Thương nhớ những lá thư

23/03/2024 06:14

Thằng em con dì cùng tuổi sắp về ở với bên nội, chị bé viết “Chúc em luôn học giỏi. Được nghỉ hè thì nhớ xin mẹ về quê thăm chị nhé”. Nhìn mấy dòng chữ nguệch ngoạc của cô bé chưa vào lớp một viết trên mẩu giấy kẻ ô ly bỗng nhớ, bỗng thương những lá thư gửi cho bạn bè, người thân vào những ngày xưa cũ.

Với đa số bạn trẻ hôm nay, viết thư tay chỉ còn trong… lời kể của ông bà, bố mẹ hay những người lớn tuổi. Bởi họ có thể gửi yêu thương của mình cho bạn bè, người thân, dù gần dù xa, bằng những tin nhắn trên điện thoại thông minh, hoặc những cuộc gọi video trên các ứng dụng, mạng xã hội.

Nhưng thế hệ 8X như chúng tôi, thời còn đi học vào những năm 2000, điện thoại còn rất hiếm, nên muốn liên lạc với người ở xa thì hình thức phổ biến là viết thư.

Mỗi lá thư gói  ghém tất cả vào trong đó những nhớ mong, giận hờn, niềm vui, nỗi lo và cả sự hồi hộp chờ mong sau khi gửi lá thư đi rồi. Bởi không ai biết được có nhận được thư hồi âm hay không, nội dung thế nào, vui hay buồn? Tất cả đều chỉ có thể biết khi nhận được thư mà thôi.

Và cho đến bây giờ, trong tôi vẫn tràn đầy ký ức về những tờ giấy viết kín chữ, là chiếc phong bì có viền xanh mỏng manh, là con tem và dấu bưu điện màu đen.

Lâu lâu thấy nhớ những lá thư viết tay lại mở ra xem. Ảnh: S.C

 

Ngày ấy, tôi học đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà không có điện thoại nên mỗi khi muốn thăm hỏi gia đình đều viết thư tay.

Viết thư là niềm vui rất lớn của tôi mỗi khi nhớ nhà. Mỗi lá thư là dịp để tôi được tâm sự cùng người thân, kể bao nhiêu là chuyện hàng ngày về cuộc sống xa nhà, từ gặp gỡ bạn bè ra sao, việc học thế nào đến đời sống sinh viên đầy thiếu thốn, với những bữa cơm không cá, không thịt, chỉ rau là rau. Bao giờ cũng kết thúc bằng nỗi nhớ những bữa cơm nhà đầm ấm và nước mắt tuôn trào ướt đẫm cả trang giấy.

Bao nhiêu là chuyện muốn nói, muốn kể với ba má, người thân, chỉ cần đặt bút viết là mạch nguồn cảm xúc cứ tuôn trào, có khi phải đến cả mấy trang giấy học trò mới hết nỗi lòng mình.

Viết xong, tôi mang ra bưu điện mua bì thư và tem dán vào rồi gửi đi. Hồi đấy cũng chưa có dịch vụ chuyển phát nhanh như bây giờ nên phải đến cả tuần, lá thư mới về tới nhà. Rồi thì mất cả tuần nữa tôi mới lại nhận được hồi âm của người thân, nhưng cũng có khi lá thư bị thất lạc, lòng vòng mãi. Mỗi lần viết, mỗi lần gửi thư và cảm giác chờ đợi người thân nhận được thư, hồi âm lại thư của mình mà nôn nao lắm.

Tôi nhớ, lần đầu xa nhà, má đã âm thầm nhét vào chiếc túi của tôi một lá thư. Nội dung lá thư thật ngắn gọn, chỉ nửa trang giấy học trò, nhưng lời lẽ thì vô cùng súc tích. Đó là những lời dặn dò, niềm tin của má dành cho tôi khi bắt đầu bước vào cuộc sống xa nhà. Tôi giữ lá thư ấy rất kỹ, xem như là báu vật, là chỗ dựa tinh thần, để mỗi lần cảm thấy buồn, thấy nhớ nhà là lại mở ra đọc, đến mức thuộc lòng.

Rồi những lá thư của mấy đứa em, đứa cháu viết gửi cho chị, cho dì nữa. Tháng nào tôi cũng được chú đưa thư của bưu điện chạy xe đến đứng ở đầu con hẻm trọ gọi tên và đưa cho vài lá thư. Trong căn phòng trọ chật chội, trên chiếc bàn nho nhỏ của tôi ngày ấy, ngoài sách vở là những chồng thư được xếp rất ngay ngắn. Thói quen của tôi là cứ học bài xong hay mỗi khi nhớ nhà là lại mở những bức thư ra đọc.

Vui vô cùng khi nhận được những bức thư của mấy đứa em ruột và mấy đứa em con chú. Chúng nó ngồi học bài chung với nhau xong rồi cùng viết thư gửi tôi, nên bức thư như “nồi lẩu”, với nhiều nét chữ, từ thanh mảnh của 2 đứa em út, đến nguệch ngoạc, cứng còng của đứa em con chú. 

Cứ thế, đứa này viết mấy dòng, đứa kia viết một đoạn, kể cho tôi nghe đủ chuyện ở nhà. Nào là chuyện con mực, con đốm hay giành nhau ăn, rồi chuyện mấy chị em dắt nhau đi bẻ mía trộm nhà hàng xóm bị bắt tại trận. Ngoài những câu chuyện kể sinh động, chúng còn vẻ cả những bức hình minh họa rất ngộ nghĩnh, dễ thương.

Bây giờ, mấy đứa đều đã có gia đình, nhưng mỗi khi về nhà có dịp ngồi kể lại cho nhau nghe, vẫn cười rũ rượi, vẫn thấy vui như chuyện mới hôm qua vậy.

Những lá thư viết tay một thời. Ảnh: SC

 

Hồi ấy, bạn bè hỏi thăm nhau cũng thường viết thư. Cùng học ở thành phố với nhau, nhưng chưa có điều kiện để đến thăm hỏi nhau, chỉ cần biết địa chỉ nơi ở là không ngại gửi thư. Những lá thư với những lời lẽ mộc mạc thôi, ngắn gọn thôi mà đọc thấy tình bạn bè gần gũi, thân thiết lắm.

Rồi cái thời sinh viên, tôi còn đọc được biết bao lá thư tình của những người bạn gửi cho nhau. Rõ khổ cái thằng bạn hiền như cục đất, nói năng thì kiệm lời, ấy vậy mà thổ lộ tình cảm với bạn gái thì văn thơ “lai láng” đến mức tôi cũng chẳng còn nhận ra có phải người viết thư là nó hay không.

Bây giờ trong một góc phòng riêng của mình, tôi vẫn còn giữ những lá thư tay của mấy chục năm về trước để làm kỷ niệm. Mỗi lần dọn dẹp nhà cửa lại ngồi đọc lại, mà vui, mà buồn theo từng trang giấy ố vàng.

Chợt nghĩ, đôi khi không phải chuyện gì cũng có thể dễ dàng nói hết ra được nỗi lòng mình và viết thư cũng là một cách hay để thay lời muốn nói. Lá thư có thể nói rất nhiều, bày tỏ tình cảm rất sâu sắc, còn điện thoại chỉ nói vài câu là xong việc, chẳng biết nói gì thêm.

Chiều nay, thằng em con dì chào để về sống ở quê nội, chị bé nắn nót viết dòng chữ: “Chúc em luôn học giỏi. Được nghỉ hè thì nhớ xin mẹ về quê thăm chị nhé”. Nhìn những dòng chữ nguệch ngoạc của cô bé chưa vào lớp một viết trên tờ giấy kẻ ô ly mỏng manh bỗng nhớ, bỗng thương những lá thư của những ngày xưa cũ.

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác