Thuần tay đan sọt

19/07/2018 13:01

Đã lâu, chúng tôi mới trở lại nơi này. Làng Kon Tum Kpâng (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) nằm bên con đường lớn dẫn vào cầu treo Kon Klor mà mọi người biết tiếng, cách phố phường nhộn nhịp chẳng bao xa.

Mưa mấy chặp rồi chưa ngừng rả rích, nhưng trong căn nhà xây đã cũ, dưới lớp mái tôn được lợp choài ra khoảng sân nhỏ, Y Kiơnh vẫn chưa ngơi tay. Người mẹ của bốn đứa con hơi gầy, da sạm màu, trông già hơn tuổi 44 của mình, nhưng dễ gần.

“Ổng đi rẫy rồi. Mấy hôm trước đi rừng lấy lồ ô, để sẵn đây. Sợ mưa mắc kẹt không chở về được. Nan cũng chẻ sẵn, ở nhà chỉ có đan thôi...” - Y Kiơnh cười, nhỏ nhẹ, thay lời giải thích về sự vắng mặt của anh chồng A Mét ở nhà.

Vừa chăm chú dõi theo từng đường đan thoăn thoắt của Y Kiơnh vừa tỉ tê hỏi han gia đình, công việc, chuyện chẳng mấy lúc đã thành quen.

Y Kiơnh kể, chị vốn là người làng Kon Tum Knâm, năm 2000, lấy chồng, mới theo về Kon Tum Kpâng sinh sống. Kon Tum Knâm không có nghề đan sọt. Theo truyền thống, đan lát vốn là việc của đàn ông con trai nên phụ nữ Ba Na cũng không rành.

Tuy vậy, về làm dâu Kon Tum Kpâng, để chia sẻ công việc gia đình, ngoài thời gian đi ô, lên rẫy; Y Kiơnh đã mày mò, chịu khó theo chồng chỉ dạy. Ban đầu khó khăn, chỉ cầm sợi nan đã lúng túng, ngượng nghịu; rồi bao lần đứt tay chảy máu, vai mỏi, lưng đau rã rời...; cần mẫn, siêng năng chịu cực, dần dà, đan lát thuần tay. Từ lúc còn lạ xa, bỡ ngỡ, đến giờ cũng gần 18 năm, Y Kiơnh gắn bó với nghề.

Trong lòng phố thị Kon Tum hiện diện không ít thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng sống với nghề đan sọt thì chỉ riêng Kon Tum Kpâng, tiếng Ba Na là làng Kon Tum “trên”.

Nghề được hình thành từ những năm sau ngày miền Nam giải phóng. Xuất phát từ thực tế phường Thắng Lợi là vùng trọng điểm rau xanh của thị xã Kon Tum nói riêng và cả khu vực Bắc Tây Nguyên thuộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum ngày trước. Rau quả làm ra, cần có đồ để đựng, vận chuyển đi nơi gần nơi xa; nên công việc đan sọt ra đời. Từ vài ba người, dăm bảy nhà, đến từng nhóm hộ, nhiều gia đình...

Theo thôn trưởng A Bưn, Kon Tum Kpâng hiện có gần 320 hộ với trên 1.500 nhân khẩu, trong đó, 220 hộ là đồng bào dân tộc Ba Na. Gần 190/220 gia đình đồng bào Ba Na có người đan sọt.

Sọt đựng rau được đan khá đơn giản, chứ không kỹ lưỡng, cầu kỳ như đan gùi, đan rá, đan đơm, đan đó; nhưng vẫn cần siêng năng, khéo léo. Yêu nghề và thuần tay thì đan nhanh, đan đẹp.

Vẫn theo Y Kiơnh, sọt được đan chủ yếu bằng lồ ô, đường kính phổ biến 80cm, rộng ở phần miệng sọt, đáy sọt thu lại nhỏ hơn. Bên cạnh đó, cũng có cỡ sọt to hơn hoặc bé hơn vài tấc, theo yêu cầu đựng rau - củ - quả hay những thứ chứa ở bên trong. Nan đan được chẻ theo độ dày vừa phải, dài theo chiều của cây lồ ô, rộng chừng đốt ngón tay. Đan không khó khi đã thuần tay, nhưng để làm ra những chiếc sọt tưởng đơn giản, vất vả nhất là khâu đi lấy lồ ô.

Không thể ở gần, mà phải đến những nơi khá xa như vùng sâu của xã Đăk Blà, Đăk Cấm, Đăk Rơ Wa; nhiều khi sang cả vùng rừng thuộc huyện Kon Rẫy, Đăk Hà, qua tới địa bàn tỉnh bạn Gia Lai mới có được nguyên liệu. Không chỉ đi xa, việc chặt và vận chuyển lồ ô mới thực sự nặng nhọc, vất vả; thường trong gia đình, do người đàn ông, thanh niên đảm nhận.

Có chồng Y Mét, nên vợ Y Kiơnh hầu như không phải lo việc kiếm tìm nguyên liệu. Tương tự như gia đình A Hên, A Chân, A Đang... ở Kon Tum Kpâng, những người phụ nữ cũng đỡ bận lòng. Nói như thế, không có nghĩa là chị em không xông xáo, lăn lộn với công việc.

Chị Lơng, 32 tuổi, một “tay” đan giỏi trong làng kể thêm: Lấy lồ ô thường thì người cha và con trai khỏe mạnh đi chặt, rồi cột vào xe máy, chở về. Nhưng đó là ở địa bàn thuận lợi. Đối với những khu vực xa, đi lại nhiều khó khăn, người làng hay rủ nhau 9-10 gia đình, mỗi gia đình 1-2 người, cả trai cả gái cùng vào rừng chặt lồ ô, gom lại, thuê xe công nông (trước đây là xe độ) chở về. Một chuyến, riêng công chở nguyên liệu đã chừng 1,5- 2 triệu đồng, tuy hơi cao, nhưng bù lại là mang về được lượng lồ ô đáng kể để yên tâm ngồi đan.

Nguyên liệu ngày càng xa, khó khăn nhất vào mùa mưa, nên bà con thường tranh thủ lúc trời nắng ráo để đi chặt. Có điều, lồ ô đan sọt không thể để dành quá lâu, vì khi cây lồ ô khô, vỡ, không còn độ dẻo cần thiết để làm ra những chiếc sọt như ý.

 Đan sọt cũng hình thành nên các thế hệ giỏi đan trong gia đình, như ông A Gưn, con A Gin, cháu A Gôl. Vợ chồng Y Kiơnh sống nhờ đan lát, đến con trai lớn A Hon theo nghề; con gái nhỏ Y Hớp, Y Hách cũng học nghề. Thạo nghề, một người trung bình mỗi ngày đan được 10 chiếc sọt. Mỗi chiếc sọt 12.000 đồng. Thu nhập chưa tính chi phí ở khâu chuẩn bị nguyên liệu không phải là cao, nhưng những người đan sọt không lo đầu ra, vì tư thương đến tận nhà mua sỉ.

“Nắng đan, mưa đan. Lúc nào cũng đan được hết, miễn là chịu khó thôi...” - Y Kiơnh thật tình. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình chị và bà con đan sọt ở Kon Tum Kpâng không còn đứt bữa giáp hạt và bớt khó bớt nghèo. Kon Tum Kpâng cũng là nơi du khách gần xa đến với thành phố bên dòng Đăk Bla ghé thăm, tìm hiểu và trải nghiệm.

Nhiều năm mải miết và sẽ còn gắn bó với nghề đan lát gần gũi, điều mà vợ chồng Y Kiơnh - A Mét và những người đan sọt ở Kon Tum Kpâng chia sẻ là không khỏi băn khoăn, vì lâu dần, vùng nguyên liệu lồ ô càng ngày càng vơi cạn. Càng ngày, mọi người phải đi càng xa và vất vả nhiều hơn mới kiếm được.

Liệu có đến lúc, gắn với yêu cầu phát triển nghề thủ công truyền thống, vấn đề quy hoạch những khu vực đất trống đồi trọc để trồng nguyên liệu, chủ động cho việc đan lát được đặt ra?

       Nghĩa Hà

Chuyên mục khác