Thương lắm miền Trung ơi!

01/11/2020 13:04

Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Trung đầy nắng gió và bão giông. Mỗi năm, ít nhất cũng có vài cơn bão tràn qua quê tôi, riêng năm nay, từ đầu năm đến giờ đã có đến ba cơn bão. Bão rồi bão, sự mất mát, đau thương cứ chất chồng. Mới đây, nghe tin bão số 9 đổ bộ vào đất liền mà tâm bão lại là các tỉnh miền Trung, tôi phập phồng nỗi lo lắng, sợ hãi.

Không lo sao được bởi bão số 9 được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua, gió có thể giật đỉnh điểm đến cấp 15 với sức tàn phá khủng khiếp.

Bản tin dự báo thời tiết thông tin rạng sáng bão ập vào đất liền làm cả đêm tôi không tài nào ngủ được. Bởi từ nhỏ sống ở quê tôi cũng đã hiểu được nỗi khổ, nỗi lo mùa mưa bão như thế nào, nó vẫn còn ám ảnh tôi trong giấc ngủ từ thơ bé cho đến tận bây giờ.

Chiều hôm qua gọi điện thoại về nhà để hỏi thăm tình hình, dù tất bật với công việc chằng chống nhà cửa nhưng ba tôi vẫn không quên nói mấy câu cho tôi yên lòng: “Ba, má đã nhờ người giúp rồi, yên tâm con nhé. Miền Trung mà, năm nào không bão đâu con, nên đừng quá lo lắng”.

Qua ứng dụng zalo call, nhìn mái tóc bạc của ba ướt đẫm nước mưa và gương mặt hằn sâu nếp nhăn đầy lo âu của má, tim tôi như bị bóp nghẹt. Tôi sợ ba má tôi phải chạy lũ lúc nửa đêm. Tôi sợ ba má tôi không đủ sức chống chọi với mưa to, gió lớn, lũ dữ.

Chờ ba cúp máy, tôi mới dám khóc. Khóc không thành tiếng mà nấc nghẹn ở cổ. Tôi thương cho người miền Trung, tôi thương cho ba má thật nhiều. Tôi đã đọc hết thông tin trên báo, xem khắp thông tin trên đài, mà vẫn không thấy có thông tin nào nói rằng bão số 9 sẽ suy yếu trước khi vào đến đất liền. Vậy là quê tôi lại phải bước vào “cuộc chiến” chống thiên tai dữ dằn. Nghĩ đến cái xóm nhỏ đa phần chỉ còn người già và trẻ nhỏ, vì người trẻ đều đi làm ăn xa, mà lo lắng vô cùng.

 
Mưa lũ gây ngập trên diện rộng ở nhiều tỉnh miền Trung. Ảnh: Zing

 

Ngày còn nhỏ, má thường kể cho tôi nghe, năm 1984, khi tôi chưa đầy 2 tuổi cũng có một cơn bão mạnh ập tới. Trận bão lũ lịch sử ấy đã làm sập căn nhà ông bà nội cho ba má tôi lúc ra riêng. Cây dừa bên hông nhà cũng bật gốc ngã đúng vào chiếc giường hai má con tôi đang nằm. Má ôm tôi chạy trong mê sảng. Rồi mùa bão lũ năm sau, tôi bị nước cuốn đi, may mà ba tôi kịp thời cứu được.

Trong ký ức, mùa bão lũ, căn nhà của gia đình tôi lúc nào cũng ướt sũng. Tối đến, chỗ ướt ba má nằm, chừa chỗ ráo cho chị em tôi. Mỗi mùa bão lũ, món ăn quen thuộc trong bữa cơm của chị em tôi là mắm kho quẹt... Nhưng đó cũng đã là sự cố gắng hết sức của ba má tôi, chứ nhiều gia đình còn cơ cực hơn. Sau bão lũ, cuộc sống khốn khó trăm bề, nhưng ba má vẫn lo chu toàn để chị em tôi an tâm đến trường.

Cũng có năm, bão tan, nước rút, cảnh tang tóc đau thương bủa vây cả làng, cả xã tôi trong nhiều ngày. Nhưng có một điều thật đáng khâm phục là sau những đau thương, mất mát ấy, người dân miền Trung quê tôi lại gắng gượng đứng lên để làm lại từ đầu. Thiên tai càng khắc nghiệt họ càng cố gắng để vươn lên. Cũng nhờ vậy mà nhiều gia đình chỉ làm nông thôi nhưng đã cho được cả đàn con vào đại học với hy vọng con mình sau này có nghề nghiệp ổn định sẽ không chịu cảnh khổ của nghề nông như mình.

Đêm 27/10, tôi gọi điện thoại về động viên ba má tranh thủ chợp mắt để lấy sức chống bão, và hứa sẽ thức theo dõi tình hình và đánh thức mọi người dậy (qua điện thoại) khi có thông tin gì bất ổn. Dặn dò là vậy, chứ tôi biết ba má tôi chẳng thể ngủ được.

4 giờ sáng, đứa em ở quê nhắn tin nói ba má tôi đã thức trắng đêm để cột cửa nẻo, bàn, ghế, giường, tủ...; xếp quần áo, lương thực vào bao trong tâm thế chạy lũ... Dù xác định không thể mang theo nhiều đồ đạc trong nhà đi cùng nhưng ba má vẫn hy vọng sau khi tan bão trở về nhà những món vật dụng thân thuộc trong gia đình vẫn còn đó, không bị lũ cuốn trôi…

Bão số 9 đi qua, nghe tin 2 tàu cá của Bình Định với 26 lao động bị mất liên lạc, mấy chục ngàn ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ; 55 người mất tích do sạt lở đất ở Quảng Nam… nhói đau vô cùng. Dõi về miền Trung thân yêu mà lòng tôi không nguôi thương nhớ.

Mưa vẫn còn nặng hạt. Trong tiếng mưa đổ sầm sập trên mái nhà, tôi như đứt từng khúc ruột khi nghe ca khúc “Thương lắm miền Trung ơi” của nhạc sĩ Hoài Duy. Những ca từ của bài hát như nói hộ nỗi lòng của người con miền Trung xa xứ: “Có ai xuôi tàu, cho tôi nhắn gửi, miền Trung thương nhớ. Thương lắm miền Trung ơi, nắng cháy tơi bời, lũ lụt triền miên. Mưa bão giông về, mái nhà đổ nghiêng. Tan tác cò bay, đồng xanh cây trái, giờ trắng xóa như dòng sông...”.

Chắc có lẽ, ai sinh ra trên mảnh đất miền Trung cũng đều có chung tâm trạng, nỗi lòng như tôi, phập phồng nỗi lo lắng, sợ hãi mỗi khi mùa bão lũ đến.  

Sông Côn

Chuyên mục khác