Tin yêu gửi lại

19/08/2021 06:04

Đó là câu chuyện có thật mà tôi ghi lại được, không phải với tư cách nhà báo, mà chỉ là một người được đi theo, được nghe và thấy.

5 giờ sáng, gian bếp nhà A Phong đã chập chờn ánh lửa. Cậu khoác vội cái áo ấm, kéo tấm liếp đan bằng nứa đập dập bước ra vườn rau, vươn vai mấy cái rồi mò mẫm ngắt từng lá rau xanh non dưới ánh sáng nhờ nhờ.

Trong bếp, ông nội của A Phong lục đục dỡ cơm, nướng cá, soạn bầu nước, chuẩn bị cho chuyến đi. Ánh lửa hắt ra xua hơi lạnh đại ngàn.

Con chó vện xồ ra cổng, sủa váng lên. Có tiếng mở cổng, rồi ai đó nói to, vui vẻ: Đến rồi. Già A Hliêng ơi.

A Phong vội chạy ra. Nhìn bóng người cao cao nổi lên trong màn sương trắng đục, cậu reo lên: A, anh Tuấn. Bóng người cao cao cười rổn rảng: A Phong hả. Ông nội đâu.

Anh Tuấn là sĩ quan biên phòng, đóng quân ở gần làng, cách nhà A Phong một con con dốc dài. Nhiều năm nay, với nhà A Phong, với dân làng, anh là người thân, là con em, được dân làng yêu mến.

Bộ đội biên phòng hướng dẫn người dân xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) phát triển kinh tế hộ gia đình. Ảnh: H.L

 

Cán bộ Tuấn đến rồi đấy à? Già A Hliêng thong thả đi ra từ bếp, điếu thuốc rê bập trên môi, thành đốm lửa đỏ. “Già có làm thêm cơm, nướng thịt, nấu canh rau rừng cho mấy cháu trên chốt. Chờ tý nữa đủ người rồi ta đi nhé”- ông thủng thẳng nói.

Rồi quay sang người thanh niên đang đứng sau cán bộ Tuấn xởi lởi: Ai đây? Trông lạ quá.

Tuấn cười: Dạ, bạn con ở dưới tỉnh lên, muốn đi tìm hiểu về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở làng ta. Già gật đầu, nói ngắn gọn “Tốt”. Rồi lặng lẽ hút thuốc bên bậc cửa.

Già A Hliêng, ông nội A Phong, năm nay đã ở tuổi 80, nhưng vóc dáng vẫn còn nhanh nhẹn. Thời trẻ, già và nhiều người nữa trong làng là “cộng sự” đắc lực của Bộ đội biên phòng, luôn gắn kết, đồng hành trong suốt hành trình giảm nghèo ở vùng biên.

Hàng chục năm trước, với sự giúp sức của Bộ đội biên phòng, dân làng đã lần lượt giảm phát rẫy, làm ruộng lúa nước, trồng cà phê, cao su. Gần đây, các anh đang hướng dẫn một số gia đình trồng cây ăn quả, như sầu riêng, mít Thái, trong vườn, trên đất trồng mì. Nghe các anh nói, loại đất đỏ ở đây rất phù hợp với cây ăn quả, nếu trồng được, sẽ cho hiệu quả hơn hẳn.

Tuấn lặng lẽ ngồi xuống bậc cửa, bên cạnh già A Hliêng, trong cái se sắt lạnh của núi rừng. Cả hai cùng nhìn vào căn bếp, nơi có bóng A Phong đang lúi húi xếp cơm, canh vào gùi. “Nó lớn thật rồi, cán bộ Tuấn à. Nó được đi học, cái đầu sáng ra, không chỉ biết làm điều phải, mà còn biết vận động dân làng làm theo”- tiếng già A Hliêng như từ góc núi vọng về.

Tuấn gật đầu, nắm chặt bàn tay xương xẩu của già. Vậy là đứa con trai mà chị Y.L, con dâu của già A Hliêng, sinh ra trong cái đêm mưa gió, cả làng phải đốt đuốc khiêng chị đi xuyên rừng xuống bệnh viện huyện, nay đã trưởng thành, đã là sinh viên đại học.

Cũng trong cái đêm mưa gió ấy, chị Y.L đã ra đi mà không kịp nhìn mặt con. Cánh võng dùng để khiêng chị đi bệnh viện vẫn được già A Hliêng cất giữ trong nhà, như một chứng cứ cho thời gian khó, và cũng là “để cho bọn trẻ thấy được ngày trước, bố mẹ chúng đã phải vất vả như thế nào để có được ngày hôm nay”- già A Hliêng nói.

