Tình đất, tình người chốn quê kiểng

27/06/2018 07:15

Từ bao đời nay, người nông dân sống nhờ đất, vì vậy, nhiều người ví đất đai, ruộng vườn chẳng khác nào là “khúc ruột” của mình. Đã là nông dân thì “tính nết” của mỗi chân ruộng, mỗi loại hạt và có cách gieo trồng, chăm sóc khác nhau… đều được họ hiểu tường tận.

Nông dân thường gắn với những mùa gieo hạt. Mùa nào thức nấy. Họ yêu ruộng vườn, yêu cây cối và gửi tin yêu vào đất, để cầu mong cho mùa bội thu... Dù đi bao xa, đi bao lâu, đi nơi nào, nơi lòng họ lúc nào cũng hướng về quê hương.

Quảng Ngãi quê tôi mỗi năm có hai vụ lúa, vụ đông xuân và vụ mùa. Nhưng mùa nào cũng phải gieo sạ. Lúa giống được ủ ngâm, mộng đủ béo và dài, chờ xuống đồng. Ruộng để sạ phải được chuẩn bị kỹ với rất nhiều kỳ vọng. Ban đầu phải được cày vỡ, bừa ải.

Xưa đồng ruộng chưa cơ giới hóa, tất cả phải làm bằng sức trâu bò, sức người. Mặt ruộng gieo chỉ còn lấp xấp bùn non, mặt phẳng, nâu bóng. Người nông dân cắp thúng giống đã ngâm vừa đi vừa gieo. Tay nhón giống, tung qua bên này, giũ xuống bên kia. Những nắm giống vụt khỏi tay người “nghệ sĩ nông dân” tỏa bung tựa pháo hoa, rồi rào rào đáp xuống mặt bùn non, đều đặn và đầy nghệ thuật. Chỉ hai ngày sau, cả cánh đồng nhấp nhô màu mạ. Từ màu bùn non nâu thành màu phơn phớt xanh của lúa non. Màu xanh dần được tô đậm cùng với số ngày tuổi của cây lúa như một phép màu.

Cha tôi thường nói: Biết gieo giống, gieo đẹp, gieo đều, đó chính là điều kiện tiên quyết để chứng minh anh là “nông dân bậc cao” trong canh tác lúa nước.

Mỗi mùa gieo hạt, nông dân muốn gửi gắm vào đất những hạt mầm tốt nhất, chờ cây lớn lên, sinh nhiều hoa trái.

Cha tôi cũng ví mấy anh em chúng tôi như những hạt giống, cha gieo trên nền đất cuộc đời. Mỗi đứa đều được cha mẹ chăm sóc, dạy dỗ bằng tình yêu thương. Và chúng tôi lớn lên, mang màu xanh cho cha, cho mẹ và cho cuộc đời.

Thu hoạch lúa ở xã Đăk Tờ Re. Ảnh: D.L

 

Chính mùi bùn đất, rơm rạ dân dã của chốn quê kiểng đã chắt chiu ra những hạt ngọc nuôi chúng tôi lớn khôn, vấn vương theo mỗi bước chân vào đời. Tận bây giờ, khi đã trưởng thành, tôi mới thấm thía những bài học quý giá nhân nghĩa từ gia đình, dòng tộc, quê hương…

Chưa bao giờ tôi nghĩ có một ngày tôi sẽ rời xa mảnh đất quê yêu dấu - mảnh đất tôi đã sống và lớn lên gần nửa cuộc đời mình.

Thế mà tôi đã phải rời Quảng Ngãi lên Kon Tum bỏ lại sau lưng cả một trời kỷ niệm. Trong cuộc đời mỗi con người, đến một lúc nào đó có những ngã rẽ mà ta không thể ngờ trước được.

Kon Tum quê hương thứ hai của tôi, ruộng nương, vườn tược của người nông dân ở đây được bao bọc che chắn bởi các vòng cung núi cao, chuyển tiếp giữa Bắc Trường Sơn và Nam Trường Sơn; giữa cao nguyên xuống đồng bằng châu thổ miền Trung.

Với những đặc trưng riêng, Kon Tum luôn là một trung tâm của khu vực Tây Nguyên và từ rất sớm Kon Tum trở thành vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc. Cứ mỗi lần đi ngang qua vùng quê Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô… dừng lại ngắm cảnh trời mây, núi non, đồng ruộng, tôi cũng yêu quý như quê nhà Quảng Ngãi của tôi.

Kon Tum cũng có những con đường làng quanh co, ngoằn ngoèo chạy giữa những xóm thôn hay giữa những cánh đồng lúa xanh rì hoặc sắp nhuốm vàng với cái se se lạnh của sương sớm. Buổi chiều về, gió sông Đăk Bla, sông Pô Kô thổi mát, bóng núi lan dài trên cánh đồng như một cái chăn mỏng đắp lên những thôn làng.

Dường như ở đâu người nông dân vẫn quý đất, trông từng cơn gió đùa trên những cành cây, ngọn lá, mong từng hạt mưa rơi. Nhưng dù ở đâu thì người nông dân vẫn mang cái nét đặc trưng như nhau đó là tính thật thà, mộc mạc, chất phác và thấm đẫm “tình đất, tình người”.

Mỗi một vùng đất đều gắn liền với những điều rất riêng, nhưng có cái chung là hơi thở bát ngát, của mêng mông, của đất trời.

Người ta có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Với tôi, tôi vẫn là người sinh ra và lớn lên từ “gốc rạ”, làm sao quên được những ngày còn thơ ngây dại với ký ức đẹp gắn liền với đồng quê. Nơi đó, biết bao người nông dân vẫn yêu công việc đồng áng như da thịt, như đứa con sống mãi trong lòng; nơi đó, cánh đồng quê hương vẫn phảng phất phất mùi thơm dân dã, thân tình…

Rồi tôi bỗng nhận ra rằng đồng quê, ruộng lúa Kon Tum cũng đã đi vào lòng mình những cảm xúc trào dâng thật khó quên. Đó là “mảnh đất tình quê’ cũng đã nuôi tôi thành người!

                                                                            Dương Lê

Chuyên mục khác