09/05/2021 06:07
Mẹ ơi, hôm qua, đọc truyện ngắn “Mẹ điên” của nhà văn Vương Hằng Tích (Trung Quốc), con – bây giờ là mẹ của hai đứa con - đã khóc sướt mướt như một đứa trẻ. Dù người mẹ ấy bị điên, không hề được bế bồng, chăm sóc con, thậm chí còn bị xua đuổi, đánh đập khi mon men lại gần, nhưng tình yêu thương dành cho con mình luôn xuất phát từ trong trái tim là điều không một ai cấm cản nổi. Hình ảnh gần kết truyện là người mẹ điên vì biết con mình thích quả đào dại (dẫu người con lỡ lời vô tình khen trái đào dại ngọt) mà cố hái cho bằng được nên trượt ngã chết dưới vách núi đã khiến con hiểu ra một điều, người mẹ nào cũng vậy, trong hoàn cảnh nào cũng vậy, tình yêu dành cho con luôn tha thiết, mênh mông.
Con đã thẫn thờ mất cả buổi vì câu chuyện đó mẹ à. Con đồng cảm. Con đồng cảm vì con cũng là một người mẹ hay vì con có một người mẹ tuyệt vời như mẹ. Con cũng chẳng biết nữa. Con chỉ biết rằng, lắm khi nghĩ lại con cũng không thể hiểu vì sao mẹ mình – người phụ nữ nhỏ bé lại có sức mạnh diệu kỳ, vượt qua bao khó khăn, vượt qua bao định kiến để hy sinh tất thảy vì các con mình như vậy. Ngẫm lại, cũng bắt nguồn từ tình mẫu tử thiêng liêng. Con cũng là một người mẹ, con nhận ra rằng, qua thời gian có nhiều thứ thay đổi, nhưng có một điều sâu thẳm luôn ở trong tâm thức con, tâm thức mẹ và bao người mẹ khác chính là tình mẫu tử. Đó là yêu thương, là bình yên, là hy sinh. Đó là cuộc đời nối dài của mỗi người. Đó là gieo mầm ước mơ, hy vọng.
|
Ngày còn nhỏ, con nhìn tấm lưng còng của ngoại kinh ngạc, lớn lên một chút nhìn bàn tay chai sạn và mái tóc ngày càng thêm sợi bạc của mẹ con bỗng trở nên suy tư. Bao nhiêu tấm lưng còng của những người mẹ như ngoại cả một đời oằn mình vun đắp những luống rau, ruộng lúa... để cho lớp lớp người con được ngang dọc rộng dài. Bao nhiêu đôi bàn tay chai sạn của những người mẹ như mẹ đã lo toan, soạn sửa những bữa cơm đủ đầy một cách có thể trong những tháng ngày “cơm thua, gạo kém”, đã bế ẳm, dắt con đi qua bao chặng đường dài và cũng đã lau khô những giọt nước mắt của con lăn dài trên đôi má...
Có lẽ vì con cũng là người mẹ nên khi đón nhận một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng càng trở nên đồng cảm. Và mỗi khi nghe ai đó gọi “Mẹ ơi”, trái tim con lại cảm thấy như thúc giục. Con nhận ra, ai cũng vậy, dẫu chỉ là một đứa trẻ mới bập bẹ, dẫu là người qua nửa đời phiêu dạt, mái tóc đã pha sương, khi gặp khó khăn, khi thấy chùng lòng, khi thấy hạnh phúc... đều vô thức thốt lên hai chữ “Mẹ ơi” như một lẽ tự nhiên, như một liều thuốc trấn an, sẻ chia thân thương và thân thuộc.
Ngay cả con cũng vậy thôi. Ngày còn nhỏ, con cứ nghĩ mẹ là người có khả năng siêu nhiên, có thể làm được hết mọi việc trên đời mà không biết mệt. Chỉ cần gài không được chiếc cúc áo, tìm không ra chiếc dép, bóc không được vỏ bánh..., cũng tìm đến bên mẹ một cách nũng nịu. Mỗi khi con ngã, con đói, con đau..., chỉ cần cất tiếng gọi là mẹ sẽ giúp con giải quyết hết những khó khăn mà con gặp phải. Đến khi lớn khôn, dường như con vẫn không thể bỏ được thói quen đó. Mỗi khi bất trắc, cùng cực, chất chứa những nỗi buồn cũng rưng rưng thốt lên “Mẹ ơi” - dẫu biết mẹ đang ở rất xa, cũng chẳng giúp gì được và cũng không thể chia sẻ để mẹ thêm buồn, thêm lo.
Mà đúng là bây giờ, những chuyện không vui con ít chia sẻ với mẹ. Chẳng phải là con giấu giếm. Chẳng phải là con xa cách. Nhưng con không muốn mẹ thêm buồn. Vì con biết cho đến hôm nay, khi mẹ đã già, rất già và khi con cũng đang già, mẹ vẫn luôn canh cánh niềm vui, nỗi buồn của các con. Chỉ cần nghe con đi công tác về muộn, lo. Nghe con của con ốm, lo. Nghe vợ chồng con “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, cũng lo... Ngẫm đời mẹ đã nhiều gian truân, hà cớ gì con lại khiến mẹ thêm chồng chất nỗi buồn, nặng trĩu nỗi lo, mẹ nhỉ.
Nhưng con cũng biết, chỉ cần con sẻ chia, mẹ lắng nghe, mẹ trở thành nhà tư vấn tâm lý tận tình và nếu cần, sẵn sàng vượt mấy trăm cây số xa xôi để đến bên con. Thế mới biết lòng mẹ mênh mang, sâu thẳm, ngay cả khi không còn ai ở bên, thì con vẫn luôn có mẹ. Càng nghĩ về mẹ, con càng nhớ đến nhân vật người con trong câu chuyện “Mẹ điên”, dù có những lúc xua đuổi, xấu hổ vì mẹ mình nhưng cũng đã nhận ra “hễ làm việc gì vì con trai mẹ lại không điên tí nào”. Và dẫu không lý giải được dưới góc độ khoa học, nhưng mẹ ạ, dưới góc độ tình cảm, cậu ấy đã hiểu rằng đó chính là tình mẹ bao la...
Nguyên Phúc