Trái tim vui suốt dải đất ba miền

24/04/2023 13:36

Ngày Chiến thắng năm nay, ông Luân không đi thăm lại chiến trường xưa! Phần vì sức khỏe giảm sút, phần vì ông muốn chờ một số đồng đội từng vào sinh ra tử với mình thu xếp xong việc nhà.

Buổi chiều, ông cùng cháu nội thong thả đi viếng nghĩa trang liệt sĩ. Trong tay cậu bé là chiếc giỏ nặng trĩu hoa quả, nhang thơm.

Đã mấy năm nay, kể từ ngày nghỉ hưu và theo con trai vào sinh sống ở Kon Tum, ông Luân đều đặn đi viếng nghĩa trang liệt sĩ vào Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 và Ngày chiến thắng 30/4.

Trở lại vùng đất chiến trường xưa, nơi ông từng hiến dâng một phần máu thịt của mình, việc đầu tiên là ông Luân đi viếng nghĩa trang liệt sĩ của địa phương và nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của đơn vị cũ.

Ông xúc động vô cùng khi thấy nơi đồng đội yên nghỉ được chăm sóc chu đáo, được tu bổ, tôn tạo. Chính trong buổi chiều hôm ấy, ông đã gặp “các đồng đội trẻ”- ông gọi những chiến sĩ mới của đơn vị con trai ông như vậy- quét dọn nghĩa trang, lau bia mộ, trồng hoa trước từng ngôi mộ.

Vừa nhổ cỏ, vừa lắng nghe các chiến sĩ trẻ trò chuyện, tự đáy lòng, ông Luân cảm thấy nghĩa trang liệt sĩ như một điểm hội tụ lòng tri ân của toàn dân. Với dân tộc Việt Nam, lòng biết ơn và tri ân chưa không phai nhạt.

Cũng bắt đầu từ đó, ông Luân tích cực liên lạc cùng đồng đội cũ tổ chức các hoạt động giúp đỡ gia đình, thân nhân đi tìm mộ liệt sĩ hoặc thăm viếng nhân ngày lễ tết.

Thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: H.L

 

Chỉ cần nghe thông tin ở đâu phát hiện mộ liệt sĩ hoặc có gia đình ở tỉnh khác đến đơn vị của con trai liên hệ tìm mộ liệt sĩ là ông tìm đến, gặp gỡ và "xung phong" làm người dẫn đường.

Hàng năm, khi mùa khô đến, ông và đồng đội lại chuẩn bị hành trang thực hiện những chuyến về chiến trường xưa, kết hợp tìm kiếm những thông tin hữu ích về phần mộ đồng đội để cung cấp cho gia đình, thân nhân.

Ông hướng dẫn đứa cháu thắp nhang trên từng ngôi mộ, rồi run run cắm bó nhang vào lư hương trong chiều muộn. Ánh nắng nghiêng hắt bóng ông trước hàng bia.

Gió thổi qua, lửa nhang bùng lên, tâm can ông Luân như cháy bỏng khi nhớ lại những vần thơ quặn thắt.

Giải phóng đất nước thật rồi

Các anh cùng chị đứng ngồi nơi đâu?

Núi non hay chiến hào sâu

Theo con sóng biển đục ngầu dòng sông

(Các anh chị ơi hãy về!- Nguyễn Hường)

Trong những trận đánh ác liệt, bao nhiêu đồng đội của ông đã ngã xuống; nhiều người đã được đón về quê hương. Nhưng cũng còn không ít người, còn ở chiến trường xưa, thân xác gửi vào lòng đất mẹ.

Tất cả vì sự trọn vẹn của non sông, vì Tổ quốc thiêng liêng!

Ngày ấy, vì Tổ quốc, ông Luân, như bao chàng trai tuổi đôi mươi khác, đi vào chiến trường không tiếc đời mình, chất chứa trong tim câu hỏi lớn: Nếu ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn gì Tổ quốc?

