Tiếng vịt ngang trời

28/01/2020 06:43

Một mùa xuân mới lại về trên quê hương yêu dấu! Vào thời khắc thiêng liêng này, ký ức gọi tôi về với miền quê thương nhớ. Không hiểu tại sao, ký ức về miền quê luôn lao xao tiếng vịt. Không phải vịt đồng mùa gặt lúa, chả phải vịt đầu hồi hay tiếng bìm bịp kêu chiều buồn bã, mà là tiếng... vịt trời.

Vào quãng cuối năm âm lịch, khi hoàng hôn buông xuống, trong lúc chạng vạng tối, chúng tôi thường ra sân ngửa mặt nhìn trời và đón xem từng đàn vịt bay ngang trời, chúng bay thành từng đàn, từng đàn, khi theo hình cánh cung, lúc hình tam giác hay một hàng thẳng tắp.

Lúc đầu chỉ là mấy chấm li ti tận cuối chân trời, rồi lớn dần, lớn dần, thấy rõ dáng chúng bay qua bầu trời ngay trên đầu mình, mang theo tiếng kêu kỳ lạ. Không hiểu chúng vui hay buồn, vô tư hay lo lắng. Chỉ biết âm thanh của hàng đàn, hàng đàn vịt lúc thảng thốt, lúc bâng khuâng, da diết, tiếng gọi như vừa gần gũi, vừa xa xôi diệu vợi, tiếng đồng vọng trong hoàng hôn đã để lại một ấn tượng vô cùng sâu sắc trong tâm hồn thơ trẻ chúng tôi.

Tôi hỏi thầy giáo dạy Sinh học, thầy bảo: Quá trình di cư của các loài như cò, sếu, vịt trời, le le được ghi nhận cách đây 3.000 năm bởi các tác giả Hy Lạp cổ đại. Nhiều loài chim hàng năm thường di trú đến những nơi rất xa, nhiều loài lại thực hiện những chuyến bay ngắn hơn và bất thường. Chim là động vật sống bầy đàn, chúng giao tiếp với nhau thông qua tiếng kêu và tiếng hót, tham gia vào những hoạt động bầy đàn như hợp tác trong việc sinh sản, săn mồi, di chuyển và tấn công chống lại kẻ thù. Những đàn chim sinh sống ở miền Bắc cứ đến cuối thu, đầu đông hằng năm lại bay từng đàn về phương Nam để tránh mùa đông.

Cha tôi nói đàn vịt trời kia thể nào cũng hạ cánh xuống nghỉ ngơi ở một “khách sạn” rẻ tiền gần đây thôi. Chúng tôi trố mắt: Khách sạn ư? Cha phá lên cười: Hồ Thành, nó nằm dưới dãy núi Thiên Nhẫn, ở đó chúng sẽ nghỉ lại, kiếm mồi lót dạ rồi lại tiếp tục cuộc hành trình vạn dặm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Tiếng vịt trời mang theo thanh âm sống động lướt qua bầu trời báo hiệu tết sắp đến. Nó như tiếng tù và báo hiệu một cuộc vui chơi dài hạn vui sướng hả hê bắt đầu. Là trẻ con, tuổi đang lớn, sướng nhất là tết được ăn ngon. Cả năm dài lê thê, bữa ăn chỉ mãi cà với dưa, tất cả dồn cho tết. Tết có gà thả vườn, cá dưới ao, có con lợn béo trong chuồng. Đã sẵn sàng cả. Và cha mẹ ông bà cũng chiều lòng con trẻ, bớt hà khắc, la rầy. Tết mà!

Tết đến sẽ có hội vật. Ôi chao, sao mà vui vui là. Nam thanh nữ tú khắp nơi tụ hội so tài. Tiếng trống hối hả, thôi thúc. Tiếng cười tiếng nói rộn ràng khắp làng trên xóm dưới.

Buổi chiều, cô bạn học cùng lớp thường rủ tôi ra đứng trên ngọn đồi sau làng chờ đợi lũ vịt trời bay qua. Lý do là để được gần chúng nhất. Có thể với tay đụng vào đôi cánh đang bay, biết đâu được. Con bé reo lên khi có đàn chim lướt qua. Đôi mắt rạng ngời. Thoạt trông một con lùi lại sau đàn, nó thảng thốt. Ôi chúng bay nhanh thế thì sao chim con theo kịp được, có khi nào chúng mỏi cánh rơi xuống cánh đồng, rơi xuống dòng sông nào không? Giờ thì cô gái nhỏ đó đã đi lấy chồng, “bay” đến một vùng đất xa xôi, nơi mùa đông đầy tuyết trắng, nơi ấy không biết mùa này có đàn chim bay qua trời để mà ngắm, mà nhớ, mà thương?

Tiếng chim trời ngày xưa ấy gợi lên trong tâm hồn con trẻ chúng tôi những suy nghĩ ước vọng xa xôi. Rồi mình sẽ lớn, sẽ đến những chân trời mới, vùng đất mới, tươi sáng và mới mẻ, nhiều thách thức và niềm vui.

Chúng tôi lớn lên, rời làng quê để đi xa, cũng như lũ chim kia, đi mải miết. Nửa đời bỗng nhớ làng quê, nhớ thao thiết tiếng chim quê kiểng, cùng với tiếng gió ào ạt qua đồi, tiếng mùa xuân ồn ào trong sớm mai hay chiều muộn. Tết đến rồi, xuân về rồi. Giờ này, trên trái đất bao la, có bao đàn chim đang di trú, có bao người đang ngồi nhớ quê xa?      

Đặng Minh Sáng                                                                                                    

Chuyên mục khác