05/06/2023 06:01
1. Ngày cuối tuần, mới mờ sáng, đã nghe tiếng anh “trưởng xóm” gọi với vào từng nhà “đề nghị các gia đình khẩn trương dậy làm vệ sinh ngõ xóm nhé”.
Đã lâu rồi, xóm tôi mới “ra quân” dọn vệ sinh môi trường!
Đợt “ra quân” gần đây nhất là sau tết. Mọi người cùng nhau quét dọn sạch sẽ đường hẻm; thu gom rác; dọn cỏ, cắt tỉa cây xanh.
Những chậu hoa mua về trưng bày ngày tết cũng được chặt cành, nhổ gốc, bó lại gọn gàng, thay vì vứt cả cây cả chậu ra đường như trước đây.
Tuy vậy, hoạt động này đã không được duy trì trong nhiều tháng qua. Chỉ sau mấy cơn mưa, cỏ dại mọc um tùm; những bì rác bị ai đó “vô tình” ném ra vệ đường; túi nilon vương vãi khắp nơi. Một bộ bàn ghế nệm hư, bị chủ nhà bỏ ở lô đất trống phơi mưa nắng.
|
Nhưng đáng ngại nhất vẫn là mương thoát nước nhỏ chạy dọc con hẻm bị tắc nghẽn vì toàn túi nilon, nước không chảy được, gây ứ đọng, bốc mùi.
Tối qua, cư dân trong hẻm đã “họp” và quyết định cần phải có sự thay đổi, nhất là cái khoản... rác. “Không thể chấp nhận được chuyện bao nhiêu rác trong nhà cứ quẳng ra đường coi như xong việc” - anh “xóm trưởng” quyết liệt nói, mọi người đồng ý ngay.
Rất nhanh chóng, tôi có mặt để làm “nghĩa vụ công dân”. Mọi người cũng lục tục tay dao tay chổi xuất hiện.
Trong khi phụ nữ, trẻ em quét rác, dọn cỏ, gom túi nilon thì cánh đàn ông hò nhau xúc đất đá lấp mấy ổ gà, phát quang cành cây um tùm 2 bên đường, khơi thông rãnh nước. Mấy cậu thanh niên hò nhau khiêng bộ bàn ghế hư ra ngoài, thuê xe của Công ty Môi trường đô thị chở lên bãi rác.
Cứ thế, chỉ non buổi sáng là con hẻm sạch sẽ, tinh tươm hẳn. Ai cũng vui. Anh “trưởng xóm” hể hả: Đấy nhé, cứ thế này phát huy. Năm nay ta quyết giữ cho sạch hẻm, đẹp phố cả năm.
Mọi người cũng thống nhất từ nay phải chấm dứt hẳn tình trạng “sạch nhà nhưng không sạch ngõ”, hạn chế việc vứt túi nilon vương vãi ngoài đường. Tốt nhất là cố gắng hạn chế dùng túi nilon, nếu có thì gom lại, bỏ ra thùng rác.
Nhiều khi, chúng ta hô vang khẩu hiệu “cứu môi trường là cứu cuộc sống chính mình”, nhưng lại không nhận ra rằng, bản thân môi trường sống đâu có vấn đề. Chính chúng ta làm bẩn môi trường sống, vì thế, hãy làm việc gì đó cụ thể để cứu chính mình, thay vì hô khẩu hiệu.
2. Cũng như bao nhiêu người dân của thành phố trẻ này, hằng ngày tôi vẫn đi trong lòng phố xá.
Nhiều khi vội vã băng băng trên con đường quen thuộc mà trong đầu chen chúc, ngổn ngang những tính toán, lo toan.
Nhiều khi cũng thư thả, chầm chậm chạy xe lòng vòng qua những con phố và cảm thấy tự hào vì kịp nhận ra những biến đổi cả bề rộng lẫn chiều sâu của “phố núi”.
Nhưng trong cảm xúc ấy, tôi vẫn thấy băn khoăn- và hẳn rằng không chỉ mình tôi- về chuyện… rác thải.