Ngày ấy, ở quê nhà, mẹ ông nén nỗi đau vì ông là con trai một, tiễn con lên đường nhập ngũ. Vì nếu ai cũng giữ con trai ở nhà  thì lấy ai đánh giặc?

Chiến tranh không chỉ là sự phân chia chiến tuyến của sự hy sinh đối diện trực tiếp ngoài mặt trận dễ nhận thấy, mà chiến tranh ngay ở trong số phận của từng con người của những ranh giới mỏng manh, mà vượt qua nó  trong sự thầm lặng mất mát vô danh còn khó hơn nhiều.

Đại thắng mùa Xuân 1975 cũng bắt đầu từ những hy sinh thầm lặng vô giá như thế.

Để đến với Sài Gòn sáng 30/4/1975, ông và đồng đội đã vượt qua bao nhiêu cung đường, qua bao giới hạn, qua bao địa hình, qua bao số phận.

Một hành trình qua những giới hạn ngặt nghèo của số phận cả dân tộc và của mỗi người. Một hành trình dài qua biết bao hy sinh, từ hậu phương tới chiến trường, từ rừng núi xuống đồng bằng, từ vùng ven vào thành phố.

Ngày hòa bình đầu tiên, đơn vị ông ăn cơm chiều trong Dinh Độc Lập, một bữa cơm dã chiến mà “tăng vẫn dàn theo đội hình chiến đấu - Xích còn vương đỏ đất Phan Rang”.

Để có được bữa cơm của ngày hòa bình đầu tiên đó, ông và đồng đội- trong điệp trùng đội ngũ quân giải phóng tiến về Sài Gòn- đã thần tốc, táo bạo vượt qua muôn ngàn gian khổ, hy sinh; đạp bằng mọi lô cốt, bãi mìn, hàng rào thép gai.

Có những đồng đội đã ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn, ngay trước giờ phút hòa bình. Có những đồng đội đã ngã xuống, dù cờ giải phóng đã phấp phới bay trên nóc Dinh Độc Lập.

Và trưa 30/4/1975, giờ phút thiêng liêng, cả dân tộc reo mừng chiến thắng; những người mẹ, người vợ ôm chầm người thân; những người chiến sĩ giải phóng quân vỡ òa nước mắt “nước mắt của ngày gặp mặt”.

Muôn người như một, trái tim vui suốt dải đất 3 miền!

Trên ngôi mộ liệt sĩ nào nghi ngút nhang thơm. Nghe người quản trang kể, hằng năm, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên đều tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh máu xương vì Tổ quốc.

Những ngày lễ, tết thắp nén tâm nhang, bày tỏ lòng tri ân, sự kính trọng trước những anh hùng liệt sĩ đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Ông Luân hình dung tới hàng ngàn ngọn nến, nén nhang được thắp trên những ngôi mộ liệt sĩ, ánh sáng lung linh trong đêm mà thấy ấm lòng.

Lại thêm những đoàn người tiến vào nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có nhiều người như từ xa tìm đến. Ông Luân cũng nán lại thăm hỏi, chuyện trò. Ngày tháng Tư trôi qua chầm chậm, có lẽ bởi tình thương nhớ những người đã hy sinh vì Tổ quốc vẫn còn day dứt, đậm sâu trong lòng mọi người.

Ông hài lòng nhìn đứa cháu trai xăng xái cùng mọi người thắp nhang. Tình cảm biết ơn người đã ngã xuống vì Tổ quốc đã "thấm đều" qua từng thế hệ và sẽ nối dài mãi trong mỗi con người, mỗi gia đình, làng quê Việt Nam.

Ngày chiến thắng luôn là lúc để mỗi người nhìn lại những gì mình đã trải qua, đã làm được và nghĩ mình nên và có thể làm gì để xứng đáng với máu xương của cha anh đã đổ, và để cuộc sống tốt đẹp hơn.

HỒNG LAM

Chuyên mục khác