi còn thanh niên, ít khi già chèo thuyền vượt sông, mà thường từ bến bơi thẳng qua bờ bên kia là đến rẫy. Chiều ở rẫy về, có khi còn vừa bơi vừa cõng thêm gùi khoai, gùi bắp về nhà.

Trai tráng trong làng cũng thường bơi như vậy. Ngày mấy vòng sông, nắng cũng như mưa, nên ai nấy mạnh mẽ, vạm vỡ, ngay cả sốt rừng cũng không thể vật ngã.

Ngày nước lên, người lớn tuổi và phụ nữ ở làng thì dùng thuyền độc mộc để qua lại sông, để chở nông sản về nhà. Bởi thế mà ngày trước, nhiều nhà ở làng có thuyền độc mộc, neo đậu chật bến sông.

Trong tâm trí già A Bưng, trừ những ngày mưa lũ, nước dâng, còn khi nước yên, mỗi buổi chiều bến sông đều đông vui, vì đây còn là nơi sinh hoạt chung của cả làng. Đàn ông, phụ nữ, hay lũ trẻ con theo bố mẹ lên rẫy về đều tập trung tại đây để tắm gội, giặt giũ quần áo.

Bao câu chuyện buồn vui được bà con chia sẻ bên bến sông, góp phần củng cố thêm sự gắn kết trong cộng đồng.

Với người già, bến sông vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, gắn bó như máu thịt. Có lần, già A Bưng bị đau, phải vào bệnh viện ít ngày, ông nhớ bến sông đến nẫu cả người.

Khi được về nhà, con cháu biết ý, đưa ông ra bến, nhìn con nước dập dềnh xô mấy chiếc thuyền độc mộc, đón ngọn gió mát lành thổi qua, ông thấy khỏe hẳn ra.

Bây giờ bến sông của làng vẫn còn đó, nhưng qua sông đã có cầu bê tông vững chãi, chạy xe máy vèo vèo. Khi chở nông sản về đã có xe bò, xe công nông.

Dù vậy, không vì thế mà bến bị quên lãng.

Lũ thanh niên đi rẫy về, vẫn ra bến tắm gội, thách nhau bơi mấy vòng sông. Lũ con gái vẫn ra bến rửa tay chân, giặt chiếc áo lắm lem bùn đất cho người mình thương. Lũ con nít vẫn lùa đàn bò lội qua bến về nhà, khi ánh nắng chiều in xuống làn nước đục lờ đờ.

Và lúc gần sáng, vẫn nghe tiếng bước chân người lại qua, nghe mũi thuyền độc mộc chạm lịch kịch vào bến và lấp lóe ánh đèn pin. Ấy là khi vài con thuyền lui cui cặp bãi, kết thúc đêm săn “lộc sông” của mấy trai làng. Có thể tưởng tượng ra những khuôn mặt sạm nắng gió tươi tỉnh, dù thức trắng đêm, bởi mẻ cá tươi roi rói.

Bao năm qua, bến sông vẫn thế, mộc mạc nhìn cuộc đời cuồn cuộn đi qua, chứng kiến biết bao nhiêu thay đổi cuộc đời, người già già đi, bọn nhỏ lớn lên, lập gia đình, sinh con, vất vả mưu sinh. Và những đứa trẻ lại lớn lên.

Bến sông vẫn thế, điềm tĩnh nhìn sự thay đổi của làng. Nhà cửa được sửa sang ấm cúng hơn; đường liên thôn được mở rộng ra, kéo dài thêm. Những những vườn cao su, rẫy bắp, mì trải dài trên các triền suối, những sườn đồi, xanh mơn mởn.

Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất; biết dựng vườn trồng cây ăn quả, nuôi gia cầm, đào ao thả cá. Bà con không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà tự tay xây dựng cuộc sống mới cho mình.

Chiều nay, trời nắng ráo sau mấy ngày mưa dầm, già A Bưng chống gậy đi xuống bến, như để nhớ về những tháng ngày còn vùng vẫy cùng sông nước.

Và nó lại kéo ghế ngồi ở cửa nhìn ra bến sông!

Hồng Lam

Chuyên mục khác