Tiền điện… trên trời

01/10/2016 09:12

Nhiều người dân ở khu vực đường Nguyễn Thiện Thuật nối dài, thuộc tổ dân phố 2, phường Duy Tân (thành phố Kon Tum) đã phản ánh như vậy. Người dân nơi đây cho rằng, dù trong thời điểm mùa mưa, sử dụng ít các thiết bị điện song tiền điện vẫn cao ngất ngưởng, tăng lên nhiều so với những tháng mùa khô.

Cao ngất ngưởng

Theo lời người dân, trước đây, tại khu vực này khi chưa được thành phố kéo lưới điện, 24 hộ dân đã xin phép UBND phường Duy Tân tự mua dây và kéo điện từ trụ cuối của trạm biến áp về hộ gia đình của mình. Theo đó, hộ nào gần cũng kéo khoảng 200-300m dây, những hộ nằm phía trong sâu như gia đình ông Tạ Văn Sa phải kéo khoảng 500m dây mới vào đến nhà. Thời điểm đó, dù đường điện kéo xa nhưng mức điện sinh hoạt của các gia đình cũng tương đối ổn định.

Trong quá trình kéo điện về vì không có tiền để mua các trụ bê tông, người dân tự sử dụng các cây tre, cọc, sào chống dây điện để dẫn vào nhà. Không chỉ gây mất thẩm mĩ vì dây điện lòng thòng, vướng víu, khi trời mưa gió, các cây tre, cọc, sào chống dây điện ngả nghiêng, gây mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng mọi người. Trước tình trạng đó, theo kiến nghị của người dân, đầu tháng 8/2016, Điện lực thành phố đã đến tận nơi kiểm tra, chôn trụ và kéo điện an toàn về tận hộ cho người dân.

Điện lực thành phố xuống kiểm tra ngay sau khi nhận được phản ánh. Ảnh: B.A

 

Điện đã an toàn, người dân đã an tâm sinh sống và sản xuất, tuy nhiên, điều đáng nói, sau khi trả tiền điện 2 tháng đầu tiên (tháng 8, tháng 9 – sau khi được kéo điện - PV), người dân tá hỏa khi thấy tiền điện cao ngất ngưởng. Ông Tạ Văn Sa nói rằng, những tháng trước (tháng 3, tháng 4, tháng 5) - là mùa khô nên gia đình ông sử dụng các thiết bị điện nhiều, tưới tắm cho cây cối cũng nhiều lại thêm hao phí đường dây điện lớn nhưng cũng chỉ 200-300 ngàn/tháng; tháng nào cao cũng chỉ lên đến 320 ngàn. Những tháng này đang là mùa mưa, mọi vật dụng như máy quạt, bơm tưới nước đều ít sử dụng, các bóng đèn cũng được gia đình lắp loại tiết kiệm năng lượng nhưng tiền điện lại lên đến hơn 400 ngàn.

Không riêng ông Sa, từ tháng 5/2016 trở về trước, ông Đinh Xuân Trường và một hộ gia đình khác kéo chung một đường dây điện. Thời điểm đó, 2 hộ dùng nhưng tháng nào cao cũng chỉ lên đến 500 ngàn. Thế nhưng sang tháng 6/2016, chỉ còn một mình gia đình ông sử dụng điện, nhưng tiền điện lại tăng cao hơn so với lúc 2 người cùng đóng.

Ông Trường bức xúc: Đến tháng 8, khi có lưới điện kéo về, dù các vật dụng sinh hoạt rất ít khi sử dụng nhưng gia đình tôi tá hỏa khi tiền điện lên đến 471 ngàn đồng. Tháng 8/2016, tôi có viết đơn gởi đến Điện lực thành phố phản ánh thực tế và nhờ đơn vị chức năng đến xem xét lại đường dây. Sau khi kiến nghị, Điện lực thành phố có xuống xem và thay đồng hồ mới cho gia đình tôi. Thế nhưng, khi dùng đồng hồ mới, trong khoảng 10 ngày (không điều hòa, không tủ lạnh, không tưới cây –ít bơm nước) mà đồng hồ báo đã sử dụng 120kwh. Tôi không biết nguyên nhân do đâu nhưng điện năng thế này thì chúng tôi phải còng lưng để trả mất.

Người dân nơi đây còn phản ánh, thường xuyên thấy các công nhân điện lực xuống trèo lên các trụ điện nhưng không biết để làm gì. Họ cho rằng, đó cũng có thể là nguyên nhân khiến tiền điện cao.

Phụ tải khách hàng sử dụng nhiều

Trước thông tin người dân phản ánh, phóng viên báo Kon Tum đã đến làm việc với Ban Giám đốc Điện lực thành phố Kon Tum. Ngay trong chiều, sau khi tiếp nhận thông tin, Điện lực thành phố đã cử cán bộ, công nhân xuống tận nơi kiểm chứng, kiểm tra các sự cố cũng như các vấn đề xung quanh đường dây, công tơ điện.

Ngay tại buổi kiểm tra, nhân viên điện lực cho biết, tất cả các công tơ điện đều sử dụng tốt, có đầy đủ chì niêm (chứng tỏ công tơ đã được kiểm định theo đúng quy định), đường dây điện đến công tơ đảm bảo, an toàn. Trước thắc mắc, nhân viên điện lực tiến hành đo cường độ dòng điện cho một số hộ dân. Vào lúc 15h08’ ngày 26/9, tại nhà ông Sa, tắt hết các thiết bị điện, chỉ có 1 tủ lạnh và 6 bóng điện ớt (điện bàn thờ) đang hoạt động, nhân viên điện lực đo được 1,3ampe, vị chi một ngày ông sử dụng 6,8kwh.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn – Trưởng phòng Kinh doanh, Điện lực thành phố Kon Tum, thông thường tủ lạnh hoạt động chỉ có cường độ khoảng 0,6-0,7ampe, nhưng của ông Sa lại đến 0,9ampe, chứng tỏ hao phí 0,2ampe. Tiếp tục đo tại nhà ông Đinh Xuân Trường, nhân viên điện lực cũng phát hiện các thiết bị nhà ông Trường rất hao tốn điện. “Qua kiểm tra, chúng tôi khẳng định không có bất kì sự cố gì về đường dây hay đồng hồ điện mà nguyên nhân chính là do phụ tải khách hàng nhiều nên tiền điện cao” – ông Tuấn nói.

 Trả lời báo chí, ông Nguyễn Phong Lưu - Giám đốc Điện lực thành phố Kon Tum khẳng định, tất cả các công tơ điện khi lắp đặt lên lưới đều đã được kiểm định theo đúng quy định của nhà nước, luôn đảm bảo chạy đúng, để đảm bảo công bằng giữa bên mua điện và bên bán điện. Theo quy định, Điện lực thành phố chỉ quản lý đường dây đến công tơ còn đường dây điện sau công tơ là do các hộ gia đình tự quản lý. Với những trường hợp này, ông cho biết, người dân nên kiểm tra lại dây điện sau công tơ của gia đình mình xem có bị rò rỉ điện hay không. Cùng với đó, các hộ cũng nên xem lại các thiết bị sử dụng điện trong gia đình bởi có nhiều thiết bị công nghệ cũ, công suất cao gây hao phí điện năng, thời gian sử dụng chưa hợp lý dẫn đến lãng phí điện năng không cần thiết. Đặc biệt khi điện năng tiêu tốn nhiều kèm theo giá điện hiện tại, tính theo lượng điện sử dụng thực tế (nhân với giá bậc thang theo quy định của nhà nước), nếu hộ gia đình nào sử dụng nhiều, phải tính theo mức giá cao và tiền điện sẽ đội lên.

Trả lời về việc các hộ dân thường xuyên thấy công nhân điện lực đến các trụ điện, ông Lưu khẳng định, không có tình trạng nhân viên điện lực đến tự ý thay công tơ tùy tiện. Mỗi tháng, nhân viên điện lực thường đến để ghi chỉ số công tơ điện, cùng với đó kiểm tra đồng hồ điện hoặc khắc phục các sự cố điện, sửa chữa điện do nhân dân báo nên việc người dân thấy nhân viên điện lực thường xuyên cũng là điều dễ hiểu. Vậy, không thể nói rằng vì nhân viên điện lực hay đến trụ điện nên… điện tăng được. “Điện lực thành phố Kon Tum đang tìm mọi biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng một cách chuyên nghiệp nên ngay khi có sự cố, chúng tôi liền cho nhân viên đến nơi kiểm tra, đảm bảo lợi ích, quyền lợi của khách hàng theo đúng quy định. Chúng tôi đã cung cấp đầu số 19001909, nếu các hộ dân có thắc mắc hay gặp sự cố, hãy gọi điện đến để chúng tôi kịp thời tiếp nhận và xử lý ngay” – ông Lưu cho biết.

Sau khi làm việc, giải đáp thắc mắc, các hộ dân nơi đây cũng đã hài lòng và thể hiện mong muốn được ngành Điện lắp công tơ điện tử. Trong tháng 10/2016, Điện lực thành phố sẽ đến mắc công tơ điện tử theo nguyện vọng của người dân.

B.A

Chuyên mục khác