Tiệm tạp hóa của má

29/09/2024 06:16

Cửa tiệm tạp hóa ấy là căn nhà có cái sân rộng mà lúc nãy hắn đã đi qua nhưng không để ý kỹ. Nhìn những món hàng bày trên giá, hắn nhớ đến tiệm tạp hóa nho nhỏ của má ngày trước.

Đang rong ruổi về làng, thấy hơi đói bụng, hắn nghĩ đến việc phải tìm một cửa tiệm tạp hóa để mua đỡ bì bánh ăn lót dạ.

Chạy xe lòng vòng một hồi mà hắn chẳng thấy tiệm tạp hóa nào, nên quyết định ghé vào nhà dân bên đường để hỏi thăm. Chị phụ nữ đang địu con ngồi dưới gốc mít chỉ chỉ: Tiệm tạp hóa ở giữa làng ấy, đi thẳng đường này một đoạn nữa, đến chân dốc là thấy.

Hắn chạy xe theo chỉ dẫn, rồi dừng xe trước một căn nhà có cái sân rộng. Hóa ra, gian bán hàng tạp hóa nằm dưới lùm cây rậm rạp trước cổng, nên lúc nãy hắn đã đi qua nhưng không để ý kỹ.

Vừa hỏi mua bì bánh, hắn vừa quan sát những mặt hàng bày biện gọn gàng trên giá, trong lòng cồn lên nỗi nhớ về tiệm tạp hóa của má ngày trước.

Một tiệm tạp hóa ở làng. Ảnh: SC

 

Khi ấy, hắn còn nhỏ. Sau khi “mở cửa”, má của hắn nghỉ làm ở cửa hàng thương mại nhà nước, mở tiệm tạp hóa buôn bán tại nhà. Tiệm tạp hóa của má nhỏ thôi, nhưng cũng bán đủ thứ đồ dùng thiết yếu cho mỗi gia đình, từ muối, dầu ăn, đường, bột ngọt, đến bánh kẹo, đồ chơi con nít; rồi cả sách, vở, đồ dùng học tập cho học sinh.

Cửa tiệm tạp hóa chẳng có bảng hiệu, nhưng phải nói là nổi tiếng ở làng, ở xã, vì thời đó cả làng chỉ có một tiệm tạp hóa mà thôi. Nhà ai hết dầu ăn, đường, bột ngọt, mắm, muối cũng đều nhớ đến cửa tiệm tạm hóa của má hắn, phần vì má bán giá cả phải chăng, phần vì tiện đường, ghé vào mua nhanh hơn là chạy ra chợ.

Hơn nữa, ngày ấy cuộc sống còn khó khăn, không phải ngày nào bà con cũng đi chợ, mà phải chờ đến chợ phiên (5 ngày họp một lần) mới đi. Và chỉ đi khi có hàng nông sản gì đó cần bán.

Cửa tiệm tạp hóa của má được trưng bày đơn giản lắm. Hắn nhớ má kê mấy cục gạch bên dưới nền xi măng rồi gác mấy tấm ván lên làm thành cái kệ để trưng bày hàng hóa.

Tuy vậy nhưng mọi thứ được má sắp xếp gọn gàng lắm. Những mặt hàng ăn uống như mì tôm, bánh, kẹo, nước mắm, dầu ăn, đường, bột ngọt, nước ngọt, má để một bên hoặc treo lủng lẳng trên những cây sào được làm bằng thanh gỗ gác ngang qua trần nhà.

Những mặt hàng như xà bông, dầu gội, nước nửa chén, má để một bên. Những hàng hóa văn phòng phẩm như giấy, bút, sách, vở, thước kẻ, mực dành cho học sinh hay đồ chơi trẻ em, má xếp ngay ngắn trong chiếc tủ kính nhỏ.

Tuy là tiệm tạp hóa nhỏ nhưng má bận bịu cả ngày và đặc biệt luôn nỗ lực làm sao để phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm của bà con trong làng.

Ngày ấy, việc mua bán, mối lái hàng hóa không thuận tiện như bây giờ. Muốn mua hàng, má phải đạp xe ra thị trấn để chọn mua, rồi lục cục chở về. Vài ba ngày, má lại ra thị trấn một chuyến. Tết thì có ba phụ chở hàng, có khi mỗi ngày phải chở vài chuyến hàng về mới đủ bán.

Buôn bán thì cũng đắt hàng, nhưng có điều vì cuộc sống khó khăn nên đa phần bà con mua nợ nhiều. Má hắn có cuốn sổ ghi nợ theo tên từng hộ gia đình nhưng có năm phải thay sổ mấy lần.

Nhiều lúc hắn thấy má than bị nợ nhiều quá, muốn đứt cả vốn nhập hàng, nhưng rồi cũng cố gắng chịu đựng vì thông cảm hoàn cảnh của bà con, làm ra đồng tiền là vô cùng khó khăn.

Để giải quyết khó khăn này, má lại đi năn nỉ mấy mối hàng bán sỉ ở thị trấn thư thư thời gian thu nợ cho má. Nhờ sự san sẻ ấy mà việc buôn bán ở cửa tiệm tạp hóa nhỏ của má mới được duy trì.

Nhìn hình ảnh này thấy nhớ về cửa hàng tạp hóa thời ở quê. Ảnh: phunuvietnam.vn

 

Mỗi năm, cứ đến gần giao thừa, sau khi dọn dẹp xong nhà cửa xong, hắn thường thấy má lấy sổ sách ra tính toán, xem một năm qua buôn bán lời lãi làm sao để điều chỉnh. Mỗi lần như thế, hắn được má nhờ phụ giúp khâu cộng trừ trên chiếc máy tính cầm tay.

Và cũng chính mỗi lần phụ giúp ấy hắn mới thấy thương má làm sao. Hắn thấy có người mua nợ đến mấy năm vẫn không chịu trả, vậy mà má vẫn kiên trì, vẫn chia sẻ với họ.

Má nói, buôn bán cũng có người này người kia, nếu trúng người tử tế thì may mắn, trúng người ù lì thì cũng phải cố gắng chấp nhận. Bởi dẫu sao có cái nghề để có việc làm, kiếm thêm thu nhập cho gia đình là quý hóa rồi.

Cứ như thế, cửa tiệm tạp hóa nhỏ của má tồn tại đến khi mấy chị em hắn học xong đại học má mới chịu đóng cửa nghỉ ngơi.

 Hôm nay về làng, hắn ngồi bên chị chủ cửa tiệm tạp hóa nhỏ, nghe chị kể, bây giờ việc buôn bán không vất vả như trước đây. Hàng hóa không phải đi xa lấy, mà hàng tuần đều có xe tải của đại lý chở đến tận nhà phân phối.

Cuộc sống bà con cũng khấm khá hơn, nên việc mua nợ cũng giảm. Có điều, nhiều người buôn bán hơn nên sức cạnh tranh cũng lớn. Nhưng chị vẫn cố duy trì cửa hàng nhỏ của mình để có thêm thu nhập, lo cho các con ăn học.

Muốn có số tiền lớn thì phải kiếm được những đồng tiền nhỏ mà- chị cười, ánh mắt trong lắm.

Nhìn cách chị làm, nghe cách chị chắt chiu, tích góp, hắn như thấy hình ảnh tảo tần của má với cửa tiệm tạp hóa nhỏ ngày xưa.

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác