Thói quen khó bỏ

30/05/2018 07:03

“Chuyển vào chợ tạm này ế quá em ơi. Người mua vắng hẳn, không bằng một nửa khi bán ngoài vỉa hè” – chị bán hàng rau ở chợ tạm 16/3 (thành phố Kon Tum) bộc bạch.

Ế ẩm - hệ lụy tất yếu ban đầu khi mua bán có những thay đổi, xáo trộn về địa điểm. Nhưng, nói như chị, sự thay đổi đó chỉ sẽ là chuyện nhỏ nếu có sự sắp xếp hợp lý, nghiêm minh; nguyên nhân dẫn đến ế chủ yếu nhất vẫn là thói quen khó bỏ.

Người mua bao nhiêu năm nay vốn đã quen với kiểu, chân còn chống xe, miệng í ới, tay chỉ trỏ, ngay tắp lự, có người đem hàng phục vụ tận tay. Nay, phải gửi xe, không thể làm “thượng đế” được phục vụ tận tay như trước, phải đi bộ vào tận hàng, dẫu chỉ vài chục mét, để chọn, để lựa… Vậy là đâm ra ngại vào…

Người bán thấy vậy, cũng nhấp nhô để chiều theo ý khách. Dẫu đã ký cam kết, dẫu đã được phân lô bán hàng ở chợ tạm, nắng không tới mặt, mưa không tới đầu nhưng các bà, các mẹ, các chị bán hàng vẫn nhấp nhổm không yên. Thi thoảng lại kháo nhau, có thấy xe (ý là lực lượng trật tự đô thị phường) không. Nếu có, đành gắng gượng yên vị bán ở chợ tạm; nếu không, tranh thủ bưng một vài thứ gọn nhẹ, cơ động, chạy ra ngoài đường Hoàng Văn Thụ, hay khu vực chợ đêm, chọn chỗ ngồi, đợi chờ khách quen thuộc bấy lâu…

Lý do được đưa ra, bưng ra vỉa hè người mua thấy tiện, bán được hơn. Mà mình không bưng người khác cũng bưng, có người bưng vào bưng ra thường xuyên có sao đâu, hà cớ gì mình lại không, đâm thiệt. Ai nấy thầm nhủ, thôi thì, nhanh tay, nhanh mắt và cả nhanh chân, để khi nào thấy lực lượng chức năng, nháo nhào, ù chạy nhanh về lại chợ tạm…

Có chị bán hàng khi được hỏi chuyện, còn tỏ ra vùng vằng, cấm cảu: Từ ngày giải tỏa bán buôn vỉa hè, lòng đường bao quanh Trung tâm thương mại, bưng vào bưng ra, mệt cả người. Vỉa hè có của riêng ai đâu, có ai thèm đi tới đâu, hết cấm đến quản không cho bán chứ. Mà nhà mấy ông đó không cần phải đi chợ à, không thích mua cho tiện à, sao cứ phải khó dễ thế…

Kiểu cấm cảu, vùng vằng của những người bán hàng vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ. Kiểu tiện đâu mua đó trở thành thói quen cố hữu với nhiều người nội trợ càng tiếp tay cho sự vùng vằng, cấm cảu, bưng vào bưng ra… khiến cho bức tranh đô thị thêm phần nhếch nhác.

Vậy là, sau thời gian đường thông hè thoáng, cảnh người mua chân chống xe, miệng í ới, tay chỉ trỏ; người bán cứ thế mà để hàng hóa lô nhô, thò ra thụt vào, tay vừa đưa hàng, miệng vừa nói nhưng mắt lại trông chừng thỉnh thoảng lại tái diễn khi vắng bóng lực lượng chức năng.

Thế mới thấy quyết tâm lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè ở các tuyến đường bao quanh Trung tâm thương mại được thành phố Kon Tum lần này dẫu được thực hiện với nỗ lực mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhưng không vì thế mà hết khó.

Khó vì cũng như những lần ra quân trước, kỷ cương chỉ được thiết lập khi ngành chức năng có mặt. Khó vì nhận thức của người dân còn hạn chế. Khó cho cả lực lượng chức năng vì không nhận được sự đồng lòng của những người cố níu kéo thói quen cũ. Và cho dù đã được phân lô, sắp xếp chỗ bán ổn định nhưng vì ế ẩm, không ít hộ gia đình không thể lấy đó làm kế mưu sinh cho cả gia đình, đành phải ngược xuôi, bưng vào bưng ra mong sao đắt hàng, có thêm chút thu nhập.

Nói cách khác, việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè ở khu vực Trung tâm thương mại nói riêng và các chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum nói chung có bền vững hay không phụ thuộc rất lớn vào thói quen, ý thức của người mua lẫn người bán và cả sự nghiêm minh, quyết liệt của chính quyền địa phương.

Nếu vẫn có “cầu” - những người tiện mua theo kiểu tạt qua đường thì chắc hẳn sẽ có “cung” - những người bán hàng sẽ lại nhớn nhác bưng vào bưng ra, lại cố chen cố lấn sao cho mớ rau, thau cá của mình tiến ra lòng đường, càng nhiều người thấy càng tốt…

Nếu chính quyền địa phương thiếu đi sự hợp lý trong sắp xếp, tạo sinh kế lâu dài cho người bán thì cũng khó mà triệt để. Và nếu lực lượng chức năng vẫn theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” cũng sẽ không công bằng với những người chấp hành nghiêm chủ trương, sẽ thiếu đi tính thuyết phục, sẽ người này, người kia lấn chiếm được, hà cớ gì mình lại không…

Thành phố Kon Tum đang phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị loại II vào năm 2020 và hướng đến xây dựng một đô thị xanh, văn minh, hiện đại. Tình trạng nhếch nhác, lấn chiếm vỉa hè lòng đường, họp chợ bừa bãi sẽ gây mất mĩ quan, trật tự đô thị, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thành phố. Vì thế, thay đổi thói quen và sự tùy tiện khi mua – bán dọc vỉa hè quanh Trung tâm thương mại là yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết.

Bình Toàn

Chuyên mục khác