Thương nhớ “tập tàng”

20/07/2019 06:19

Chuẩn bị cho bữa cơm đoàn viên sau cả năm trời mỗi người mỗi nơi, mỗi người một việc, chị cả đề xuất, nấu canh rau tập tàng ăn đi. Dường như chỉ cần có vậy, cả mấy anh chị em chúng tôi cùng ồ, à…

Miên man trong dòng ký ức, những câu chuyện gắn với canh rau tập tàng cứ thế mà như vô tận…

Gian khó, đói khổ, chẳng gì nhiều bằng, rẻ bằng, tiện bằng… những bữa canh rau tập tàng. Chẳng cần phải chuẩn bị nhiều, gần đến bữa, ba mẹ hoặc anh chị em chúng tôi chỉ cần bưng chiếc rổ tre đi một vòng quanh vườn là cả nhà được bữa canh tập tàng. Nào là mồng tơi, rau muống, rau lang, rau dền, lá lốt, rau ngót, sâm đất, rau sam… mỗi thứ mỗi tí. Hôm thiếu vị rau này, hôm thiếu vị rau khác, nhưng đã gọi là rau tập tàng thì cứ phải là nhiều loại rau.

Bữa trưa, canh rau tập tàng; bữa chiều, cũng canh rau tập tàng. Qua ngày mai, ngày kia… cũng canh rau tập tàng. Lắm hôm, chưa cần đến bữa, anh chị em chúng tôi đã đùa vui, thực đơn mẹ nấu hôm nay nhất định có món “gia truyền”.

Ăn riết thành quen, những bữa canh rau tập tàng ngày gian khó thành thân thuộc, thân thương, thành mặc định cho mỗi bữa cơm của gia đình chúng tôi.

Giỏi “biến hóa” với món “gia truyền” này, mẹ có cả trăm lẻ một cách nấu canh tập tàng cho chúng tôi. Hôm mưa gió, hay không đi chợ được, mẹ chỉ phi chút mỡ lợn với củ hành đập dập, cho nước vào nấu sôi, thêm ít mắm ruốc, rồi bỏ mớ rau tập tàng mới hái được rửa sạch, sôi bùng lên nêm nếm chút muối, bột ngọt, vậy là được nồi canh rau tập tàng thanh mát.

Đến mùa cua đồng, mẹ lại hì hụi gỡ cua, giã cua trên cối đá, hái mớ rau tập tàng, thêm trái mướp ngọt sau vườn nhà, vậy là vị canh rau lại khác. Đến mùa gặt, mẹ ra chợ chọn mớ tép hay tôm đồng tươi ngon, loanh quanh vườn nhà hái ít rau, thêm chút bầu là được nồi canh ngon ngọt. Mùa nước cạn, chợ có nhiều hến, thể nào mẹ cũng mua một mớ về ngâm, đãi, lắng nước luộc hến, nấu với ít rau muống, rau lang…, là có nồi canh xen lẫn màu xanh non của rau tập tàng là màu trăng trắng của hến…

Ảnh minh họa. Nguồn internet

 

Những bữa canh rau tập tàng ngày qua ngày gắn bó với anh chị em tôi. Để đến khi trưởng thành, rời xa vòng tay mẹ, đi khắp muôn nơi vẫn nhớ về nồi canh rau tập tàng bình dị thuở ấu thơ.

Góc nhớ thân thương vẫn mãi lưu giữ những bữa cơm rộn ràng của đám trẻ háu ăn, chỉ cần nồi canh rau tập tàng nấu suông chút mỡ lợn, chút mắm ruốc, nêm nếm chút bột ngọt, chút muối… mà ai nấy mắt đều sáng long lanh, xì xụp mấy chén cơm liền.

Ở vùng quê mới lập nghiệp, cũng có những bữa canh rau tập tàng. Cũng tôm đồng, cũng hến, cũng cua đồng, cũng mớ rau tập tàng… đậm đà hương vị quê hương. Nhưng, đến bữa cơm vẫn có cảm giác thiêu thiếu, chưa giống lắm những bữa canh rau tập tàng mẹ nấu ngày xưa.

Bao nhiêu đầy vơi đã đi qua cuộc đời, nhưng trong câu chuyện hàn huyên ngày đoàn viên, anh chị em chúng tôi vẫn rưng rức về những bữa canh rau tập tàng ngày gian khó. Ngẫm lại cái “thiêu thiếu”, cái “chưa giống lắm” ấy, có lẽ là không gian căn nhà cũ kỹ, chiếc bàn ăn cũ kỹ và không khí sum vầy khi gần cả chục người bên mâm cơm chỉ có tô canh tập tàng “gia truyền” với chén muối lạc ăn suốt quanh năm ngày tháng. Cái “thiêu thiếu” ấy còn có lẽ vì mớ rau tập tàng được mua sẵn từ chợ, không tự mình hái. Khi ấy, tiếng lòng như nhắc gợi, ai nấy đều nhớ những buổi sáng đầy nắng, gió Lào phả hơi nóng hầm hập, đầu đội chiếc nón lá, cắp chiếc rổ được đan bằng tre sục sạo quanh vườn, để tùy theo thực phẩm nấu kèm là cua đồng, hến, tôm đồng, nấu suông… hay tùy theo thời tiết lạnh hay nóng, mà có sự gia giảm loại rau này, tăng loại rau kia… Và cái “chưa giống lắm” ấy, có lẽ còn vì thiếu đi mùi vị của đất quê ruộng làng – nơi chôn rau cắt rốn, nơi mà mấy anh chị em chúng tôi từ đó mà bắt đầu…

Ừ, tô canh rau tập tàng là tiếng gọi của ấu thơ, của một thời lam lũ. Nên dẫu chỉ là tô canh rau bình dị mà sao lại nhớ, lại thương quá chừng!

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác