Tổ quốc gọi tên mình

13/03/2023 13:12

Khi nhìn dân làng Kon Rơ Wang, đủ già trẻ, lớn bé, nam nữ, đứng nghiêm chào cờ Tổ quốc dưới mái nhà rông, trong tôi trào dâng niềm tự hào và xúc động. Lẫn trong gió tháng Ba lồng lộng thổi, tôi như nghe tiếng Tổ quốc đang gọi tên mình.

Tôi từng được đứng dưới bóng cờ Tổ quốc tung bay nơi biên giới Đăk Glei, hát Quốc ca cùng bà con nơi đây. Những lá cờ đỏ sao vàng được bà con nâng niu, giữ gìn cẩn thận vô cùng, dù nắng gió vùng biên khắc nghiệt đến thế mà vẫn luôn tươi mới. 

Tôi cũng từng được tự tay cắm cờ Tổ quốc trên mái nhà bè lênh đênh trên lòng hồ thủy điện Sê San 4, nơi quần tụ của mấy chục hộ dân mưu sinh nơi thủy bạc. Giữa mịt mù sóng nước và mênh mông núi rừng, trong những đận gian nan nhất, lá cờ Tổ quốc trao cho chúng tôi sức mạnh và niềm tin vào tương lai tươi sáng- một dân chài thổ lộ.

Tôi nhớ tới lễ chào cờ cùng các chiến sĩ biên phòng nơi biên giới Ia H’Drai. Lá cờ vươn lên trên nền trời xanh thắm. Chúng tôi, già có, trẻ có, cùng hát vang Quốc ca và rưng rưng ngắm lá cờ kia đang uốn lượn mà tự hào, mà thầm hứa sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Lễ chào cờ chủ quyền tại cột mốc ngã ba biên giới. Ảnh: nhandan.vn

 

Tôi càng nhớ hơn lễ chào cờ chủ quyền đầu Xuân vào sáng mùng 1 Tết tại cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi). Giữa mênh mông núi rừng, dưới bóng cờ đỏ sao vàng, trước cột mốc chủ quyền thiêng liêng, chúng tôi đã hát Quốc ca với tất cả niềm tự hào.

Và sáng thứ Hai này, khi nhìn dân làng Kon Rơ Wang (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), đủ già trẻ, lớn bé, nam nữ, đứng nghiêm chào cờ Tổ quốc dưới mái nhà rông, trong tôi trào dâng niềm tự hào và xúc động. Lẫn trong gió tháng Ba lồng lộng thổi, tôi như nghe tiếng Tổ quốc đang gọi tên mình.

Tôi lặng lẽ đặt tay trên ngực- nơi trái tim- và hát vang, hát to Quốc ca, mắt ngắm cờ đỏ sao vàng trên cao.

Giai điệu hào hùng, như giục giã, như cổ vũ, như động viên ấy đã in đậm trong trái tim, trong ký ức tôi, từ khi còn là một học sinh trường làng. Mỗi buổi chào cờ đầu tuần, chúng tôi đứng bên nhau, khăn quàng đỏ trên vai, mắt nhìn cờ Tổ quốc, hát vang Quốc ca sau khẩu lệnh của thầy giáo.

Từng lời ca khiến máu chảy rần rần trong người và cảm thấy tự hào vì mình là người con của đất nước Việt Nam. Từng lời ca hào hùng như thúc giục hãy học tập, rèn luyện để ngày mai xây dựng đất nước.

Tinh thần ấy theo tôi đến mãi bây giờ. Và tôi luôn thấy tự hào, thiêng liêng khi được hát Quốc ca.

Dù sau này, việc sử dụng đĩa nhạc Quốc ca trong các buổi lễ chào cờ tại các cơ quan, tổ chức, trường học, các lễ kỷ niệm trở nên phổ biến, khiến nhiều người có “lý do” để không thuộc Quốc ca.

Dù có không ít ý kiến phàn nàn rằng, ngày càng nhiều người không nhớ và không thuộc Quốc ca. Nhất là thế hệ trẻ. 

Tôi không phủ nhận hiện tượng này, nhưng tôi nghĩ, đó chỉ là số ít, và tình yêu đất nước, lòng tự tôn dân tộc là những thứ tồn tại vĩnh hằng trong mỗi người.

Trên quê hương Kon Tum, hơn 20 năm nay, kể từ năm 2001, ở các thôn, làng đồng bào DTTS tại thành phố Kon Tum, cứ vào lúc 6 giờ sáng thứ Hai hàng tuần, dưới mái nhà rông và cờ Tổ quốc, người dân lại tập trung chào cờ đầu tuần và cùng nhau hát vang Quốc ca.

Vài lần đầu, bà con còn bỡ ngỡ nên đi không đúng giờ, có người tham gia không đầy đủ. Nhưng sau đó dần đi vào nề nếp, thành thói quen, nên đến đúng giờ, nghiêm túc khi chào cờ, hát Quốc ca to và rõ.

Đã là người Việt Nam thì phải chào cờ Tổ quốc và phải biết hát Quốc ca chứ- nếu bạn hỏi bất kỳ ai, tôi tin rằng đó sẽ là câu trả lời. Trăm người như một. 

Có được thấy, được nghe những cụ già hoặc em nhỏ, nói tiếng phổ thông không thạo, nhưng thuộc lòng và hát rất to, rất rõ Quốc ca ta mới cảm nhận rất rõ tình yêu quê hương đất nước trong mỗi con người bình dị ấy.

Sau lễ chào cờ, cán bộ thôn triển khai nhanh những công việc liên quan đến đời sống lao động, sản xuất, hoặc tình hình thời sự, các văn bản pháp luật để bà con nắm rõ và thực hiện.

Còn nữa, việc chào cờ, hát Quốc ca vào buổi sáng thứ Hai hàng tuần cũng được duy trì ở nhiều địa phương, như Ia H’Drai, Đăk Hà… Đem lại hiệu quả thiết thực trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, công chức, đảng viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân.

Có người nói: Không phải cứ yêu nước thì chào cờ và hát Quốc ca, và cũng không phải hát Quốc ca, chào cờ là cách duy nhất thể hiện lòng yêu nước. Nhưng tôi vẫn luôn nhắc nhở mình, và nhắc nhở những người xung quanh mình rằng: Nếu chúng ta không xúc động, không rưng rưng khi chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca thì đất nước sao có thể giàu mạnh?

Quốc ca, không chỉ là giai điệu và ca từ, mà ở đó hội tụ tinh thần dân tộc, hội tụ sự linh thiêng ngàn năm sông núi và khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam.

Hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào và trách nhiệm của con người Việt Nam với Tổ quốc và nhân dân.

Tôi tin rằng, mỗi khi những lời ca hào sảng cất lên, ngắm cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời, ai cũng sẽ thấy dâng trào một tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt.

Hồng Lam

Chuyên mục khác