Khi A Phong tròn 3 tuổi, cha cậu cũng bỏ 2 ông cháu mà đi sau một tai nạn lao động. Dù mồ côi cả cha và mẹ, nhưng A Phong vẫn được đến trường, học hết tiểu học, trung học phổ thông rồi vào đại học, phần vì nỗ lực của ông nội, phần nhờ sự giúp đỡ, cưu mang của Bộ đội biên phòng.

Sau này, mỗi lần trở về nhà, đi trên con đường bê tông phẳng lì vắt qua sườn núi, chạy qua làng, A Phong lại nghĩ, giá như ngày ấy, có con đường như bây giờ.

Chuyện đổi mới ở làng, ở xã, già A Hliêng có thể nói cả ngày không hết. Và có một điều là, trong bước phát triển ấy, ân tình của Bộ đội biên phòng với dân làng, cứ như mạch nước ngầm trên núi, chảy mãi, chảy mãi.

Chính vì vậy mà ở cái làng heo hút, nằm gần biên giới này, lúc nào cũng thấy tình quân dân hiện diện, ăm ắp niềm thương yêu. Các lần họp làng đều có sự tham gia của Bộ đội biên phòng. Không chỉ tuyên truyền, giải thích cho dân làng hiểu và chấp hành luật pháp; hướng dẫn thực hiện nếp sống mới, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, Bộ đội biên phòng còn cưu mang, giúp đỡ các cháu mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hộ nghèo làm ăn để vươn lên.

Nhất là trong các đợt dịch bệnh Covid-19, từ năm ngoái cho đến nay, Bộ đội biên phòng luôn có mặt, cùng chính quyền xã đến từng gia đình vận động, hướng dẫn bà con chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh, cấp phát khẩu trang cho dân làng.

Vậy cho nên, khi Bộ đội biên phòng lập chốt kiểm soát dọc biên giới để ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép, dân làng trở thành những “chiến sĩ” nhiệt tình và trách nhiệm.

Dân làng bảo nhau: Hơn 70 nóc nhà này, mỗi nóc có 6-7 người, vậy là có hơn 400 đôi mắt nhìn dọc biên giới rồi, sẽ hơn mấy chục đôi mắt của cán bộ biên phòng chứ. Mình tham gia càng tích cực thì càng giúp được bộ đội nhiều, càng bảo vệ làng mình, xã mình tốt hơn.

Cuối tháng 5/2021, nhà trường nghỉ học để phòng dịch, A Phong cũng rời giảng đường về quê, và rất nhanh chóng, cậu tham gia hầu hết các chuyến tuần tra. 

Trời sáng hơn. Ở những góc khác, vài ba ngôi nhà cũng “mở mắt” thức dậy. Tiếng chuẩn bị đồ ăn, thức uống lịch kịch. Tiếng ai đó dặn vợ: Ở nhà, nhớ nhìn vườn rau mới trồng, đừng để con heo, con gà vô phá mất.

Tiếp đó, cánh cửa một số ngôi nhà khác cũng mở toang, bóng người tụ dần về đầu làng để chuẩn bị cho cuộc đi tuần tra đường biên cùng Bộ đội biên phòng. Từ năm ngoái tới nay, những chuyến đi thế này trở nên quen thuộc với già A Hliêng nói riêng, dân làng nói chung.

Đoàn người bắt đầu lên đường. Sáng sớm, mây bốc mù chân núi, nhưng trên đỉnh lại hết sức trong trẻo, đến mức có thể thấy được cây thông già vươn cành khẳng khiu bên tảng đá xám to như ngôi nhà. A Phong hăng hái bám cây rừng vượt lên trước.

Tuấn cùng già A Hliêng đi sau. Khi đến chốt, già sẽ ở lại, còn cánh thanh niên đi tiếp. Nhìn dáng đi như ngựa của A Phong, già A Hliêng gật gù: A Phong như con ngựa đầu đàn. Có nó đi, già yên tâm rồi.

Tuấn cũng cười, nhưng trong lòng thì ngổn ngang. Ít ngày nữa, anh sẽ chuyển công tác sang đơn vị mới. Biết mở lời với già A Hliêng, với dân làng thế nào đây? Trong thâm tâm, anh không nỡ xa vùng đất này.

Con suối Nước Long chảy qua Đồn, lại vòng về trước làng, rồi mới chịu ào ạt xuôi về sông lớn, chẳng phải vì không nỡ xa làng, xa núi đó sao? Suối còn vậy, huống chi người?

Nhưng Tuấn biết, dù có đi đâu, thì tin yêu cũng gửi lại nơi này! 

HỒNG LAM

Chuyên mục khác