Tờ báo tường “đặc biệt”

20/11/2023 13:20

Mấy ngày nay, nhóm bạn học từ thời cấp I của tôi náo nức chia sẻ tờ báo tường của trường cũ do các em học sinh tự tay thiết kế, trình bày để chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ngắm nhìn “tờ báo” ấy, lại rưng rưng nhớ về những ngày chộn rộn, náo nức đã xa.

Trên trang Facebook của trường cũ, hình ảnh về “số báo đặc biệt” do các em học sinh thiết kế, thể hiện đã nhận được rất nhiều lượt xem, thích, chia sẻ, bình luận, nhất là những cựu học sinh như tôi.

Và ai cũng đồng tình rằng, dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng mỗi Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 về, việc tổ chức thi làm báo tường với chủ đề tri ân thầy cô giáo vẫn giàu ý nghĩa.

Xem lại những hình ảnh này mà tôi rưng rưng nhớ về những ngày chộn rộn, náo nức chuẩn bị “xuất bản” tờ báo tường ngày xưa.

Thời cắp sách đến trường, trong mỗi chúng ta chắc hẳn ai cũng có kỷ niệm về tờ báo tường do chính các thành viên trong lớp mình đề xuất ý  tưởng rồi cặm cụi tô vẽ, trang trí đẹp đẽ, sau đó được treo trang trọng ở lớp học. Với tôi, việc làm số báo đặc biệt dành để tri ân thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo luôn là kỷ niệm ngọt ngào.

Lớp học của tôi ngày ấy chia thành 3 tổ. Mỗi dịp làm báo tường, thầy cô giáo chủ nhiệm cũng chia theo tổ và cấp phát cho mỗi tổ 1 tờ giấy Roki dày, một mặt trắng, mặt còn lại hơi sẫm màu, khổ cỡ A0.

Cùng chủ đề tri ân thầy cô giáo nhưng từng tổ sẽ lựa chọn một chủ đề cụ thể, lên ý tưởng và thể hiện sao cho sinh động, cuốn hút và mang lại nhiều ý nghĩa nhất.

 
Những tờ báo tường “đặc biệt” được các em học sinh đầu tư rất công phu và tâm huyết như món quà tri ân thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh S.C 

 

Để ra “số báo đặc biệt” chào mừng sự kiện quan trọng và ý nghĩa này, trước hết, chúng tôi cùng nhau thảo luận rất kỹ. Bởi trong thâm tâm, ai cũng nghĩ rằng, đã là “số báo đặc biệt” thì phải “có gì đó” thật đặc biệt.

Trước hết, chúng tôi tập trung cho việc chọn tựa đề, và cũng là chủ đề, cho tờ báo. Mỗi năm, chúng tôi sẽ chọn một tựa đề khác nhau, khi thì là “Tri ân thầy cô giáo”, “Chắp cánh ước mơ”; khi thì “Người lái đò”, “Thầy cô và mái trường”, “Cô giáo như mẹ hiền”, “Ơn thầy”…

Để có tờ báo tường hay và đẹp, chúng tôi bàn với nhau phải đảm bảo được hai phần đó là nội dung và hình thức. Ở phần nội dung, sẽ phác thảo sơ lược những “mảng” đề tài “cứng”, như lời ngỏ (phần mở đầu), bài chính (bài đinh), trang tâm sự, trang thơ, họa; rồi phần “mềm”, như sưu tầm thơ, nhạc, truyện cười để phụ họa cho chủ đề.

Căn cứ theo những “mảng” đó, chúng tôi phân công nhau thực hiện các khâu, tùy vào năng khiếu của mỗi bạn. Nguyên tắc hàng đầu là, dù mỗi người một bài viết khác nhau, nhưng tất cả đều phải làm sao toát lên được nội dung chính cần truyền tải.

Ở phần hình thức trình bày, những bạn khéo léo, viết chữ đẹp, có “hoa tay” một chút sẽ xung phong đảm nhận thể hiện. Nếu số người có “hoa tay” nhiều sẽ thành lập nhóm để việc trình bày thêm đa dạng, phong phú. 

Dù là phụ trách ở phần nội dung nào, chúng tôi cũng rất trách nhiệm và luôn trăn trở, tìm tòi để sản phẩm của mình làm ra sẽ là món quà thật ý nghĩa dành tặng các thầy cô giáo.  

Hồi ấy, đứa nào được giao viết lời ngỏ là thích lắm. Nội dung chủ yếu của lời ngỏ là nói lên tình cảm, sự biết ơn vô hạn của học trò đối với các thế hệ thầy cô giáo. Cho nên, mỗi lần làm báo tường, gần như cả nhóm vây quanh đứa được giao viết lời ngỏ để “hiến kế”, bởi trong tâm tư đơn thuần của trẻ nhỏ, chúng tôi coi đây là cơ hội để nói lên nỗi lòng mình cùng những tình cảm, sự biết ơn vô hạn đối với thầy cô. Từng lời văn trong sáng, mộc mạc đã được viết lên, khiến ai đọc xong đều không khỏi xúc động về tình thầy trò, về sự dìu dắt giúp đỡ của thầy cô giáo, ươm mầm những ước mơ, hoài bão cho biết bao thế hệ học trò.

Ngày ấy, con thuyền tri thức cũng là hình ảnh mà chúng tôi rất thích vẽ để minh họa cho tờ báo tường của mình. Trên con thuyền tri thức vượt sóng ra khơi ấy, bao giờ cũng có hình ảnh của những thầy giáo mái tóc hoa râm đứng trên bục giảng, những cô giáo đêm đêm miệt mài bên ánh đèn soạn giáo án để ươm mầm tri thức.

Để tờ báo tường không bị cong, cuốn, chúng tôi thường nhờ người lớn lấy hai thanh tre (hoặc thanh gỗ) nẹp hai bên đầu tờ giấy lại. Nẹp xong ngay ngắn, chúng tôi lấy một sợi dây cước (hay dùng để câu cá) cột vào thanh tre hoặc thanh gỗ đã nẹp tờ giấy ở phía trên để treo vào tường cho dễ.

Nếu năm đó mà “tờ báo” của nhóm đạt giải thì vui khỏi nói. Người đứa nào đứa nấy cứ lâng lâng cả tuần.

Ngày 20/11 năm nay, ngắm tờ báo tường của các em học sinh trường cũ mà bao kỷ niệm một thuở cắp sách đến trường ùa về. Nỗi nhớ mái trường, thầy cô giáo, nhớ không khí ngày 20/11 với những tờ báo tường đầy tâm huyết để tri ân thầy cô giáo làm tôi mãi xao xuyến, bâng khuâng.

Sông Côn

Chuyên mục khác