Thỉnh thoảng tôi ghé thăm nhà một anh bạn, phần vì chơi thân, phần vì thích cái công viên nhỏ ngay trước nhà anh ta.
Dù chỉ hơn chục cây xà cừ vươn cành tỏa bóng mát và dăm ba cái ghế đá, cái công viên nhỏ bé ấy như một nốt lặng bình yên, làm dịu mát không gian ngột ngạt, được bao kín bởi những khối bê tông vuông vức.
Mọi người có thể đến đây ngồi thư giãn, hoặc dạo bộ trên những đoạn đường bê tông ngắn dưới bóng cây.
|
Nhưng hồi đầu năm, tôi bất ngờ nhận thấy, trong công viên ấy xuất hiện hẳn một bãi rác khi nào không hay.
Kể với anh bạn về “vị khách” ấy, anh phàn nàn rằng, ban đầu chỉ là một vài bì rác bị “vô tình” bỏ quên bên bồn cây trước cửa nhà nào đó, dần dần, bịch to, bịch nhỏ, lá cây, bàn ghế hư hỏng, bóng điện, chổi cùn, giẻ lau chất đống dưới những gốc xà cừ.
Công nhân môi trường đô thị đã phải kéo mấy thùng rác- vốn đặt cách đó khoảng 50 mét- vào đặt ngay dưới gốc xà cừ. Nhưng buồn thay, thùng luôn rỗng, còn rác thì vẫn bừa bãi bên ngoài
Rác ở đây ngày một nhiều, và được vứt ra bất cứ lúc nào người ta thấy tiện. Những ngày mưa, rác bị nước cuốn trôi, vương vãi khắp nơi. Ngày nắng nóng, công nhân môi trường chưa thu gom kịp, mùi hôi bốc lên. Mỗi lần có việc, phải đến nhà anh bạn, tôi đều cảm thấy buồn nôn.
Sao mọi người không dọn dẹp cái “bãi rác” tự phát ấy đi? Để thế này ảnh hưởng đến môi trường sống quá- tôi thắc mắc.
Anh bạn ngại ngùng: Cũng có họp hành, cũng có hô hào nhiều lần rồi đấy. Ai cũng đồng ý rằng phải dọn dẹp nó, chấm dứt việc vứt rác bừa bãi, nhưng rồi người này nhìn người kia, cuối cùng đâu vẫn vào đó thôi.
Việc đó là của công nhân môi trường, người ta nghĩ vậy- anh nói.
Bẵng đi khá lâu, hôm qua tôi mới đến thăm nhà bạn. Trong khi chờ anh mở cổng, tôi nhìn ra công viên, và chợt nhận ra rằng, dường như nó khác mọi khi. Nhìn lần nữa, tôi phát hiện, bãi rác đã biến mất.
Ngạc nhiên chưa- anh bạn cười- hôm qua, chúng tôi dọn đấy. Mới đầu chỉ có tôi và cậu hàng xóm thôi, vì nó chình ình ngay trước cổng mà. Sau đó mấy thanh niên trong khu phố xúm vào, dần dần, nhà nào cũng có người tham gia.
Người đông, sức mạnh, chỉ vài tiếng đồng hồ là sạch sẽ. Mọi người còn cắm biển “Cấm đổ rác”, và cam kết không nhà nào vứt rác bừa bãi ra công viên nữa.
Thế mới biết, hành động cụ thể có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn hô khẩu hiệu nhiều- anh “chốt hạ”.
Môi trường cần được bảo vệ. Nhưng không phải từ những lời hô hào, những khẩu hiệu bóng bẩy. Mà phải bằng những hành động, những việc làm cụ thể, dù là nhỏ nhất, với tâm thế chủ động của mỗi người.
Cũng giống như khi thấy một bì rác rơi ngoài đường, thay vì phán xét ý thức của người khác, phàn nàn sao công nhân môi trường không thu gom kịp thời, thì hãy nhặt nó lên.
Cứ như vậy, rác sẽ hết!
Hồng Lam