Tiếng kẻng

11/06/2023 13:05

Từ hiệu lệnh của tiếng kẻng mà dân trong thôn đã bắt gọn mấy “đạo chích” rồi. Một vụ đánh nhau được can thiệp kịp thời. Nạn trộm cắp tài sản, trộm chó đã được hạn chế. Anh công an phụ trách địa bàn rõ ràng là rất vui, bớt bận rộn hơn.

-Tôi ấy à, nhất định sẽ đề nghị cấp trên khen thưởng ông Thi- một người đặt ly nước xuống bàn, nói to.

-Tôi nhất trí, không còn ai xứng đáng hơn ông ấy nữa đâu- nhiều người lên tiếng ủng hộ.

Còn nhân vật chính, ông Thi mà mọi người nhắc tên ấy, chỉ ngồi lặng lẽ uống nước, thỉnh thoảng cười hiền.

Chuyện gì vậy nhỉ?

Hóa ra, mấy hôm nay dân làng đang bàn về việc tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ. Chính quyền xã, thôn nói đây là chủ trương chung của  Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) tỉnh.

Theo đó, sẽ tổ chức rộng rãi ở khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục. Chú trọng tổ chức “điểm” ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.

Có thể khẳng định rằng, Ngày hội sẽ là dịp để đánh giá tình hình, kết quả phong trào và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong thời gian qua; rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng phong trào trong thời gian đến.

Đặc biệt là biểu dương, khen thưởng và động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn.

Từ đó triển khai, tổ chức xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tổ tự quản thôn tham gia bảo vệ an ninh trật tự. Ảnh: T.H

 

Không nghi ngờ gì nữa, trong những năm qua, công tác xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại cơ sở, nhất là ở các địa bàn chiến lược, biên giới, vùng đồng bào DTTS, vùng tôn giáo được tăng cường.

Từ đó lôi cuốn đông đảo nhân dân tích cực, tự giác tham gia xây dựng, bảo vệ, quản lý an ninh trật tự; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật.

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo tỉnh, chỉ tính riêng năm 2022, nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an 488 nguồn tin có giá trị. Hiện nay có 48 mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở 10 huyện, thành phố được củng cố, duy trì hoạt động, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng khu vực, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng.

Qua hoạt động thực tế, đa số mô hình đã đáp ứng được nhu cầu thiết thực của nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, thu hút được nhiều người tham gia.

Trong đó, phải nói rằng, mô hình Tiếng kẻng an ninh ở thôn tôi thật sự phát huy hiệu quả.

Đến bây giờ thì người dân ở thôn tôi đã quen với tiếng kẻng báo yên mỗi tối, chứ hồi đầu cũng ấm ức, bực dọc lắm.

Có người nói: Đến đêm mà không nghe tiếng kẻng là không yên lòng đi ngủ. Thậm chí có người còn ủng hộ mạnh mẽ: Đây đúng là một việc làm hay, xã ta nên nhân rộng mới đúng.

Nhưng cách đây ít tháng thì khác đấy nhé. Khi mà ông Thi trưởng thôn họp bàn về chuyện áp dụng mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, tiếng ủng hộ thì ít mà tiếng phản đối thì nhiều.

Cũng khó trách, ở một thôn thuộc xã vùng ven, cư dân đa phần là làm nông, đầu tắt mặt tối cả ngày thì  chuyện lo cái ăn, tiền học cho con, tiền giỗ chạp… đã chiếm hết suy nghĩ và thời gian của người dân rồi.

Huống chi, mỗi năm còn đóng mấy chục ngàn tiền quỹ an ninh trật tự cơ mà. Treo thêm cái kẻng làm chi. Rồi ai quản lý? Không khéo mấy đứa nhỏ nó gõ loạn lên thì khổ, đêm hôm đang ngủ lại giật mình thon thót vì tiếng kẻng ấy chứ. 

Nhưng ông Thi vẫn kiên trì: Thôn ta có địa bàn khá phức tạp, lại là vùng giáp ranh giữa phố xá với nông thôn, vườn cây nhiều, dễ trở thành nơi ẩn núp, qua lại của các đối tượng xấu. Vì vậy lâu nay tình hình an ninh trong thôn có tiếng là phức tạp, thường xuyên xảy ra trộm cắp, uống rượu say gây rối, bà con cũng không yên tâm sản xuất.

Ông phân tích: Chỉ cần mua 1 cái kẻng, rẻ thôi mà, treo ở ngay nhà tôi đây. Khi có việc gì xảy ra, như hỏa hoạn, trộm cắp chẳng hạn, hay có đối tượng gây mất an ninh trật tự, cần huy động sự giúp sức của bà con, tôi sẽ gõ kẻng báo động, khi ấy mọi chuyện sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.

Dù nhiều người phản đối, nhưng ý tưởng của ông Thi lại được mấy chú mấy bác cựu chiến binh ủng hộ. Mọi người cũng dần dần bị thuyết phục, xoay sang bàn luận về “quy chế hoạt động” ra sao, quản lý thế nào. 

“Tiếng kẻng an ninh” vang lên từ đó. Hàng đêm, tiếng kẻng báo yên lúc 22h đêm để nhắc nhở mọi người, mọi nhà kiểm tra lại điều kiện an toàn trong gia đình, dừng các hoạt động vui chơi, các hoạt động hiếu, hỷ, các hoạt động phát sinh tiếng ồn.

Vài ngày đầu, cũng có người chưa quen, thấy khó chịu bởi những âm thanh chói tai ấy. Nhưng bây giờ thì “không nghe tiếng kẻng báo yên là không yên lòng”.

Hiệu quả thì không phải nói. Từ hiệu lệnh của tiếng kẻng mà dân trong thôn đã bắt gọn mấy “đạo chích” rồi. Một vụ đánh nhau được can thiệp kịp thời. Nạn trộm cắp tài sản, trộm chó đã được hạn chế. Anh công an phụ trách địa bàn rõ ràng là rất vui, bớt bận rộn hơn.

Điều mà người dân trong thôn tâm đắc nhất là từ khi có “tiếng kẻng an ninh”, sinh hoạt của người dân trong thôn đã đi vào nề nếp; mỗi người dân đều ý thức được rằng đây chính là tự bảo vệ gia đình mình.

Ý thức tự giác trong phòng, chống tội phạm của hầu hết mọi người trong thôn, từ ông già bà lão, nam nữ thanh niên đến các cháu thiếu nhi đều được nâng cao. Chỉ cần trên địa bàn xuất hiện người lạ, hoặc có việc gì xảy ra, rất nhanh, sẽ được báo cho trưởng thôn hoặc công an.

Tôi thì đồng ý với ý kiến của mấy chú mấy bác cựu chiến binh rằng, “Tiếng kẻng an ninh” đáng được nhân rộng. Nếu ở các thôn, làng vùng ven đều có thì cũng tốt lắm đấy!

Thành Hưng

Chuyên mục khác