Tiếng quê

12/05/2019 06:28

Chị đi lấy chồng. Quê chồng chị ở tận Tây Nguyên. Tháng 5 quê chị nắng nóng gay gắt, còn ở Tây Nguyên bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa mát dịu. Cái khoảng thời tiết giao mùa với những cơn mưa thường đến và đi bất chợt khiến lòng chị càng chộn rộn bao nỗi nhớ…

Vậy là hè đã sang! Một năm nữa chị lại thất hứa với bé Nị - cô con gái đầu lòng của mình - khi không thể đưa con bé về thăm ông bà ngoại. Ngồi lặng im bên ô cửa sổ, nghe tiếng mưa tí tách bên hiên nhà, lòng chị tê tái…

Chị kể, ngày còn thanh niên, chị là đứa con gái “lì đòn” và bản lĩnh nhất xóm. Ấy vậy mà ngày lên xe hoa theo chồng, chị đã ôm mẹ khóc như một đứa trẻ, chẳng khác nào những đứa bạn thân của chị. Chị bảo chị không muốn khóc trong ngày vui của mình, nhưng sao nghe những lời dặn dò của ông bà, cha mẹ, cô, dì, chú, bác… và quan trọng hơn là nghĩ đến chuyện sắp phải xa nhà, mắt chị cứ cay xè.

Chị đâu nghĩ mình lấy chồng xa như vậy. Đến khi quen anh - người đàn ông ở tận mảnh đất Tây Nguyên chị vẫn chưa có cảm giác lo. Chỉ đến gần ngày cưới, tự nhiên, chị thấy bồn chồn trong dạ. Nghĩ đến chuyện sắp phải xa cái nơi chốn đã gắn bó với mình, sắp xa cha mẹ… ruột gan chị cứ quặn thắt. Nhìn lại mấy đứa bạn thân đã lấy chồng, có đứa vì hoàn cảnh, vì khoảng cách địa lý…, nhiều năm không về thăm quê được, chị bất chợt nghĩ đến có khi nào mình cũng như vậy? Bởi lấy chồng rồi đâu còn được tự do, cứ hễ thấy nhớ nhà, thương cha nhớ mẹ là có thể vác ba lô để về được. Đến ngày cưới, bao suy nghĩ, lo âu ấy càng vấn víu lấy chị. Và rồi chị đã khóc thật nhiều trong ngày cưới. Thương con gái nước mắt ngắn nước mắt dài, mẹ chị cứ an ủi “trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng” đó là chuyện bình thường trong cuộc sống rồi ai cũng phải trải qua. Nhưng chị vẫn không cầm lòng cho đặng bởi chị biết cha mẹ chị hay nay đau mai ốm, lại chỉ có mỗi mình chị là con.

Tháng 5 này nữa là đã 8 năm chị theo chồng lên sinh sống ở vùng đất Tây Nguyên. Đúng là từ ngày lấy chồng rồi sinh con, vì cuộc sống khốn khó nên chị rất ít có cơ hội được về thăm quê. Cứ mỗi độ có mưa đầu mùa, kèm theo những cơn giông tố, chị lại cảm thấy hồi hộp lo âu chất chồng, thương cha nhớ mẹ thật nhiều. Chị nhớ cứ mỗi lần trời sắp đổ mưa, mẹ lại lom khom che chắn mấy cái lu, cái khạp mắm dang ở ngoài sân, còn ba thì trái gió trở trời thường hay đau nhức khắp người nhưng vẫn lụm khụm xếp từng bó củi vào hiên nhà.

Từ ngày chị lấy chồng bao biến cố đã xảy ra. Mẹ chồng đau ốm liên miên nên anh (chồng chị) phải đi thăm nuôi liên tục. Ở nhà, một mình chị vừa lo ruộng rẫy, vừa chăm sóc cho con nhỏ. Tháng 5 này, đứa con thứ hai của chị mới sinh chưa đầy ba tháng nên chị lại thất hứa với bé Nị lần nữa. Thật tội cho con bé, mấy lần nó nói với mẹ “con nhớ ngoại lắm”, nhưng chẳng bao giờ dám đòi mẹ cho về thăm vì dường như nó biết mẹ nó còn nhớ ông bà có khi còn nhiều lần hơn nó nữa.

Chiều nay, ngồi lắng nghe từng hạt mưa tí tách, nỗi nhớ cha mẹ, nhớ quê, nhớ nhà cứ cồn cào trong chị. Chị đong đưa chiếc võng hát ru con bằng câu hát não nuột: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.

Bé Nị nghe mẹ hát câu hát ru em nó lại hồn nhiên hỏi: “Ruột đau chín chiều” là gì hả mẹ? Ừ thì là nỗi nhớ quê, nhớ ngoại thật nhiều đấy con - chị chỉ dám giải thích cho con bé như vậy, chứ nào dám giải thích sâu hơn.

Con bé vẫn thích nghe mẹ nó kể về tuổi thơ của mẹ ngày nhỏ. Còn chị, mỗi lần như thế như được “trút” phần nào nỗi nhớ…

Chị kể, ngày nhỏ, không có trò chơi nào của con nít ở quê mà chị không biết đến, nào là đánh trận giả, thả diều, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, u mọi, năm mười và cả cái trò giả cô dâu chú rể để làm đám cưới…

Trưa hè, chị nhớ, tụi trẻ con như chị ngày ấy chẳng đứa nào chịu ngủ trưa mà thường tụ tập để đi săn lùng các tổ chim, tổ ong để chọc phá, rồi đi chặt cây để làm ná, làm nẻ (trò chơi của con nít ngày ấy)… Chị nhớ cái cánh đồng xám xịt cỏ khô phía trước nhà là nơi để lũ con nít bọn chị thường tổ chức chơi trò rượt đuổi. Hay khi mỗi mùa gặt kết thúc, rơm mới được cha mẹ mang về nhà chất thành đống, tối đến, đây là nơi để cả bọn con nít thường hay chơi trò năm mười, trốn tìm. Có đứa cũng vì trốn trong đống rơm mà ngủ quên khiến cho cha mẹ cuống cuồng đi tìm, còn lũ con nít tụi chị thì mặt đứa nào đứa nấy “xanh như đít nhái”.

Tuổi thơ của chị gắn liền với bờ ruộng, bờ ao và lấm lem bùn đất để bắt cua, bắt cá. Và hễ nhà đứa nào có chuyện gì là cả lũ con nít trong xóm cùng biết… Chị thường bảo với con gái “tuổi thơ của mẹ ngày ấy là cả một bầu trời tuổi thơ”.

Đồng quê. Ảnh: Sông Côn

 

Nhớ nhất là mỗi mùa mưa đến, mẹ chị thường hay nấu một nồi củ mì gòn cho cả nhà cùng thưởng thức. Nồi củ mì mẹ nấu bao giờ cũng thơm phức, bởi mẹ hay giằng dưới nắp nồi miếng lá chuối để giữ hơi, có khi còn cho vào bên trong ít lá dứa nữa. Cái vị thơm ngon của nồi củ mì dù đến nay đã mấy chục năm rồi mà chị vẫn không thể nào quên được, nhất là ngày mưa đến, cái hương vị ấy như lan tỏa đâu đây. Có đôi lần chị cũng thử nấu một nồi củ mì vào ngày mưa mà sao cái mùi vị chẳng giống với nồi củ mì mà mẹ chị đã nấu ngày trước…

 Ngày trẻ chị vô tư, hồn nhiên bao nhiêu thì bây giờ sống xa quê, có con cái rồi chị lại hay nhớ nhung, hoài niệm về những ký ức xa xăm bấy nhiêu. Có nhiều đêm chị nằm khóc rưng rức đến ướt cả gối lúc nào không biết…

Chị ôm con gái lớn vào lòng, lại thêm một lời hứa với con bé “năm sau em lớn hơn một chút mẹ sẽ đưa hai chị em về thăm ông bà ngoại”. Con bé nằm áp người vào lòng mẹ, dụi con mắt đỏ hoe. Chị vỗ về con bé chìm vào giấc ngủ rồi quay sang nói với tôi như kết thúc một câu chuyện thật có hậu: “Năm sau, dù khó khăn thế nào, anh chị cũng sẽ sắp xếp để về thăm quê, cho các cháu nghỉ đến hết hè”…

Hoàng hôn trên quê hương. Ảnh: Sông Côn

 

Sông Côn

 

Chuyên mục khác