Thương nhớ “ầu ơ...”

25/07/2020 13:05

“Ầu ơ..., ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời”. Nghe câu “ầu ơ ví dầu” vọng ra từ căn nhà nhỏ ở vùng ven thành phố mà lòng nó da diết nhớ nhung ngày còn bé được bà, được mẹ ru ngủ.

Ngày trước, các bà, các mẹ, các chị thường ru cháu, ru con, ru em bằng những câu hát ru được truyền miệng với giai điệu ngọt ngào, da diết. Những câu hát ru tuy ngắn ngủi nhưng đều mang ý nghĩa hết sức nhân văn, giàu tình cảm. Hình ảnh, nhân vật trong từng câu hát được mượn để miêu tả, ví von thường rất đỗi quen thuộc với cuộc sống thường ngày nên dễ nhớ, dễ hát. Đây cũng là lý do để giải thích vì sao hát ru lại dễ truyền miệng từ bà sang mẹ, từ mẹ sang con, từ chị sang em..., hình thành nên nét văn hóa độc đáo của người Việt như vậy.

Trẻ em sinh ra được nằm trên nôi, trên võng hay được ẵm bồng trên tay... đều thích được nghe các bà, các mẹ, các chị hát ru. Với riêng nó, không thể nào quên được hình dáng mẹ đêm đêm dưới ánh đèn dầu, vừa may áo, vừa hát ru cho chị em nó ngủ (đứa nhỏ nằm trong nôi, đứa lớn thì nằm bên cạnh mẹ) với rất nhiều câu hát “ầu ơi”: “Chiều chiều chim vịt kêu chiều/ Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau...”; “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời”, “Má ơi đừng đánh con đau/ Để con bắt ốc hái rau má nhờ”; “Rủ nhau đi bắt chuồn chuồn/ Khi vui nó đậu khi buồn nó bay”; “Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi/ Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già”; “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành, để đức cho con”; “Trồng cây mong ước cây xanh, cha mẹ sinh thành mong ước con khôn”; “Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”…

Trẻ em sinh ra được nằm trên nôi, trên võng hay được ẵm bồng trên tay... đều thích được nghe hát ru. Ảnh minh họa

 

Ngày nhỏ, dù chẳng hiểu được hết ý nghĩa của những câu hát này nhưng lạ là nó vẫn rất thích nghe. Nó thường đòi mẹ ru bằng câu: “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời” hay như “Má ơi đừng đánh con đau/ Để con bắt ốc hái rau má nhờ”. Mẹ kể, không có hát ru là chị em nó không ngủ được. Đến khi mẹ sinh em rồi mà tối nào chị em nó cũng chờ để được hát ru vỗ về giấc ngủ. Nhớ nhất là những tối ngày hè, trời oi bức, chị em nó cứ thao thức, trở mình, đến khi mẹ cất lên lời ru thì chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay biết.

Cũng từ đấy mà chị em nó thuộc nằm lòng những câu hát ru của mẹ. Những khi mẹ vắng nhà, chị em nó cũng biết thay mẹ dỗ dành em ngủ bằng những lời ru mà bà và mẹ thường hay hát.

Lớn hơn chút nữa, tối đến, hai chị em nó vẫn thích nằm im trên chiếc chõng tre để lắng nghe mẹ hát ru em. Trong cái khoảng không gian ấy, từng lời ru càng thấm đẫm tâm hồn trẻ thơ của chị em nó. Nó dần cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc trong từng lời ru. Có lần nghe mẹ hát câu “Ầu ơ, má ơi đừng gả con xa/ Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”, chị nó thủ thỉ bên tai: “Lớn lên, chị sẽ không đi lấy chồng xa đâu, vì nếu lấy chồng xa chị sẽ nhớ mẹ lắm”. Nó cũng thủ thỉ với chị: “Em cũng vậy”... Rồi hai chị em chìm vào giấc ngủ từ lúc nào không biết.

Vậy mà duyên số, lớn lên, chị nó lại đi lấy chồng xa. Ngày sinh đứa con thứ hai, nghe tin mẹ đau bệnh, chị buồn lắm nên hát ru con bằng câu hát: “Ầu ơ..., chiều chiều chim vịt kêu chiều/ Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau...”. Thằng cu anh hồi đó 6 tuổi ngồi nghe mẹ hát ru lại thắc mắc: “Chín chiều ruột đau” là gì hả mẹ? Chị ứa nước mắt nhưng vẫn cố gắng giải thích cho con: “Đó là nỗi nhớ bà ngoại thật nhiều của mẹ đó con à”.

Ngày mẹ lên thăm chị, mẹ ru cháu cũng bằng những câu hát ru ngày xưa mẹ đã hát cho chị em nó nghe. Cả thằng cu anh và cu em đều mê tít tiếng ru ngọt ngào của ngoại nên càng bám bà.

Nó thừa nhận rằng, theo năm tháng, hát ru nuôi dưỡng trong tâm hồn trẻ thơ của nó những tình cảm thật đẹp đẽ, đó là tình yêu thương ông bà, cha mẹ; thấu hiểu hơn nỗi lòng, mong ước của ông bà, cha mẹ đối với con, cháu; giúp nó hiểu hơn quy luật của cuộc sống, của tự nhiên; sống hiếu đạo, nghĩa tình hơn với ông bà, cha mẹ và mọi người.

Và ngày nay, khoa học cũng đã chứng minh, hát ru có công dụng rất tốt, giúp nuôi dưỡng nhân cách cho trẻ.

Tiếc thay, không hiểu vì lý do gì, bây giờ rất hiếm khi nghe được lời ru con từ các bà mẹ trẻ, nếu có, thì cũng là những bài hát ru được tải trên mạng xuống rồi phát qua điện thoại cho con mình nghe. Và cũng đã từ rất lâu rồi, nó mới được nghe lại câu hát ru “Ầu ơ..., ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời” do một người mẹ trẻ ru con vọng ra từ căn nhà nhỏ ở vùng ven thành phố nơi nó đang sống.

Bỗng dưng cồn lên trong nó cả một miền thương nhớ!

Tú Quyên

Chuyên mục khác